Hoàn thiện khung pháp lý để có thể đưa thanh toán qua tài khoản di dộng vào thực tế

Thứ Năm, 23/05/2019, 20:31
Ngày 23-5, Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức Hội thảo về tiền di động với chủ đề “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện”. 


Hội thảo nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về dịch vụ tiền di động hiện đã và đang được triển khai rộng rãi trên thế giới, từ đó đưa ra những gợi ý cho việc áp dụng hình thức thanh toán này tại Việt Nam. 

Theo thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo, hiện tại có khoảng 90 quốc gia trên thế giới đang triển khai dịch vụ tiền di động với gần 700 triệu tài khoản được đăng ký, lượng giao dịch trung bình 1 tỷ USD mỗi ngày. Tăng trưởng hàng năm 20%, riêng châu Á tăng trưởng 31%. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tham dự Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Với mục đích nhằm tạo ra không gian tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp viễn thông, Bộ TT&TT đang nỗ lực trong việc phát triển các dịch vụ mới dựa trên nền tài khoản di động. 

Trong đó, dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động (Mobile Money) là một trong những sáng kiến đột phá để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. 

Nếu nền tảng thanh toán qua điện thoại di động được cấp phép thử nghiệm trong năm 2019, Việt Nam sẽ là nước thứ 91 trên thế giới cung cấp dịch vụ Mobile Money. 

“Dù đi sau thế giới, thuận lợi của Việt Nam là chúng ta có thể học hỏi được từ những nước đi trước. Với một khung pháp lý đã hình thành và được tổng kết thường xuyên từ cả những tổ chức quốc tế lớn như GSMA, không có lý do gì Việt Nam không thể triển khai nhanh dịch vụ này trong năm nay”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo chia sẻ của người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông, thực tế cho thấy, muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào có thể thực hiện việc này tốt hơn là di động, là Mobile Money. 

Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay. Tại Việt Nam, 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Nhiều người dân bị gạt ra ngoài hệ thống tài chính chính thống, đó là những người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa. 
Dịch vụ Mobile Money đang được 90 quốc gia trên thế giới áp dụng.

Mobile Money sẽ là giải pháp để đưa họ tiếp cận tới các dịch vụ (có trả phí) mang tính đổi đời trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội. 

Phạm Tiến Dũng, Vũ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Hiện nay các quy định pháp luật của Việt Nam không tìm ra được khái niệm Emoney, Mobile Money, chỉ có khái niệm về trung gian thanh toán. 

Theo đó, trung gian thanh toán là tổ chức đứng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, trung gian thanh toán là đơn vị truyền dẫn, xử lý số liệu tài chính giữa ngân hàng và khách hàng. Các tổ chức trung gian thanh toán hoạt động ở Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, do đó nếu doanh nghiệp nào, hay tổ chức nào thoát ra khỏi mô hình này thì chưa có các quy định pháp lý đề cập đến.

“Việc cả Mobile Money và đơn vị cung cấp Mobile Money chưa được văn bản pháp lý nào quy định, đây là một thách thức cho các doanh nghiệp viễn thông. Và khi chưa có quy định pháp lý thì phải ứng xử như thế nào, đây là bài toán mà Ngân hàng Nhà nước và Bộ TT&TT phải giải, nếu không thì dịch vụ Mobile Money sẽ không thể đi vào thực tế được”- ông Phạm Tiến Dũng nói.

Hùng Quân
.
.
.