Hai học sinh trung học sáng chế đèn bắt côn trùng từ phế liệu

Thứ Hai, 16/07/2018, 10:27
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học và mong muốn chế tạo ra một sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích, hai em Nguyễn Quang Tuệ và Lê Thành Đạt (học sinh lớp 11, Trường THPT Gia Hội, TP Huế) đã sử dụng các phế liệu để sáng chế thành công đèn bắt côn trùng…


Chia sẻ về ý tưởng của mình, em Tuệ cho biết, từ những kiến thức được học ở nhà trường, em biết rõ muỗi là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác. Trong khi đó, các vật dụng như hộp nhựa, chai nhựa được thải ra sau khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường sống ngày càng nặng nề. 

Từ thực tế này, em cùng với Đạt đã nhiều tháng trời mày mò sáng chế chiếc đèn ngủ bắt muỗi. Chiếc đèn ngủ đặc biệt này kết cấu gồm 3 bộ phận chính. 

Em Nguyễn Quang Tuệ đại diện nhóm sáng chế đèn bắt muỗi nhận giải Ba cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo đó, Tuệ và Đạt đã dùng hộp nhựa, chai nhựa làm thân đèn, phía bên trên có đục nhiều lỗ nhỏ. Bộ phận quạt hút gió được lấy từ quạt tản nhiệt của laptop, hoặc các loại máy móc hư hỏng gắn bên trong thân đèn. Phía trên cánh quạt được lắp đặt đèn led xanh và phía dưới đáy thân đèn chứa dung dịch hỗn hợp đường nâu, coca, hoặc baking soda… 

“Nguyên tắc hoạt động của chiếc đèn bắt muỗi rất đơn giản. Khi bật chế độ hoạt động, hiệu ứng ánh sáng xanh từ đèn led và hàm lượng CO2 được tạo ra từ hỗn hợp dung dịch sẽ thu hút muỗi đến gần. Lúc này, với lực hút của cánh quạt, muỗi sẽ bị hút vào bên trong đèn qua các lỗ nhỏ và mắc kẹt lại bên trong”, Tuệ chia sẻ.

Khi được hỏi vì sao lại sử dụng đèn led màu xanh và dung dịch tạo CO2 để thu hút muỗi, Đạt lý giải rằng: “Qua tìm hiểu em được biết, các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng muỗi và các loài côn trùng đều bị thu hút bởi ánh sáng xanh là hiệu ứng quang học. Trong khi đó, dù ở cách xa từ 30m đến 35m thì muỗi vẫn bị thu hút bởi CO2. 

Và đây là điểm khác biệt trong đề tài nghiên cứu về sản phẩm đèn ngủ bắt muỗi này bởi sự kết hợp giữa hiệu ứng quang học và dung dịch thu hút muỗi nhưng lại không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người”. Sau khi sáng chế thành công chiếc đèn bắt muỗi, Tuệ và Đạt đã mang sản phẩm đi thử nghiệm tại nhiều gia đình ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới, thu được kết quả khả quan. Qua khảo sát, có hơn 80% số hộ gia đình ở 2 huyện miền núi này mong muốn có một chiếc đèn ngủ để bắt muỗi và trang trí gia đình… 

Đặc biệt, chiếc đèn ngủ do Tuệ và Đạt chế tạo có cấu tạo đơn giản, dễ lắp ráp, giá thành rẻ, công năng thiết thực và tận dụng được nguồn phế liệu thải trong đời sống sinh hoạt hằng ngày nên sản phẩm vinh dự được Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2018 trao giải Ba.

Anh Khoa
.
.
.