Sẽ siết trách nhiệm của Google, Facebook trong quảng cáo trực tuyến

Thứ Hai, 24/08/2020, 21:39
Điểm mới đáng chú ý của Dự thảo là quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bên cung cấp dịch vụ, kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo và đặc biệt là nghĩa vụ thuế của các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook trong quảng cáo trực tuyến.


Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quảng cáo.

Điểm mới đáng chú ý của Dự thảo là quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bên cung cấp dịch vụ, kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo và đặc biệt là nghĩa vụ thuế của các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook trong quảng cáo trực tuyến.

Mặc dù Luật Quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đã có quy định cơ bản điều chỉnh hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ, đặc biệt về vấn đề kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo trước khi phát hành và thực hiện nghĩa vụ về thuế khi cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo xuyên biên giới chưa rõ ràng, chồng chéo (Bộ TT&TT thông được phân công quản lý quảng cáo trực tuyến nhưng quản lý quảng cáo xuyên biên giới lại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý) dẫn đến việc xây dựng và thực thi chính sách quản lý về quảng cáo không thống nhất, đồng bộ, hiệu quả chưa cao. 

Việc xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới đảm bảo khắc phục các tồn tại, bất cập trong công tác quản lý hiện hành, nhất là trong bối cảnh thị phần quảng cáo trực tuyến trong nước đang chủ yếu rơi vào các nền tảng xuyên biên giới.

Thị phần quảng cáo trực tuyến đang chủ yếu rơi vào nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook.

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trên môi trường mạng có phát sinh doanh thu tại Việt Nam thông qua trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng có người truy cập từ Việt Nam hoặc có người sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật của Việt Nam về quảng cáo, về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế. Đồng thời, phải chủ động rà soát, kiểm tra sản phẩm quảng cáo không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo và không đặt sản phẩm quảng cáo vào các vị trí có nội dung vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng.

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu của Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng có thẩm quyền; Có giải pháp bảo đảm người phát hành quảng cáo ở Việt Nam có khả năng kiểm soát, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo xuyên biên giới vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về quảng cáo. 

Đối với người quảng cáo tại Việt Nam, cũng phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo khi trực tiếp ký hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ. Người quảng cáo có quyền yêu cầu đối tác cung cấp loại bỏ sản phẩm quảng cáo bị gắn vào các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cũng phải thực hiện thủ tục thông báo với Bộ TT&TT các thông tin liên hệ, đầu mối liên hệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài và đầu mối liên hệ tại Việt Nam. Đồng thời thực hiện báo cáo định kỳ 12 tháng/lần vào ngày 15/12 hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cho Bộ TT&TT qua Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.

Bộ TT&TT cho biết, hoạt động quảng cáo trực tuyến đang chiếm một tỉ trọng khá lớn trong tổng đầu tư quảng cáo tại Việt Nam. Trong đó, 2 nền tảng chủ yếu được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất là quảng cáo trên nền tảng của hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới Google, Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến.  Tuy nhiên, hiện nay chỉ khoảng 45% doanh thu quảng cáo trên Google và khoảng 30% quảng cáo trên Facebook là thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam. Còn lại phần nhiều quảng cáo chủ yếu ký hợp đồng trực tiếp với Google và Facebook.

Việc ký hợp đồng quảng cáo thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuất phát từ nhu cầu của người quảng cáo, đặc biệt là các thương hiệu, nhãn hàng lớn muốn đảm bảo an toàn thương hiệu, hoàn toàn không phải là do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tự nguyện, thực hiện quy định tại Nghị định 181/2013/NĐ-CP.

Kể cả khi thông qua các đại lý quảng cáo thì vẫn tồn tại nhiều vi phạm về quảng cáo vì đại lý quảng cáo cũng không thể kiểm soát vị trí đặt/gắn sản phẩm quảng cáo nên dẫn đến tình trạng phổ biến là nhiều thương hiệu nổi tiếng bị gắn vào các video có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam, thậm chí là chống phá Đảng và Nhà nước trên Youtube, ảnh hưởng đến an toàn và uy tín các thương hiệu.

Huyền Thanh
.
.
.