Bước qua lầm lỗi

Thứ Hai, 10/04/2017, 09:35
Sau khi mãn án tù, Đỗ Đình Đổng ở tổ dân phố Trạch Tả, thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Thừa Thiên- Huế) quyết tâm làm lại cuộc đời. Từ hai bàn tay trắng, anh đã tự xây dựng nên cơ ngơi bề thế với khu trang trại rộng lớn cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng...

Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới có thể tìm gặp được Đổng, vì lúc anh bận tháo nước cho cánh đồng lúa, lúc thì đi bỏ dầu tràm cho khách. Bên trong căn nhà cấp 4 được xây dựng giữa đồi cát còn chưa tô trét, tường được treo nhiều bằng khen do Công an các cấp và chính quyền địa phương trao tặng, Đổng kể, sinh ra trong một gia đình nghèo nên phải nghỉ học từ sớm.

Lớn lên, anh được bố mẹ cho đi học nghề sửa xe máy và mở một tiệm nho nhỏ ở thị trấn Phong Điền để làm ăn. Khi công việc dần ổn định thì một tối cuối năm 2009, trong lúc điều khiển xe máy chạy trên tuyến QL1A đoạn qua địa bàn Phong Điền, do tránh một chiếc ôtô chạy ngược chiều nên xe anh va phải xe đạp của người phụ nữ đi cùng chiều.

“Cú va chạm nhẹ thôi, nhưng khi ngã xuống thì chị ấy không may bị viên đá bằng ngón tay găm vào sau gáy. Dù mình đã cố gắng đưa chị đến bệnh viện huyện, sau đó chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để cấp cứu, nhưng cuối cùng vẫn không cứu được mạng sống cho chị...”, Đổng buồn bã nhớ lại.

Anh Đỗ Đình Đổng bên chuồng gia súc đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đổng bị TAND Phong Điền tuyên án 18 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và phải bồi thường một khoản tiền lớn cho gia đình nạn nhân.

Những ngày thi hành án tại Trại giam Bình Điền, Đổng luôn ăn năn với hậu quả mà mình gây ra cho gia đình nạn nhân dù là vô tình, rồi nỗi nhớ cha mẹ già không ai chăm sóc nên anh quyết tâm phải cải tạo thật tốt với hy vọng được sớm ra tù trở về.

“Ở trong trại giam buồn nhất là những ngày cận Tết. Lúc ấy mình cứ nhìn ra song sắt mà lòng buồn da diết vì nhớ cha mẹ, nhớ quê nhà. Mình đã cố gắng lao động, cải tạo tốt và học nghề chăn nuôi heo do các cán bộ quản giáo hướng dẫn, với hy vọng sớm trở về giúp đỡ gia đình ổn định cuộc sống...”. Tháng 5-2011, Đổng mãn hạn tù. Ngày trở về, anh bị bạn bè xa lánh vì lý do... “không chơi với thằng đi tù”.

Không có bạn bè với những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng như trước, Đổng chăm lo dọn cỏ đám ruộng của gia đình bị bỏ hoang. Sau khi vay mượn tiền mua được chiếc máy cày gần 30 triệu đồng, cứ sáng sớm mỗi ngày, lúc gà cất tiếng gáy thì Đổng đưa máy cày ra ruộng và làm đến tối mịt mới nghỉ.

Qua nhiều tháng nỗ lực, Đổng khai vỡ được hơn 3 mẫu đất để trồng lúa. “Vụ lúa đầu tiên, mình quyết định gieo giống Khang Dân và không ngờ đất bỏ hoang lâu ngày nhưng lúa giống gieo xuống vẫn nảy mầm tươi tốt. Vụ ấy mình thu hoạch được 8 tấn, bán được gần 50 triệu đồng”, ngồi nhìn ra khu vườn giữa trảng cát mênh mông, chàng trai nay bước sang tuổi 36 nhớ lại.

Với những thành công bước đầu, Đổng tiếp tục mở rộng khu sản xuất lúa lên thêm 14.000m2 và tận dụng kiến thức học được ở trại giam để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Để tận dụng nguồn nguyên liệu lá tràm ở vùng đồi cát, Đổng còn đầu tư mua sắm trang thiết bị để nấu dầu tràm bỏ cho các đại lý, cửa hàng tạp hóa ở thị trấn. Lò nấu dầu tràm của Đổng đã giải quyết việc làm cho gần chục lao động ở địa phương với ngày công từ 200-300 nghìn đồng bằng việc bứt lá tràm làm nguyên liệu nấu dầu.

Đầu năm 2016, nghe tin nhiều hộ nông dân ở thị trấn được đến các tỉnh thành khác tập huấn về mô hình trồng măng tây nhưng không có hộ nào trồng thành công, Đổng mạnh dạn đến Hội Nông dân thị trấn Phong Điền đăng ký thực hiện mô hình này. Được hỗ trợ kinh phí 30 triệu đồng tiền giống, giàn tưới cùng với kiến thức học hỏi trên mạng Internet, Đổng bắt tay trồng 1.000 gốc măng tây và hiện số măng tây bám trụ lại trên vùng cát còn khoảng 700 gốc.

Theo ông Thái Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền thì Đổng chính là người thực hiện mô hình trồng măng tây đầu tiên thành công và đem lại hiệu quả kinh tế trên vùng cát địa phương.

Với những thành tích trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, Đỗ Đình Đổng đã được Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế tặng giấy khen và được Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp giáo dục, giúp đỡ phạm nhân tái hòa nhập.

Ngồi tâm sự cùng chúng tôi, Đổng vui mừng cho biết, sau nhiều năm trời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ngoài trang trại rộng lớn cho thu nhập mỗi năm từ 200-300 triệu đồng thì điều anh vui mừng nhất chính là việc xây dựng được mái ấm hạnh phúc khi có người con gái đã bỏ qua những dị nghị, điều tiếng để đem lòng yêu thương anh. Ngày cưới của vợ chồng Đổng tổ chức ở trảng cát vui như hội, bởi nhiều người không ngờ rằng Đổng lại có nghị lực làm lại cuộc đời như thế...

Anh Khoa
.
.
.