Ám ảnh những lần gặp tử tù

Thứ Hai, 31/10/2016, 12:13
Họ - hơn ai hết là những người hiểu cuộc sống quý giá đến nhường nào. Cho dù từng gây tội ác tày trời, nhưng khi bị tuyên án tử hình, họ vẫn khát khao được sống, được hưởng tự do, được làm người lương thiện, cho dù những mong ước đó có thể không bao thành hiện thực nữa.


Tôi đã từng gặp không dưới 10 tử tù bị án tử hình, trong đó có cô gái vừa chập chững vào đời, có người vì tham tiền đi xách ma tuý hay những kẻ giết người, cướp của. Mong rằng sẽ không còn ai gây tội ác để xã hội vợi bớt nỗi đau, để không còn những ánh mắt ám ảnh trước cái chết cận kề...

1. Hiếm có gia đình nào bất hạnh như gia đình ông Đào Ngọc Kình, ở xã Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên bởi hai người con trai ông bà rứt ruột đẻ ra đều bị kết án tử hình. Hai ông bà đều làm nông nghiệp, cả cuộc đời sống lương thiện, chưa bao giờ va chạm với ai, nhưng đâu có thể ngờ, cả 2 con của mình lại lần lượt gây tội ác.

Có lẽ tôi là phóng viên đầu tiên và duy nhất đồng hành với cơ quan Công an trong suốt quá trình điều tra vụ án và chứng kiến sự trả giá cho tội ác của đối tượng bởi ngay khi xảy ra vụ sát hại người nước ngoài (chị Fu Hua, quốc tịch Trung Quốc) trên cánh đồng Đồng Tỉnh, xã Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên, tôi đã về hiện trường tìm hiểu sự việc.

Công an tỉnh Hưng Yên điều tra vụ Đào Ngọc Dần sát hại chị Fu Hua.

Khi Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt giữ đối tượng, đang dẫn đi thu hồi tang vật, lập tức tôi phóng xe máy về hiện trường. Đó cũng là lần gặp đầu tiên của tôi đối với đối tượng Đào Ngọc Dần.

Hôm đó, trời nắng gắt, các điều tra viên ai cũng mướt mát mồ hôi. Dần bước đi như lết, đôi mắt không dám nhìn lên để tránh sự phẫn nộ của những người dân đến xem. Hôm đó, bố Dần nghe tin con bị bắt chạy hớt hải đến hiện trường, đau đớn nhìn đứa con thứ 2 – cũng là hi vọng duy nhất của gia đình bị các cán bộ Công an dẫn đi. Có lẽ sự đau đớn đối với ông đã ở đỉnh điểm, ông khắc khổ, dường như tuyệt vọng trong buổi sáng mùa thu nắng gắt đó.

Sau khi Dần bị tuyên án tử hình, tôi và nhà báo Thu Hoà về lại gia đình Dần. Trong buổi cuối chiều đỏ ối ráng thu, mẹ Dần đi làm đồng, bố của Dần đạp xe sang xã bên. Ngôi nhà 3 gian khóa hờ hững, sát bên phải là căn bếp đang xây dở, lợp tạm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau dầm dãi nắng mưa nên hai ông bà chuyển việc nấu nướng lên hè.

Đàn vịt mới ươm lúp xúp dưới mấy bụi chuối tiêu ngoài vườn. Bờ rào là những bụi tre, kẽo kẹt trong nắng chiều gây cảm giác hoang vắng, cô quạnh đến lạ lùng.

Đến gần tối thì ông Kình, bà Thành cũng lần lượt về, đón cả đứa cháu nội duy nhất về. Cuộc trò chuyện của chúng tôi cứ bị đứt quãng bởi tiếng khóc của ông Kình, bà Thành. Con trai cả của ông bà là Đào Trọng Thơm chỉ vì buồn chuyện vợ bỏ đi đã sinh ra chán nản, bập vào cờ bạc. Thua bạc, bị bố mắng, túng quẫn, không có tiền, Thơm đã thuê xe ôm, sát hại rồi cướp tài sản, bị kết án tử hình.

Nỗi đau tưởng cũng chỉ đến thế là cùng, nhưng số phận vẫn chưa buông tha, lại tiếp tục giáng xuống đầu vợ chồng ông Kình một nỗi đau nữa. Cậu con thứ hai dẫm vào vết chân anh trai chỉ sau đó hơn hai năm. Dần cưới Nguyễn Thị Giang. Do thiếu hiểu biết cộng với cuộc sống vất vả khiến cả hai thường mâu thuẫn.

