Tìm ra nguyên nhân về sự khác thường trên bề mặt của sao Diêm Vương

Thứ Năm, 28/09/2017, 09:47

Vào năm 2015, phi thuyền New Horizons của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã lần đầu tiên công bố về những phát hiện về bề mặt lởm chởm của sao Diêm Vương. Hiện nay, các nhà khoa học cho biết đã tìm được ra nguyên nhân hình thành nên nó. 

Tại khu vực gần đường xích đạo của sao Diêm Vương, ở nơi cao nhất so với mực nước biển đã phát hiện ra được một số sườn núi không đều nhau, các sườn núi này có độ cao rất lớn, tương đương với độ cao của những tòa nhà chọc trời ở New York.

Đây là một trong những hiện tượng chưa lý giải được của sao Diêm Vương. Hiện nay có thể thấy, sự xuất hiện của bề mặt lởm chởm này có liên quan tới lịch sử địa chất và khí hậu phức tạp của sao Diêm Vương. 

Một trong những hình ảnh sắc nét về bề mặt sao Diêm Vương mà tàu vũ trụ New Horizons gửi về Trái Đất sau khi tiếp cận được với tiểu hành tinh.

NASA cho biết, bề mặt lởm chởm này hầu như đều là do sự thăng hoa trực tiếp từ thể rắn sang thể khí của Mêtan Hyđrat (hay còn gọi là băng cháy) hình thành nên. 

Lúc đầu, tại nơi cao nhất so với mực nước biển ở sao Diêm Vương, băng cháy tồn tại ở thể rắn, nhưng khi khí hậu thay đổi, nhiệt độ tăng cao, sẽ xảy ra quá trình thăng hoa – băng trực tiếp chuyển từ thể rắn sang thể khí, như kiểu đá khô trên Trái Đất, dẫn đến việc bề mặt sao Diêm Vương đã xảy ra một kiểu xói mòn đặc biệt, làm cho bề mặt ở đây dần dần hình thành những vùng đồi mịn và những khe núi sắc nhọn, tạo nên sự gồ ghề trên bề mặt “hành tinh lùn”.

Sự xói mòn địa hình trên bề mặt sao Diêm Vương cho thấy trong gần một triệu năm nay ở hành tinh này vẫn luôn xảy ra sự biến đổi khí hậu. Việc nghiên cứu sự khác thường của bề mặt lởm chởm trên “hành tinh lùn” sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn địa hình của sao Diêm Vương.

Được biết, kết quả nghiên cứu này vừa mới được công bố trên Tạp chí Khoa học hành tinh Quốc tế (Icarus).

Trung Nguyễn (Theo Daily Mail)
.
.
.