Mạch tự phân hủy giúp giảm rác thải điện tử

Chủ Nhật, 07/05/2017, 09:25

Cuộc cách mạng máy vi tính đã đưa kiến ​​thức của thế giới vào đầu ngón tay bạn - và một đống rác thải điện tử nguy hiểm tồn tại lâu dài là một vấn nạn. Làm thế nào để khắc phục hiểm họa này trong tương lai?


Các nhà khoa học ở California vừa tìm ra được công nghệ khắc phục hiểm họa này bằng cách sản xuất mạch điện tử mềm, nhẹ và dễ phân huỷ về mặt sinh học. Các nhà nghiên cứu này đã sản xuất một mạch bán dẫn được xây dựng trên nền tảng cellulose, thành phần chính trong sợi thực vật. Phần còn lại của thiết bị được làm bằng hợp chất trên nền tảng carbon, với các điện cực bằng sắt thường. Đến thời gian cần vứt bỏ nó, chỉ cần nhỏ lên mạch đó một ít giấm, mạch sẽ tự phân hủy hết.

Mạch bán dẫn có thể phân hủy sinh học

Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà hóa học, kỹ sư và các chuyên gia vật liệu từ Đại học Stanford, Đại học California tại Santa Barbara, và nhà sản xuất máy tính Hewlett-Packard cho biết: “Sử dụng chất nền sinh học siêu mỏng và dễ phân huỷ, chúng tôi đã chế tạo thành công các mạch bán dẫn polymer và các mạch logic có hiệu năng cao và siêu nhẹ - có thể tự hủy hoàn toàn”.

Theo các nhà chuyên môn, sẽ phải mất 3 đến 5 năm để cải thiện hiệu năng của nó và giúp ích cho các thiết bị hỗ trợ internet đang ngày càng trở nên phổ biến. Các mạch bán dẫn sinh học này có thể được sản xuất rẻ hơn các mạch hiện có trên thị trường.

Rác điện tử là một vấn đề môi trường đang gia tăng nhanh chóng ở cả các nước đã và đang phát triển, nơi mà phần lớn rác thải bị tồn đọng. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hàng chục triệu tấn thiết bị cũ đã bị vứt bỏ hàng năm. Chúng được sản xuất bằng plastic (nhựa) và kim loại nặng như thủy ngân và cadmium. Nếu cố tình mua đi bán lại những vật liệu này có thể tiếp tục tạo ra các sản phẩm phụ độc hại cho sức khỏe con người và môi trường.

Mục tiêu của nghiên cứu là tìm ra cách giảm lượng rác thải điện tử, nhưng các mạch bán dẫn cũng có thể sử dụng trong y tế như các cảm biến cấy ghép giúp các bác sĩ theo dõi các chức năng của cơ thể mà không cần phẫu thuật để lấy chúng ra. 

Các chuyên gia còn cho biết, mạch bán dẫn phân huỷ sinh học có thể có nhiều ứng dụng khác trong giám sát môi trường, cho phép các nhà khoa học cài đặt và nhận dữ liệu từ xa mà không cần phải quay lại để thu thập chúng.

Minh Nhựt – Hồng Sơn (Theo Tech Life)
.
.
.