Bố mẹ sống "nguyên thủy", tương lai con sẽ ra sao?

Thứ Hai, 11/07/2016, 12:31
Chúng ta không xa lạ với cuộc sống "nguyên thủy" của đôi vợ chồng lập dị Nguyễn Tuấn Nghĩa (42 tuổi) và Lê Thị Mùi (52 tuổi) nơi bãi giữa sông Hồng. Họ sống đúng chất nguyên thủy theo nghĩa đen, cuộc sống sinh hoạt không giống ai. 


Thế nhưng gần đây dư luận đặt câu hỏi và cũng không ít băn khoăn: Rồi sau này đứa con gái mới 7 tuổi kia sẽ ra sao? Bé có phát triển được như một người bình thường hay không. Nhiều người cho rằng cần phải có biện pháp để "cứu" tương lai của cháu bé.

Chọn cách sống nguyên thủy

Nói về những người bị tâm thần chắc chắn không ai nổi tiếng như chị Lê Thị Mùi sau bộ ảnh của một nhiếp ảnh gia người nước ngoài. Bộ ảnh chụp lại những khoảnh khắc cuộc sống "nguyên thủy" của hai mẹ con chị Mùi nơi bãi giữa sông Hồng. Câu chuyện đời của chị Mùi thật như một bi kịch dài đằng đẵng. Chị vốn là gái Hà Nội gốc, sống ngay phố cổ phồn hoa.

Anh Nghĩa luôn trần như nhộng kể cả trước mặt con gái.

Lấy chồng rồi sinh con, ổn định như bao người khác. Bi kịch cuộc đời chị bắt đầu khi phát hiện chồng nghiện ma túy. Những cơn vật thuốc ngày một dày hơn, rồi anh cũng chết vì căn bệnh HIV. Tất cả tài sản chị Mùi được thừa kế của chồng chỉ là đứa con gái tên Phả và căn bệnh HIV.

Không chỉ mang trong mình căn bệnh thế kỷ, chị Mùi hằng ngày còn bị bệnh hen suyễn hành hạ. Nghĩ cuộc đời quá đắng cay, chị Mùi bắt đầu với lối sống bất cần. Chị mặc kệ những điều tiếng, mặc kệ cuộc sống xô bồ, làm tất cả những gì mình thích. Năm 2007, chị lang thang nhặt rác, đói rách khổ sở nhưng tuyệt không ai thấy người đàn bà điên rời xa đứa con của mình. Từng hành động cử chỉ đều rất mực thương yêu con.

Ông trời như khéo sắp đặt trước, người đàn bà điên ấy tình cờ gặp Nguyễn Tuấn Nghĩa. So với chị Mùi, Nghĩa ít hơn cả chục tuổi, độ "dị" có phần còn hơn. Như thể đã quen nhau từ lâu, hai người nhanh chóng bén duyên rồi về ở với nhau như vợ chồng cho đến nay.

Họ vốn là những kẻ lập dị, sống với nhau lại hợp cả tính cách, lối sống đến kỳ lạ. Nhiều người ví đó là lối sống "nguyên thủy" giữa Thủ đô, muốn ăn là ăn, muốn ngủ là ngủ, thậm chí chẳng cần phải mặc quần áo.

Về phần Nghĩa, anh cũng được người dân Thủ đô liệt vào hàng "người tâm thần nổi tiếng". Vốn là một chàng trai có nhà mặt phố, cao ráo, trắng trẻo nhưng trí nhớ lúc được lúc không. Trong một phút hiếm hoi tỉnh táo, Nghĩa kể lại cho chúng tôi: "Khi mới học lớp 4 tôi bị một tai nạn nên ảnh hưởng đến trí não.

Bữa cơm của gia đình nguyên thủy.

Lạ một điều tôi lại chẳng thấy thế, chỉ thấy mọi người bảo tôi thần kinh, hâm hấp. Tôi lại thấy mình hết sức minh mẫn, khỏe mạnh. Không minh mẫn thì làm sao tôi có thể đọc và tìm hiểu nhiều về đạo Phật được".

Khi chị Mùi và anh Nghĩa đến với nhau, họ về khu vực Văn Quán (Hà Đông) ở tại một căn chung cư cũ. Không hiểu vì muốn chiều lòng vợ hay vì sở thích mà chiều nào họ cũng đạp xe chở nhau ra bãi giữa sông Hồng để hóng mát.

Nhưng vì từ Văn Quán đến bãi giữa sông Hồng quá xa, gần 1 năm nay gia đình anh Nghĩa chuyển hẳn lên bãi sông Hồng cho tiện. "Chúng tôi muốn tách biệt với cuộc sống xô bồ, không muốn nghe còi xe, không muốn nhìn nhà cao tầng nữa. Chỉ có cuộc sống ở đây mới thực sự hợp với chúng tôi thôi" - anh Nghĩa nói.

Để đến được nhà vợ chồng anh Nghĩa không hề đơn giản. Dù hai vợ chồng dựng tới 4 cái lều để ở nhưng chỉ duy nhất một lối vào, hai bên cây cối um tùm như vào rừng.

