Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10-2018):

Nữ Viện sĩ, Tiến sĩ và giải thưởng quốc tế về mô hình quốc gia thông minh

Thứ Sáu, 19/10/2018, 08:27
Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AIC & Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC Group) đã giành được giải thưởng “Ý tưởng và Mô hình quốc gia thông minh xuất sắc nhất”.

Ngày 1-10 vừa qua, tại lễ trao giải Cuộc thi toàn cầu về ý tưởng và mô hình quốc gia thông minh tổ chức ở Luân Đôn, thật vinh dự và tự hào, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AIC & Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC Group) đã giành được giải thưởng “Ý tưởng và Mô hình quốc gia thông minh xuất sắc nhất”. 

Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, giữa những bộn bề công việc, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã dành cho phóng viên Báo CAND một cuộc trao đổi thú vị xung quanh dự án về mô hình Quốc gia thông minh và những chia sẻ về vai trò, hình ảnh của người phụ nữ trong xã hội hiện tại.

Phóng viên: Lần đầu tiên một giải thưởng danh giá đã được cộng đồng quốc tế trao cho cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực quốc gia thông minh ở khuôn khổ một cuộc thi có quy mô toàn cầu. Khi được xướng danh trong cuộc thi này, chị có bất ngờ không? Theo chị, điều gì làm nên thành công của giải thưởng này?

Viện sĩ, TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Tôi không nghĩ là mình có thể đạt giải như vậy, nhưng tôi tự tin rằng mô hình này ngoài việc có đầy đủ các tính năng mà thế giới có thì nó còn thêm nhiều tính năng khác để hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau trong xã hội. 

Điều làm nên thành công trong mô hình này đó là nó hướng tới các đối tượng được hưởng lợi khác nhau trong xã hội, trong đó phát huy tối đa được các thành quả công nghệ khoa học trên thế giới, đặc biệt là việc tổng hợp, tích hợp dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dự báo các vấn đề và rất dễ hiểu, dễ sử dụng

Viện sỹ, TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhận giải thưởng “Ý tưởng và mô hình quốc gia thông minh xuất sắc nhất”.

Phóng viên: Hiểu biết thực sự về thành phố thông minh hay quốc gia thông minh, cũng như được hưởng lợi ích gì từ mô hình này ở chúng ta vẫn còn chưa nhiều. 

Vì sao chị lại chọn lĩnh vực này nghiên cứu và “mang chuông đi đánh xứ người” ở một cuộc thi có quy mô toàn cầu, nơi có nhiều nước dự thi như: Hoa Kỳ, Singapore, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp… đã đi trước chúng ta khá xa về phát triển các hệ thống thông minh?

Viện sĩ, TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Tôi thấy người Việt Nam của chúng ta luôn được đánh giá là thông minh, sáng tạo, chăm chỉ, tuy nhiên các giải thưởng thế giới thì không nhiều, đặc biệt là các giải thưởng về công nghệ. 

Vì vậy, tôi rất mong muốn Việt Nam sẽ có những đột phá để thế giới có thể nhìn nhận thấy những kết quả nghiên cứu, sáng tạo bằng sản phẩm cụ thể. 

Điều đáng mừng là có hàng trăm chuyên gia về công nghệ hàng đầu thế giới đã đánh giá cao về mô hình này và tính khả thi của nó, trong đó có đại diện của các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, các đại diện của các tập đoàn như Dell, HP, Microshop, Cisco, Philip, Orocal...

Phóng viên: Cũng trong khuôn khổ buổi lễ trao giải, chị còn được Ban giám khảo và Tổ chức thành phố thông minh thế giới trao danh hiệu Đại sứ thành phố thông minh quốc tế & CEO có tầm nhìn xuất sắc nhất về quốc gia thông minh. Trách nhiệm và công việc của chị với danh hiệu này như thế nào, thưa chị?

Viện sĩ, TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Tôi không có nhiều thời gian cho nhiệm vụ này nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để làm tốt vai trò của danh hiệu được trao. Đặc biệt là tôi phải tập trung để hiện thực hoá mô hình này tại quốc gia của chính mình trước đã.

Phóng viên: Ý tưởng và mô hình là những nền móng đầu tiên để xây dựng một công trình như chúng ta mong muốn. Nhưng từ ý tưởng và mô hình đến xây dựng thực tế cũng là một con đường khá dài. 

Chị cũng vừa nói sẽ tập trung để hiện thực hóa mô hình này tại Việt Nam. Theo chị, tính khả thi của việc này như thế nào trong điều kiện hiện nay của Việt Nam?

Viện sĩ, TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Tôi có phân tích 20 giải pháp đồng bộ để thực hiện mô hình này đối với Việt Nam. Hiện ở Việt Nam, nhiều nơi cũng đã và đang triển khai các ứng dụng về công nghệ thông tin vào thực tiễn. 

Bên cạnh đó lại có sự quyết tâm cao của bộ máy chính trị, cùng với các tiện ích sẽ mang đến cho các đối tượng khác nhau trong xã hội, các yếu tố công nghệ đã sẵn sàng, tôi tin rằng mô hình này sẽ được hiện thực hoá trong tương lai.

Viện sỹ, TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn trả lời phỏng vấn của Báo CAND.

Phóng viên: Tôi tìm hiểu qua một số tài liệu về chị, được biết chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học nghèo, không có nhiều sự hậu thuẫn của gia đình. 

Con đường kinh doanh của chị chắc cũng có lúc gặp khó khăn, thậm chí từng có cả sự thất bại. Làm thế nào để vượt qua những khó khăn ấy để đến với thành công hôm nay? Chị có thể chia sẻ một chút về câu chuyện của mình với bạn đọc?

Viện sĩ, TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Tôi chưa khi nào quá tự hào hoặc đánh giá quá cao về bản thân mình và những gì mình có. Sự thành công một vấn đề gì đó hôm nay sẽ có nhiều thách thức đến với chúng ta ngày mai. Vì vậy, hãy luôn cố gắng để vượt qua chính mình và hãy làm ra những sản phẩm cụ thể cho chính chúng ta, cho những người thân và cho xã hội.

Phóng viên: Nhìn vào bảng thành tích giải thưởng của chị, cũng như một núi công việc hàng ngày chị đang gánh vác, ai cũng thấy rất khâm phục. 

Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam, chị có thể “bật mí” với chị em về việc làm thế nào gánh tròn được cả 2 nhiệm vụ: nghiên cứu, hoạt động kinh doanh và làm người phụ nữ của gia đình trên đôi vai mảnh mai của mình?

Viện sĩ, TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cười): Tôi không giỏi giang hay xuất sắc như thế đâu! Tôi cũng có rất nhiều nhược điểm và thành công của tôi cũng là sự chia sẻ, đồng cam cộng khổ của các đồng nghiệp, đối tác, sự động viên giúp đỡ của những người thân trong gia đình. 

Tôi luôn cố gắng sống chân thành với mọi người và luôn cố gắng tối đa trong khả năng có thể vì sự tự trọng của bản thân, vì gia đình, đối tác, đồng nghiệp và vì xã hội.

Phóng viên: Cảm ơn chị về cuộc trao đổi thú vị này!

Thu Hòa
.
.
.