Bí ẩn tục hun xác người ở Papua New Guinea

Thứ Bảy, 02/01/2016, 11:00
“Có tổng cộng 14 cái xác khô, tất cả đều được đặt trên giàn giáo bằng tre tại những vị trí nhìn rất sống động, cũng như có cả những cái xác khô được đặt trong tư thế như những bào thai trẻ sơ sinh bên trong những chiếc sọt lớn”. 


Chuyện gì đã xảy ra? Mời bạn đọc cùng khám phá một trong những phong tục bảo quản thân xác người quá cố hết sức độc đáo chỉ có tại Papua New Guinea.

Người Anga sống tại quận Aseki ở Papua New Guinea, đó là một rẻo đất nằm ở miền núi cao, khá hẻo lánh, và gần như tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới hiện đại, sự cô quạnh đến nỗi nếu như có ai đó xuất hiện trong bức tường sương mù dày đặc tại vùng núi non này thì sẽ bị xem là “điềm gở” đến từ thế giới người chết. 

Người Anga cũng thừa kế một trong những nghi lễ kỳ bí nhất của thế giới cổ đại: hun khói các xác ướp của người quá cố là các bậc tổ tiên. Nghe thì có vẻ hơi bất thường nhưng đúng là nó có thật – và chí ít là quan điểm ngờ vực của người ngoài – đó là một dạng thức sùng bái đặc biệt, những xác chết hun khói của người Aseki đã gợi nên cái nhìn tò mò đầy tưởng tượng của các nhà nhân chủng học, văn sĩ và nhà làm phim trong suốt hơn 100 năm qua. Nhưng cũng chỉ có vài người biết được chuyện sâu xa, gốc rễ của nghi thức an táng huyền bí này mà thôi.

Những xác ướp tại xứ sở những kẻ ăn thịt người

Để đi vào tìm hiểu xem tập tục kỳ bí này đã bắt đầu từ khi nào, và tại sao người bộ lạc Anga lại bắt đầu ướp xác người thân của họ tại một vùng đất nơi từng tồn tại khái niệm “ăn thịt người”, chúng tôi (phóng viên BBC) đã lặn lội tìm đến Lae – thành phố lớn thứ hai ở Papua New Guinea. 

Ở Lae, chúng tôi đã gặp gỡ với ông Malcolm Gauthier, một tay hướng dẫn viên làm việc cho công ty du lịch bằng xe gắn máy Niugini Dirt. Chặng hành trình của chúng tôi kéo dài 2 ngày, ngủ qua đêm tại thị tứ Bulolo, nơi từng diễn ra “cơn sốt vàng” vào thập niên 1930. 

Càng vào sâu bên trong xứ sở của người Anga thì đường sá càng lúc lại thêm tệ: đó là một tuyến đường hình xương cá với lớp đất bị rửa trôi sạch, nhiều bãi bùn và sông ngòi chằng chịt, một số chặng, bọn chúng tôi phải đi bằng thuyền độc mộc.

Các nhà nghiên cứu đang luồn sâu vào quận Aseki để mục kỉnh những xác ướp hun khói độc đáo. 

Khi chúng tôi đặt chân đến Angapenga, đó quả là một làng lớn nằm cách thành phố Lae khoảng 250km về hướng Tây Nam, ở đó có một toán trẻ con hướng dẫn chúng tôi đi thẳng ra một trảng cỏ nhìn xoay mặt ra một thung lũng hình răng cưa. 

Thung lũng này là một trong số hàng tá các điểm mà khách có thể nhìn thấy những cái xác hun khói ở quận Aseki, mặc dầu vị trí chính xác này phần lớn đã bị lãng quên theo thời gian. Nhưng những xác ướp ở Angapenga lại nằm ở nơi dễ tiếp cận nhất, chỉ một chặng ngắn từ con lộ chính. Có mặt tại đó, một người đàn ông tên là Dickson đã tiếp cận chúng tôi, ông ta nói rằng mình làm người quản lý nơi này.