Cố gắng vực kinh tế gia đình, ông Kình đã đi vay 60 triệu đồng cộng với 60 triệu bố mẹ Giang cho vay để cho cả hai đi xuất khẩu lao động. Nào ngờ bị “cò” lừa, số tiền mất sạch. Rồi cả hai đi làm công ty, túng quẫn, lại cãi nhau, vợ chồng sống ly thân. Giang quen 1 người đàn ông Trung Quốc nên tháng 9-2009 đã sang thăm người tình.

Trên chuyến tàu về, cô ta gặp chị Fu  Hua đi du lịch. Do nói được tiếng Trung nên Giang gợi ý Fu Hua về Hưng Yên thuê khách sạn cho rẻ. Tình cờ Dần gọi điện cho vợ, được vợ nói đang đi với một khách muốn đi du lịch Đông Nam Á.

Nghe thế, Dần nổi lòng tham, liền nói với Giang về kế hoạch “đổi đời” bằng cách lừa chị Fu Hua và 2 người bạn về Hưng Yên thuê khách sạn, sau đó, giả vờ đưa nạn nhân đi mua sim điện thoại rồi chở ra cánh đồng sát hại nạn nhân, cướp tài sản. Dần bị kết án tử hình, còn Giang chịu mức án 25 năm tù giam.

Gặp lại Dần sau khi bị kết án tử hình ở phòng biệt giam, Dần kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời ngắn ngủi của mình, rằng từng yêu một cô gái khác, song không hiểu sao lại cưới Giang làm vợ.

Nhắc đến bố mẹ, ánh mắt Dần như sụp xuống. Anh ta nói nhỏ “cay đắng lắm chị ạ, để bố mẹ đầu bạc cô độc chống chọi với tuổi già và cuộc sống lam lũ, em thấy ân hận vô cùng. Lúc gây tội, em không nghĩ đến điều đó. Chỉ tiếc là em biết xa rời cái ác, biết trân trọng cuộc sống thì đã quá muộn rồi…”.

2. Tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu một ngày đầu xuân Canh Dần, ngoài phòng đợi, tôi gặp một phụ nữ ngoài 50 tuổi, mặc áo đen, mái tóc pha sương. Một cán bộ quản giáo giới thiệu đó là mẹ của Vũ Quốc Việt, bị án tử hình trong vụ chiếm đoạt 10kg ma tuý ở cơ quan thi hành án tỉnh Lai Châu.

Có lẽ, sự cùng cực đau khổ, tuyệt vọng đã cướp đi mẹ của Việt tất cả, từ sức khoẻ đến mọi niềm vui trong cuộc đời. Bà từ huyện Yên Bình, Yên Bái đến Trại tạm giam Lai Châu với nhiều quãng đường, bằng nhiều phương tiện khác nhau nhưng tháng nào đến kỳ thăm phạm nhân bà cũng đến, bởi bà muốn, những ngày còn lại của Việt sẽ không cô đơn, bà muốn gặp đứa con mình rứt ruột đẻ ra nhiều hơn…

Bà có 4 người con, 3 trai, 1 gái, Việt là con thứ hai. Thế nhưng, đời không ai học được chữ ngờ khi các con càng lớn, càng xa vòng tay của bố mẹ và trượt dài lúc nào không hay. Anh trai của Việt đã chết vì nghiện ma tuý, mọi hy vọng của gia đình đều dành cho Việt khi anh ta tu chí, tốt nghiệp trường Luật, làm ở TAND huyện Yên Bình (Yên Bái).

Năm 2007, Việt chuyển về làm ở cơ quan Thi hành án Lai Châu. Nhận công tác tại cơ quan Thi hành án tỉnh Lai Châu mới được hơn 2 tháng thì Việt thấy cơ quan kiểm kê ma túy là tang vật của các vụ án đã có hiệu lực thi hành để hôm sau tiêu hủy.

Biết số lượng ma túy sẽ là rất lớn, có giá trị cao, có thể mua được chiếc ôtô mà mình hằng mong ước nên Việt đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Lợi dụng sơ hở trong việc quản lý vật chứng, Việt đã thực hiện hành vi lấy trộm 10kg heroin.

Gặp Việt trong khu biệt giam, Việt tỏ ra vô cùng ân hận và xót xa “Chỉ vì lòng tham và suy nghĩ nông cạn mà đến nỗi này”. Mắt Việt nhoè nước, bảo rằng “hôm nay mẹ sẽ đến thăm tôi, không biết bà vượt qua được bao nhiêu nữa”.

Phương Thủy
.
.
.