Korona- tương lai ngành vũ trụ Nga

Thứ Tư, 03/01/2018, 21:20
Một dự án chế tạo hệ thống tên lửa vũ trụ có thể tái sử dụng nhiều lần đang được Nga khởi động nhằm mục tiêu chuyên chở người và hàng hóa lên quỹ đạo

Nói về các hệ thống tên lửa vũ trụ người ta nghĩ ngay đến dự án Falcon 9 đang được tiến hành ở Mỹ nhưng ít người biết rằng ý tưởng về những hệ thống như thế đã được phát triển tại cả Nga và Mỹ từ trước đó.

Hãng McDonnell Douglas có dự án tàu vũ trụ DC-X có hình dạng chóp nón với 4 động cơ tên lửa có thể chuyên chở hàng hóa và người lên vũ trụ sau đó quay lại trái đất và hạ cánh thẳng đứng. Nhật Bản cũng có một dự án tương tự mang tên RVT.

Tại Nga các nhà khoa học cũng khởi động thiết kế một tàu vũ trụ có khả năng tái sử dụng nhiều lần tại Phòng thiết kế tên lửa Makeev mang tên Korona.

Mô hình của Korona.

Dự án Korona bắt đầu vào năm 1992 nhưng với mục đích ban đầu chỉ là một tầng  khởi đẩy của tên lửa vũ trụ có thể tái sử dụng. Tuy nhiên sau đó các nhà khoa học kiến nghị thay đổi mục đích để chế tạo một tên lửa vũ trụ có thể tái sử dụng nhiều lần bởi sự hiệu quả kinh tế của nó. Tuy nhiên dự án Korona chính thức bị đình hoãn vào năm 2002 do thiếu kinh phí.

Cần nhắc lại là chi phí phóng vệ tinh hoặc tàu vũ trụ là rất đắt đỏ. Cả hệ thống tên lửa đẩy vũ trụ nặng hàng trăm tấn bao gồm cả khoang trở hàng sẽ chỉ được sử dụng một lần. Tất cả những bộ phận đó sẽ bị phá hủy sau khi tên lửa đi vào không gian.

Mô hình cất và hạ cánh của dự án McDonnell Douglas DC-X.

"Nó tương tự như ta phá hủy một chiếc xe tải chỉ sau một chuyến hàng duy nhất", một chuyên gia không gian nói về phương thức phóng vệ tinh hiện nay.

Chính vì thế dự án Falcon 9 nhận được nhiều sự quan tâm của giới khoa học cũng như các tập đoàn không gian hàng đầu thế giới. Nga cũng quyết định tái khởi động Korona, thông tin trên đã được ông  Vladimir Degtyar Thiết kế trưởng của Phòng thiết kế Makeev xác nhận với Interfex đầu tháng 1-2018 vừa qua.

Thiết kế ban đầu của Korona là làm tầng khởi đẩy có thể tái sử dụng của tên lửa vũ trụ

Theo ông Degtyar, các nhà khoa học dự định phát triển một động cơ độc đáo cho Korona với nhiên liệu chính là hydro và oxy. Korona sẽ sử dụng thiết kế hình nón, sẽ cất cánh như tên lửa đẩy vũ trụ, sau khi đạt tới độ cao quỹ đạo thấp gần Trái Đất. Hệ thống này sẽ hạ cánh thẳng đứng tương tự như phương pháp của tên lửa Falcon 9.

Dự kiến Korona sẽ sử dụng lớp thân vỏ bằng sợi carbon với đặc tính nhẹ, bền và quan trọng nhất là chịu được nhiệt độ cao khi tàu quay lại khí quyển từ không gian. Với tổng trọng lượng khoảng 300 tấn, Korona có thể chuyển lên quỹ đạo thấp khoảng 6-7 tấn hàng.

B.N.
.
.
.