Bằng ngôn ngữ Tok Pisin – một bản tổng hòa rực rỡ thanh sắc của các hệ ngôn ngữ tiếng Đức, Anh và tiếng thổ ngữ bản địa của người Melanesia, Dickson yêu cầu chúng tôi trả một khoản phí vào cửa. Malcolm Gauthier kỳ kèo mặc cả với Dickson đến một mức có thể chấp nhận được, thế rồi chúng tôi rời đám trẻ con và bắt đầu dấn thân vào chặng hành trình cuối cùng: 

Mất nửa giờ bặm môi leo lên những sườn núi dốc lởm chởm với cơ man nào là cây tầm ma có gai chích đau điếng cùng vô số mạng nhện giăng khắp nơi. Con đường khó đi và thực vật mọc rậm rịt quá mức đến nỗi chúng tôi phải bò bằng 4 chân. Thế rồi có một thứ nhô ra khỏi tán cây rậm rạp là một bức tường đất sét nhô vọt cao trên nền trời. Ở đó, bên dưới những hốc trong các vách đá là những cái xác hun khói của người Anga.

Hơn cả phim kinh dị

Mục kích những cái xác ướp quả là thứ rùng rợn hơn tất cả thứ mà chúng tôi có thể tưởng tượng. Xác dính đầy đất đỏ, chúng đã ở trong nhiều giai đoạn phân hủy khác nhau, với nhiều phần da khô đét bám vào cơ và xương. Một số xác vẫn còn nguyên mái tóc, móng tay chân đầy đủ và ngồi trong tư thế mang vẻ trầm tư mặc tưởng. Khuôn mặt đầy biểu cảm của các xác ướp như thoát thai từ những bộ phim kinh dị nức tiếng của điện ảnh Hollywood, với đầy đủ răng và nhãn cầu lòi ra khỏi hộp sọ. Một trong các xác ướp là nữ giới, có một xác ướp em bé được hun khói bám chặt lên ngực mẹ.

Cư dân Anga đang tiến hành nghi thức ướp xác.

Có tổng cộng 14 xác hun khói được sắp xếp trên các giàn giáo tre trong những tư thế trông hết sức sống động, hoặc có những xác ướp trông như những bào thai đặt bên trong các sọt lớn. Có 4 xác ướp đã được phân hủy thành những đống xương, những cái đầu lâu ngó ra ngoài thông qua hai ô cửa sổ trống hoác xuyên qua đám tre mục ruỗng. 

Tiếp cận gần các xác ướp này xem ra khá khó khăn. Chẳng có chỗ nào bằng phẳng để có thể đứng mà xem chúng và chúng tôi liên tục bị mất thăng bằng trong lúc đứng xem và chụp ảnh. Khi Malcolm Gauthier đến gần những cái xác nằm trên nền đất, anh ta trượt chân và tay túm lấy cái giàn giáo, gần như đẩy cả khối kiến trúc ngả về phía cánh rừng bên dưới.

Qua một bộ phim tài liệu của Hội Địa lý quốc gia Mỹ, chúng tôi đã biết một bộ phim về Koke, đó là một ngôi làng khác tại quận Aseki, nơi đó có các xác ướp thường xuyên trải qua các công đoạn “trang điểm” trùng tu. Thực vật, hướng dẫn viên Gauthier khẳng định rằng, anh ta từng thấy những xác ướp giống như thế này được trưng bày tại Triển lãm Morobe ở thành phố Lae một thập niên trước. 

Thế rồi, chúng tôi chết lặng khi nhìn thấy những món đồ tùy táng tinh xảo, quý giá được đặt ở đằng sau một cái xe tải có sàn phẳng, xe đã chạy hơn 250km trên những con lộ hư hỏng để đến chốn này. Thậm chí, những cái xác ướp này cũng rất dễ bị hủy hoại bởi tay các khách du lịch vụng về, những kẻ trộm mộ và nhiều yếu tố khác. Một cơn bão mạnh hay lở đất cũng có thể cuốn sạch mọi thứ.

Một huyền tích kỳ thú

Phần lớn tin tức mà chúng tôi nghe được ngày hôm nay về những xác ướp hun khói này chỉ dựa trên những lời đồn đại hoang đường, chúng được phóng đại hóa sự thật hay những tưởng tượng hão huyền. 

