Facebook vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực

Thứ Tư, 16/01/2019, 17:35
Theo kết quả rà soát ban đầu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, mạng xã hội Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn: Quản lý nội dung thông tin; Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và Trách nhiệm thuế với Việt Nam.

Câu chuyện này một lần nữa cho thấy, quản lý các dịch vụ xuyên biên giới, đặc biệt là các mạng xã hội nước ngoài đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam  đang là bài toán cần có những giải pháp hiệu quả và căn cơ hơn.

Theo  Bộ TT&TT, trong thời gian qua Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được 4.466 video clip xấu độc trên trang YouTube theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Từ đầu năm 2018, Google đã đồng ý cơ chế hạ nguyên kênh có nội dung vi phạm thay vì hạ từng clip như trước đây, theo đó, đã hạ nguyên 6 kênh.

Facebook cũng gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Tuy vậy, việc quản lý thông tin trên các mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là Facebook vẫn còn nhiều khó khăn phức tạp khi mà kết quả rà soát của Cục Phát Thanh-Truyền hình và thông tin điện tử mới đây cho thấy, Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn là Quản lý nội dung thông tin, Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và chưa thực hiện nghĩa vụ thuế.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT cũng thừa nhận, hiện nay các giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và Youtube để chặn mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm. Vì vậy, trong nhiều trường hợp cần cân nhắc, nếu áp dụng việc chặn triệt để sẽ gây phản ứng của dư luận trong nước do nước ta chưa có dịch vụ tương tự để thay thế được Facebook, Google.

Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có giải pháp để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trêm trên Facebook và Youtube. Ngoài ra, việc xác định đối tượng vi phạm trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các mạng xã hội nước ngoài do đối tượng vi phạm còn ẩn danh, giả mạo người khác, gây khó khăn trong công tác điều tra.

Thúc đẩy xây dựng mạng xã hội thuần việt có khả năng cạnh tranh với mạng xã hội nước ngoài.

Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Internet và thông tin mạng còn chưa theo kịp với sự phát triển do đặc thù phát triển quá nhanh của công nghệ, của dịch vụ và nội dung thông tin.

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý đối với mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, Bộ TT&TT cho biết, trong giai đoạn 2019-2021, sẽ tiếp tục thực hiện triệt để, đồng bộ để các giải pháp đã thực thi từ năm 2018 như đồng bộ đấu tranh với Facebook, Google và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới, yêu cầu phải có đầu mối tiếp nhận thông tin vi phạm tại Việt Nam giúp quy trình xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm được nhanh và hiệu quả hơn.

Đồng thời, hoàn thiện bộ tiêu chí nhận dạng Fake News dựa trên những kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các giải pháp quản lý đối với Fake News tại Việt Nam. Xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả mạng xã hội tích hợp đa dịch vụ trên nền tảng hạ tầng công nghệ theo định hướng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước xây dựng hệ sinh thái số.

Cùng với đó, sẽ tiếp tục bổ sung hệ thống văn bản pháp lý về thông tin điện tử nhằm xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với đặc thù phát triển của ngành; giảm thiểu các thủ tục hành chính; hỗ trợ, định hướng các doanh nghiệp trong nước phát triển các nội dung số, hệ sinh thái số phù hợp, tạo điều kiện cho mạng xã hội trong nước phát triển.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Chúng ta phải tận dụng lợi thế của mạng xã hội để thông tin truyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Tuy vậy, cũng phải tăng cường sử dụng đồng bộ các giải pháp, từ pháp lý, kỹ thuật đến công nghệ để quản lý mạng xã hội, lành mạnh hóa không gian mạng.

“Cùng với việc xây dựng và ban hành Bộ qui tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy xây dựng các mạng xã hội Việt Nam, tích hợp nhiều dịch vụ khác nhau để thu hút người Việt Nam sử dụng, có khả năng cạnh tranh với mạng xã hội nước ngoài; xây dựng hệ sinh thái nội dung số thuần việt, từ đó chủ động trong công tác quản lý nội dung. Bên cạnh các mạng lớn như Zalo, Mocha, với trên 60 triệu thuê bao thì sẽ phát triển thêm các mạng xã hội nhỏ hơn theo phân đoạn khách hàng. Mục tiêu đến năm 2020-2021, mạng xã hội nước ngoài và mạng xã hội Việt Nam tương đương nhau về người dùng”- Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Huyền Thanh
.
.
.