Tin đồn thất thiệt trên WhatsApp khiến nhiều người bị giết

Thứ Năm, 05/07/2018, 15:27
Mới đây, chính phủ Ấn Độ đã gửi một cảnh báo đến Facebook – chủ sở hữu của WhatsApp, bởi chỉ trong vòng 6 tuần qua, hàng chục người đã bị giết liên quan đến các cáo buộc bắt cóc trẻ em dựa theo các tin đồn trên ứng dụng nhắn tin đa nền tảng này.

WhatsApp là một ứng dụng nhắn tin đa nền tảng, cho phép nhắn tin mà không cần phải trả phí tin nhắn SMS. Ngoài những tính năng thông dụng của một trình nhắn tin, WhatsApp có thể tạo nhóm, gửi không giới hạn ảnh, video và nhạc tới các thành viên.

Facebook đã mạnh tay chi tới 19 tỷ USD để mua lại dịch vụ nhắn tin này hồi đầu năm 2014 khi mà WhatsApp đang rất thành công với con số hơn 450 triệu người dùng tích cực/tháng và 27 tỷ tin nhắn mỗi ngày.

Hai người đàn ông Ấn Độ đã bị giết bởi tin đồn bắt cóc trẻ em lan truyền trên WhatsApp.

Ấn Độ hiện đang là thị trường lớn nhất của WhatsApp, với hơn 200 triệu người sử dụng thường xuyên. Trong một tuyên bố, Bộ Công nghệ Ấn Độ nói rằng WhatsApp đang tràn ngập những thông tin kích động, vô trách nhiệm và việc lạm dụng một nền tảng như WhatsApp để lan truyền nội dung khiêu khích như vậy gây quan ngại sâu sắc.

Ứng dụng nhắn tin WhatsApp đang nghiên cứu tính năng mới nhằm ngăn chặn các tin xuyên tạc phát tán sau khi nhiều người bị giết bởi tin đồn lan truyền trên nền tảng này. Trong thư gửi chính phủ Ấn Độ, WhatsApp cho biết đang thử nghiệm công cụ hiển thị mới khi người gửi chia sẻ một thông điệp nào đó thay vì tự soạn.

Theo WhatsApp, bên cạnh những thay đổi trong thời gian qua, công ty sẽ sớm ra mắt tính năng mới, là dấu hiệu quan trọng đối với người nhận cần suy nghĩ kỹ hơn trước khi chuyển tiếp một thông điệp nào đó. Gần đây, công ty bổ sung tính năng cho phép quản trị viên một nhóm chat kiểm soát được ai có thể gửi tin nhắn.

V.Cường
.
.
.