Công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016:

Ô nhiễm thuỷ ngân ở Việt Nam đang ở mức nào?

Thứ Năm, 20/07/2017, 19:48
"Hàm lượng thuỷ ngân trong không khí là có nhưng vẫn dưới ngưỡng cho phép, chưa đến mức phải lo ngại" – đó là khẳng định của TS Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) tại buổi công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016, diễn ra vào chiều 20-7.

"Các trạm quan trắc của chúng tôi vẫn đang hoạt động, lấy mẫu để phân tích. Thuỷ ngân rất nguy hiểm, có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người, có khả năng phát tán rất xa. Rất mừng là hàm lượng thuỷ ngân ở nước ta cũng chưa đáng ngại" – ông Tùng nói thêm.

Theo báo cáo môi trường quốc gia 2016, tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Tính đến hết tháng 12-2016, cả nước có 795 đô thị, với tỉ lệ đô thị hoá đạt 35,2%. Trong số này gồm 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 41 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 626 đô thị loại V. Với áp lực gia tăng dân số cũng như tốc độ phát triển kinh tế xã hội, các đô thị đều bị ô nhiễm không khí, nguồn nước, chất thải rắn, chất thải nguy hại...

Ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Theo công bố năm 2016 của WHO, hơn 80% dân số thành thị trên toàn cầu đang hít thở bầu không khí kém trong lành. Tại Việt Nam, ô nhiễm bụi đang ở mức cao tại các đô thị, gây ra các tác động xấu tới sức khoẻ con người. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có hàng chục nghìn người mắc các bệnh liên quan đến hô hấp do ô nhiễm không khí. Số người bị các bệnh đường hô hấp chiếm từ 3-4% tổng dân số. Trong đó, tỉ lệ mắc bệnh ở các đô thị phát triển thường cao hơn khá nhiều so với các đô thị ít phát triển.

Những năm gần đây, các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao, nổi bật là bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư... Tại bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), trong khi số trẻ mắc bệnh ký sinh trùng, nhiễm trùng nhập viện ngày càng giảm thì bệnh lý hô hấp lại ngày càng tăng và chiếm 40-50% số bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú.

Với các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...trên 20% tổng số ngày trong năm có nồng độ bụi PM10 và PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2003/BTNMT. Ở miền Bắc, số ngày có nồng độ bụi cao thường tập trung vào các tháng mùa đông. Nguồn ô nhiễm bụi được xác định chủ yếu từ các hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt dân cư... 

Riêng tại Hà Nội, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí là do hoạt động giao thông. Với hơn 4 triệu phương tiện tại Thủ đô, hoạt động giao thông chiếm tới 85% lượng khí thải CO2 và 95% các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không nhìn thấy được.

Các đô thị lớn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm khói, bụi. 

Nước thải sinh hoạt cũng đang là một thách thức lớn tại các đô thị. Tại Hà Nội, tổng lượng nước thải sinh hoạt cần xử lí vào khoảng 900.000m3/ngày đêm nhưng trong năm 2015 mới xử lí được 185.600 m3/ngày đêm, chỉ chiếm 20,62% tổng lượng nước thải. Như vậy, còn lại hơn 700.000m3/ngày đêm vẫn chưa được xử lí, được thải trực tiếp ra môi trường. 

Tại TP Hồ Chí Minh, lượng nước thải sinh hoạt đô thị khoảng 2,75 triệu m3/ngày đêm, trong đó chỉ có 13% lượng nước thải này được xử lí.

Ô nhiễm môi trường gây ra thiệt hại không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế. Nếu GDP Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm tới mà không có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần, thậm chí gấp 4 lần vào năm 2025. Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm môi trường gây thiệt hại đến 5% GDP hàng năm, trong đó tỉ lệ chi trả để bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ có thể tăng lên 1,2% GDP vào năm 2020. 


Khánh Vy
.
.
.