Mark Zuckerberg nhận sai lầm sau bê bối rò rỉ thông tin

Thứ Năm, 22/03/2018, 11:47
Không còn tiếp tục giữ im lặng như những ngày đầu bê bối rò rỉ thông tin của 50 triệu người dùng bị vỡ lở, Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Facebook đã lên tiếng nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi tới khách hàng.


Thông tin chính thức được Mark Zuckerberg đăng tải trên trang cá nhân của mình vào rạng sáng nay (22-3). Ông chủ của mạng xã hội lớn nhất thế giới thừa nhận hãng này đã có lỗi rất lớn trong việc để thông tin của hơn 50 triệu tài khoản Facebook bị lộ ra ngoài và bị công ty Cambridge Analytica thu thập sử dụng một cách trái phép cho các hoạt động kinh doanh và bị nghi ngờ cả chính trị.

Chia sẻ trên trang các nhân của mình, Mark Zuckerberg cho biết tính năng thu thập dữ liệu người dùng đã bắt đầu có từ năm 2007 khi mạng xã hội cho phép người dùng dùng chính tài khoản của họ để sử dụng ứng dụng của bên thứ ba. 

Mark Zuckerberg lên tiếng sau thời gian dài im lặng khi Facebook lao đao vì bê bối rò rỉ thông tin người dùng.

Nhưng phải đến năm 2014, tức là 7 năm sau khi ứng dụng bên thứ ba được cấp phép sử dụng trên Facebook, hãng này mới chập chững đưa ra chính sách đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng của họ. 

7 năm cho một chính sách mà đáng lý ra Facebook phải có ngay từ lúc cho phép ứng dụng bên thứ ba được sử dụng trên mạng xã hội của hãng này, thật quá khó hiểu cho suy nghĩ của Facebook.

Cùng với việc đưa ra lời xin lỗi tới người dùng, Mark Zuckerberg cũng cho biết Facebook sẽ tiến hành thực hiện kế hoạch 3 điểm để tăng cường cao nhất trong việc quản lý dữ liệu người dùng. Đầu tiên sẽ là điều tra lại toàn bộ các ứng dụng bên thứ ba đã được cấp phép sử dụng trên mạng xã hội này. 

Thứ hai, Facebook sẽ điều chỉnh giới hạn lại quyền của tất cả các ứng dụng hiện có chỉ được thu thập dữ liệu email, tên  và ảnh đại diện của người dùng sau khi được chủ tài khoản đồng ý.

Cuối cùng của kế hoạch 3 điểm, Facebook sẽ tiến hành xây dựng khẩn cấp một công cụ để người dùng của họ có thể nhận biết, phát hiện bất cứ ứng dụng có thể tiếp cận dữ liệu của họ và người dùng có quyền chặn, khóa nếu thấy điều đó gây nguy hiểm cho dữ liệu cá nhân của mình.

B.Châu
.
.
.