Đứa trẻ lớn lên sẽ thế nào?!

Con riêng của chị Mùi là bé Phả đã lớn và về ở với ông bà, còn đứa con chung là bé Nguyễn Đức Hạnh hàng ngày vẫn sống "nguyên thủy" cùng bố mẹ. Không như những gì chúng tôi tưởng tượng, dù sống cùng bố mẹ lập dị nhưng bé Hạnh lại khá hoạt bát, thông minh và cực kỳ mau miệng. Hạnh được bố mẹ cạo đầu trọc lóc để tiện sinh hoạt. Cô bé tỏ ra không thích thú, nói nhỏ với chúng tôi: "Cháu không thích cạo trọc, không đẹp như các bạn khác. Cháu cứ phải đội khăn lên vừa đỡ nắng vừa đỡ ngại".

Chúng tôi biết bé Hạnh từ ngày bố mẹ cháu còn ở Văn Quán, khi ấy Hạnh rất trắng trẻo. Một năm ra bãi giữa này gặp bé mà gần như không nhận ra bởi Hạnh quá đen. Có lẽ quanh năm không được mặc quần áo, tắm nước sông nên vậy. Dù đen nhưng Hạnh vẫn khá tươi và khỏe mạnh.

Cuộc sống của bé Hạnh như ốc đảo, quẩn quanh nơi bãi giữa. Đồ chơi của Hạnh là những thứ vớt được dưới sông, bạn bè là những đứa trẻ sống tạm ở bãi giữa. Hạnh muốn ăn lúc nào cũng được, buồn ngủ thì bạ vào đâu đó.

Bé Đức Hạnh rất muốn được đi học như bao đứa trẻ khác

Chúng tôi có hỏi anh Nghĩa, sao không mặc quần áo cho con, anh gạt phắt đi: "Các loài vật sinh ra là tự do bay nhảy, tự chúng có thể thích nghi với môi trường, không nên bí bó, con người cũng vậy. Cứ ép nó theo những nguyên tắc của con người là sai hoàn toàn, phải cho chúng tự do nhất có thể".

Những túp lều dựng tạm, bụi chuối um tùm, tiếp chuyện chúng tôi nhưng vợ chồng anh Nghĩa vẫn trần như nhộng. Chỉ vài năm nữa thôi, bé Hạnh sẽ thành thiếu nữ, những hình ảnh mà hàng ngày bé chứng kiến chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý sau này.

Và rồi, cháu còn cả một tương lai trước mắt, cũng cần học hành, cũng cần tiếp xúc với thế giới văn minh kia. Bố mẹ cháu có thể lập dị, có thể "nguyên thủy" chứ bé Hạnh tuyệt đối không.

Giải thích việc này, dị nhân Nghĩa gay gắt: "Chẳng có gì phải ngại cả, bởi đó là một việc hết sức tự nhiên. Con người và thiên nhiên phải hòa vào nhau, như vậy mới thoát xác được".

Việc bé Hạnh không đi học được, anh Nghĩa giải thích là do hoàn cảnh, do không có hộ khẩu, không có giấy khai sinh. Rời khỏi cuộc sống "nguyên thủy" của vợ chồng anh Nghĩa, chúng tôi cứ ám ảnh mãi câu nói, hình ảnh của bé Hạnh: "Cháu muốn đi học" rồi lại lặng lẽ chơi với những thứ người ta bỏ đi, cùng mấy chú mèo hoang. Dẫu biết rằng bố mẹ bé rất thương yêu con mình, nhưng không thể để bé sống trong một tình thương yêu lập dị đến thế. Không thể để một đứa bé mới 7 tuổi phải chọn lối sống như cha mẹ chúng đã chọn.

Chuyên gia xã hội học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình chia sẻ: Thực ra đây là trường hợp rất là khác thường thậm chí có thể nói là quái đản. Sống giữa kỷ nguyên mà con người đã bỏ xa cái thời ăn lông ở lỗ từ rất lâu rồi nhưng đôi vợ chồng này lại lặp lại. Có thể hành động bất thường ấy nó xuất phát từ một uẩn khúc nào đó. Bản thân hành động của đôi vợ chồng trần truồng sống ở bãi giữa sông Hồng chưa chắc đã phải xuất phát từ nhu cầu tình dục, cũng chẳng phải có nhu cầu muốn giáo dục con cái. Việc họ sống như thế sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và tương lai của đứa trẻ 7 tuổi. Bởi lẽ sống trong một môi trường như thế đứa trẻ sẽ cảm thấy việc trần truồng là hoàn toàn bình thường và chắc chắn sẽ có tâm lý bầy đàn. Đứa trẻ đó sẽ không có nhu cầu giao tiếp với thế giới bên ngoài, không có khái niệm về giới tính. Thậm chí nó sẽ thấy việc mặc quần áo là một sự bất thường. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm sinh lý của đứa trẻ. Việc này, chính quyền sở tại có thể can thiệp để bắt vợ chồng này mặc quần áo như những người bình thường khác.


Phong Anh
.
.
.