Chế tạo vệ tinh "Made in Vietnam" - từ số 0 đến ngôi đầu Đông Nam Á

Hiệu quả từ việc đầu tư đúng hướng (Bài cuối)

Thứ Sáu, 03/06/2016, 08:32
Cùng với sự đầu tư mạnh mẽ, đến năm 2020, khi dự án Trung tâm vũ trụ Quốc gia trị giá hơn 600 triệu USD đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ hoàn toàn làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh nhỏ, trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực.


Vệ tinh Việt Nam đạt trình độ quốc tế

Nếu tính về số lượng vệ tinh, tại thời điểm hiện nay, Việt Nam đã phóng và đưa vào hoạt động thành công 4 vệ tinh. Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia có 13 vệ tinh, Thái Lan có 8 vệ tinh, Malaysia có 7 vệ tinh, Singapore có 9 vệ tinh. Tại các quốc gia phát triển, số lượng vệ tinh còn lớn hơn rất nhiều. Cụ thể, Nga có khoảng 3.488 vệ tinh, Mỹ có 2.137 vệ tinh, Trung Quốc có 244 vệ tinh, Nhật Bản có 197 vệ tinh... 

Trên thế giới hiện có 11 nước (Nga, Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Ukraine, Israel, Iran, Triều Tiên) và 1 tổ chức (Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu) có thể hoàn toàn chủ động, độc lập phóng vệ tinh của riêng mình lên quỹ đạo do sở hữu tên lửa đẩy riêng.

Trong số khoảng 1.100 vệ tinh viễn thám đang hoạt động trên quỹ đạo, Việt Nam có 1 vệ tinh (VNREDSat). "Việc chỉ có 1 vệ tinh viễn thám là quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu. Trung bình cứ phải 2-3 ngày, vệ tinh mới chụp được ảnh của một khu vực. Nếu muốn chụp được hết ảnh của Việt Nam thì không biết đến bao lâu. Mặc dù có VNREDSat nhưng chúng ta vẫn phải đi mua ảnh vệ tinh" – PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia nói. 

Đội ngũ cán bộ trẻ được cử đi đào tạo nâng cao tại Nhật Bản.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trình độ công nghệ vũ trụ của Việt Nam hiện mới chỉ ở trên mức trung bình trong khu vực nhưng đang có sự phát triển nhanh chóng. Các nước Đông Nam Á đã quan tâm phát triển công nghệ vệ tinh khá sớm nhưng hướng tiếp cận và mức độ đầu tư khác nhau. Chẳng hạn như Thái Lan phát triển mạnh về ứng dụng, trong khi Singapore, Malaysia, Indonesia tập trung phát triển vệ tinh,… Nếu Việt Nam tiếp tục đầu tư bài bản như hiện nay thì vào năm 2020 có thể vươn lên ở vị trí hàng đầu khu vực.

Ngoài việc đầu tư hạ tầng để phát triển vệ tinh trọng lượng tới 1.000kg, Trung tâm Vệ tinh quốc gia sẽ tiếp nhận và chuyển giao công nghệ với 2 vệ tinh quan sát trái đất sử dụng công nghệ radar là LOTUSat-1 và LOTUSat-2. 

Trong đó, LOTUSat-1 được chế tạo, tích hợp, thử nghiệm tại Nhật Bản, dự kiến phóng vào năm 2019. LOTUSat-2 được chế tạo, tích hợp, thử nghiệm tại Việt Nam, dự kiến phóng vào năm 2022. 

Khi 2 vệ tinh radar này được đưa vào quỹ đạo, Việt Nam có thể giảm tổn thất từ 1-1,5 tỉ USD mỗi năm nhờ cảnh báo sớm được những biến động về thiên tai, thời tiết. Nhận định về những vệ tinh đã chế tạo thành công, PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho rằng, vệ tinh Việt Nam đạt trình độ tương đương với quốc tế.

6 tỉ đồng để đào tạo mỗi chuyên gia công nghệ vệ tinh

Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực cho việc phát triển công nghệ vũ trụ. Theo kế hoạch, khi Trung tâm Vũ trụ quốc gia đi vào hoạt động, dự kiến cần khoảng 300-350 chuyên gia. Tuy nhiên, hiện tại, mỗi năm Việt Nam chỉ có thể đào tạo được khoảng 25 kĩ sư. Trung tâm Vệ tinh quốc gia phải tuyển các kĩ sư điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin... để đào tạo về công nghệ vũ trụ. 

Để đáp ứng bài toán nhân lực trình độ cao, Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã cử 35 cán bộ đi đào tạo tại các trường đại học danh tiếng của Nhật Bản. Tính trung bình, chi phí để đào tạo một chuyên gia công nghệ vệ tinh vào khoảng 6 tỉ đồng. Nhóm chuyên gia này đang thực hiện dự án vệ tinh MicroDragon, dự kiến phóng lên quỹ đạo vào năm 2018.

Trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ như vũ bão, việc ứng dụng công nghệ vệ tinh ngày càng trở nên phổ biến. Hiện nay, ảnh vệ tinh được sử dụng trong các lĩnh vực như quản lí nông nghiệp, phòng chống thiên tai, giám sát rừng, giám sát biến động đô thị... 

Trong tương lai, tại những nước phát triển, các vệ tinh sẽ được chế tạo với mục đích khám phá vũ trụ, tìm kiếm sự sống. Ở Việt Nam, nhiệm vụ trước mắt sẽ là tập trung phát triển vệ tinh quan sát trái đất nhằm hỗ trợ sự phát triển kinh tế xã hội. Định hướng của Việt Nam trong 10-20 năm tới vẫn là những vệ tinh nhỏ có trọng lượng dưới 1 tấn, hoạt động trên quỹ đạo thấp.

Công nghệ vệ tinh là một ngành công nghệ cao, được tích hợp từ nhiều ngành khoa học công nghệ khác nhau nhằm chế tạo và ứng dụng các phân hệ như vệ tinh, tên lửa đẩy, trạm mặt đất… để khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ vì lợi ích con người. Do vậy, điểm cốt yếu nhất cho ngành này vẫn là yếu tố con người. 

PGS.TS Phạm Anh Tuấn bày tỏ lo ngại: "Đào tạo một Thạc sĩ công nghệ vệ tinh ở Nhật Bản vào khoảng 6 tỉ đồng, thế nhưng về Việt Nam làm việc chỉ được trả lương 3-4 triệu. Với mức thu nhập thấp như thế, rất khó để giữ chân những người giỏi. Chúng tôi đang đệ trình Chính phủ xin cơ chế ưu đãi đặc thù cho các chuyên gia làm việc tại Trung tâm Vũ trụ quốc gia".

Bảo tàng Vũ trụ quốc gia sẽ đón khách vào cuối năm 2017

Bảo tàng Vũ trụ quốc gia hiện đang được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2017. Bảo tàng được xây dựng với tổng diện tích 1.675m² và không gian ngoài trời 3.500m2, với tổng đầu tư hơn 44 tỉ đồng. Bảo tàng sẽ có phòng chiếu hình vũ trụ, đài thiên văn… giúp người xem có thể khám phá sự hình thành của vũ trụ,  kiến thức về hệ mặt trời, thiên hà, hố đen… Đây là một hợp phần trong dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, được thực hiện bởi nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Khánh Vi
.
.
.