Ngay cả với những cư dân địa phương đại loại như tay quản trang Dickson mà chúng tôi tiếp xúc, hay một mục sư tên là Loland, hoặc một giáo viên có tên là Nimas, thì tất thảy đều cung cấp những câu chuyện hoàn toàn khác nhau về nghi lễ tang ma huyền bí ở xứ mình ngụ cư. 

Một số xác vẫn còn giữ được lớp bùn đỏ bọc. 

Tài liệu đầu tiên đề cập đến những xác ướp hun khói là của một nhà thám hiểm người Anh tên là Charles Higginson vào năm 1907 – chỉ 7 năm trước khi bắt đầu xảy ra cuộc Đại chiến thế giới thứ nhất.

Tuy vậy, theo tay quản trang Dickson thì nghi thức hun khói xác chết đã được bắt đầu từ thời Đại chiến thế giới thứ nhất khi người Anga nảy sinh xung đột, tấn công nhóm các nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến Aseki. Ông cố của Dickson – một trong những xác ướp mà chúng tôi nhìn thấy trên vách đá – đã bị bắn chết bởi các nhà truyền giáo trong một hành động tự vệ. 

Cũng theo Dickson, vụ hạ sát ông cố của mình đã gây ra một loạt vụ giết hại tàn bạo và chúng chỉ kết thúc khi các nhà truyền giáo “hối lộ” muối cho cư dân địa phương, từ đó dân Anga cũng bắt đầu ướp xác người thân của họ. 

Phóng viên Hội Địa lý quốc gia Mỹ đang chụp cận cảnh một số xác ướp quanh.

Theo Dickson, phong tục này chỉ kéo dài đúng 1 thế hệ, và nó kết thúc khi nhóm truyền giáo cải đạo Ki Tô giáo thành công cho những người Anga. Cả Loland và Nimas cùng xác nhận rằng, nghi thức hun khói xác ướp đã kết thúc vào năm 1949 khi các nhà truyền giáo định hình gốc rễ của họ ở Aseki.

Nhưng không giống như Dickson, Loland và Nimas cho hay rằng, nghi thức ướp xác đã được người Anga tiến hành trong suốt nhiều thế kỷ. Hai người này giải thích rằng, các xác chết không được ướp bằng muối mà được hun khói trong suốt nhiều tháng để được “thanh lọc linh hồn”. Kế đó, người làng sẽ bao phủ đất sét lên toàn bộ cái xác nhằm giữ cho xác có cấu trúc rắn chắc, rồi đem bỏ xác ướp vào các ngôi miếu trong rừng già. 

Giáo viên Nimas cũng khẳng định rằng, việc “ăn thịt người” chưa từng xuất hiện ở Aseki – trái với những mô tả tỉ mỉ của nhà thám hiểm Charles Higginson vào năm 1907 tả về người Anga như một cộng đồng người khát máu, tham lam, đã đánh chén ruột người thân của mình trong suốt thời gian diễn ra nghi thức hun khói xác ướp. 

Nhưng nếu quả như người Anga từng là một cộng đồng “ăn thịt người” thì tại sao họ không “xơi tái” Higginson, mà lại tha bổng cho ông ta để còn có cơ hội viết sách, trong khi ông ta là một người ngoại quốc lẻ loi và ít được phòng vệ trong cánh rừng đại ngàn của họ? 

Trước khi rời Aseki, chúng tôi hỏi câu chót về Dickson rằng: Có hay không việc những người ướp xác đã lấy mỡ của các xác chết và sử dụng nó làm dầu ăn trong suốt quá trình diễn ra nghi lễ ướp xác theo như tuyên bố của Higginson và gần như mọi báo cáo viết về các xác ướp? Khuôn mặt Dickson toát lên vẻ ngờ vực, đáp: “Tok giaman blo wait man (Đừng tin người da trắng). Có một số bí mật, có lẽ đã được người quá cố đem theo vào cõi vĩnh hằng”.

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.