Công khai rao bán phần mềm theo dõi điện thoại

Thứ Hai, 08/10/2018, 08:02
Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội, mạng Internet xuất hiện nhiều lời chào hàng các gói dịch vụ theo dõi điện thoại di động như dịch vụ như xem tin nhắn, lịch sử cuộc gọi, định vị thậm chí là nghe lén. 


Nhóm khách hàng được dịch vụ này hướng tới chủ yếu là các chị em phụ nữ muốn theo dõi chồng vì nghi ngờ chồng ngoại tình. Tuy nhiên, nhiều người không biết được rằng, không chỉ người cung cấp dịch vụ theo dõi điện thoại mà chính người sử dụng dịch vụ này cũng đang vi phạm luật.

Mua phần mềm gián điệp dễ như mua rau

“Bạn có chồng làm xa, chồng có tính lẳng lơ, chồng không chung thủy; quản lý chồng của bạn, kiểm tra chồng có chung thủy hay không…” đó là những lời mời chào quảng cáo rất hấp dẫn để khách hàng mua các gói theo dõi điện thoại của tài khoản mạng xã hội “Thám tử LD - Theo dõi chồng ngoại tình”. 

Công khai rao bán dịch vụ theo dõi điện thoại di động.

Đi kèm với đó là những gói dịch vụ cụ thể bao gồm: Gói xem tin nhắn, số điện thoại trọn đời giá 500.000 đồng; gói tra tin nhắn Mesenger, tin nhắn, cuộc gọi giá 800.000 đồng; gói tra Zalo, Mesenger, tin nhắn, cuộc gọi giá 1 triệu đồng; gói tra tất tần tật, kể cả định vị, thông tin từ game bạn cũng xem được hết giá 1,3 triệu đồng.

Liên hệ với tài khoản mạng xã hội này, chúng tôi đã nhanh chóng nhận được phản hồi. Khi biết tôi có nhu cầu theo dõi Zalo, Mesenger, tin nhắn, số điện thoại của một người thân, tài khoản mạng xã hội này cung cấp các gói dịch vụ cũng như đĩa hướng dẫn cách cài đặt phần mềm. Mọi hướng dẫn đều được tài khoản này thực hiện thông qua tin nhắn Mesenger của mạng xã hội. 

Theo đó, một trong những điều kiện bắt buộc là phải cầm được máy điện thoại của người cần theo dõi trong vòng 2 phút. Tài khoản mạng xã hội này cũng cung cấp số điện thoại đường dây nóng 0523214… để đội kỹ thuật hỗ trợ cài đặt phần mềm khi cần thiết. Như vậy, chỉ cần vài thao tác đơn giản, với số tiền chưa đến 1 triệu đồng là khách hàng đã có thể theo dõi được những thông tin bí mật cá nhân của người khác.

Theo luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Bình An (Hà Nội) liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ cung cấp, cài đặt phần mềm theo dõi tin nhắn, nghe lén, định vị và lấy cắp dữ liệu của người khác (phần mềm gián điệp) trên thiết bị di động, máy tính và các thiết bị tương tự, trong thời gian vừa qua cơ quan thẩm quyền đã xử lý một số vụ điển hình nhưng hiện tượng này vẫn đang được các cá nhân, tổ chức kinh doanh kinh doanh và sử dụng. 

Hành vi của cá nhân, tổ chức kinh doanh phần mềm gián điệp cũng như người dùng phần mềm gián điệp là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Mức độ vi phạm cũng như các chế tài xử lý trong trường hợp này phụ thuộc vào hành vi, động cơ và hậu quả trong từng trường hợp cụ thể.

Đối với cá nhân, tổ chức nếu xét về bản chất của hoạt động kinh doanh phần mềm nói chung thì đây không phải là ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên căn cứ theo quy định tại Nghị định 66/2017/NĐ-CP ngày 19-5-2017 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị thì việc kinh doanh phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hành, định vị là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo đó cá nhân, tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực này cần đáp ứng các quy định về an ninh, trật tự và trong quá trình kinh doanh không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 5, Nghị định 66/2017/NĐ-CP nêu trên. 

Trường hợp cá nhân, tổ chức dùng phần mềm gián điệp hoặc cung cấp phần mềm giúp cho người dùng để tiếp cận các thông tin của người khác một cách trái phép là vi phạm theo quy định tại Điều 71, Luật Công nghệ thông tin 2006 đối với các hành vi tạo ra, cài đặt, phát tán vi rút máy tính, phần mềm gây hại vào thiết bị số của người khác.

Phần mềm gián điệp - người dùng và người bán đều bị xử lý

Cá nhân, tổ chức kinh doanh phần mềm gián điệp hoặc người dùng tùy thuộc vào mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính đối với từng hành vi vi phạm cụ thể hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác theo quy đinh tại Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt tù từ 1 đến 3 năm, phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ. 

Đối với hành vi dùng phần mềm gián điệp để truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, Internet nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sư theo quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 với tội danh “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” với mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.

Quyền về bí mật đời tư là quyền cơ bản của công dân được hiến pháp 2013 quy định tại Điều 21 và được cụ thể hóa tại Điều 38 Bộ luật Dân sự  2015. Việc xâm phạm bí mật đời tư của người khác tùy thuộc hành vi thực hiện, có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-07-2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh quy định tại Điều 159 hoặc Điều 290 Bộ luật Hình sự.

Việc xác định trách nhiệm pháp lý phụ thuộc vào đối tượng kinh doanh hay sử dụng, mục đích cũng như hậu quả của hành vi vi phạm cụ thể. Theo luật sư Lê Văn Quý, hành vi này được các đối tượng kinh doanh thực hiện hết sức tinh vi theo xu hướng tội phạm công nghệ cao, do vậy cần phải xử lý nghiêm hành vi này.

Tháng 4-2018, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phối hợp đã bắt 2 đối tượng là Lê Đình Sáng, 37 tuổi, trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội và Nguyễn Anh Dũng, 25 tuổi, ở cùng xã do phát hiện nhóm đối tượng trên rao bán phần mềm theo dõi điện thoại. Từ năm 2014 đến nay, Sáng và Dũng đã rao bán phần mềm theo dõi, nghe trộm và lấy cắp dữ liệu điện thoại của người khác (gọi tắt là phần mềm gián điệp) trên mạng internet tại website: skyphonevn.com. Trang web trên do Lê Đình Sáng quản lí, Nguyễn Anh Dũng đứng tên đăng ký hosting và tên miền của website. Ngoài ra, hai đối tượng trên còn sử dụng email, điện thoại, facebook để liên hệ và đăng phần mềm quảng cáo rao bán phần mềm gián điệp, hướng dẫn khách hàng cài đặt, xem trộm thông tin, tài liệu lấy cắp được của nạn nhân. Bước đầu, lực lượng chức năng đã xác định, 2 đối tượng trên đã bán phần mềm cho hơn 200 người, thu hàng trăm triệu đồng.
Mai Hương
.
.
.