Thầy giáo trẻ chế tạo camera bay thương hiệu Việt Nam

Thứ Ba, 13/10/2015, 08:50
Sau gần 1 năm nghiên cứu, thầy giáo 30 tuổi cùng các cộng sự đã chế tạo và thực nghiệm thành công đề tài “Nghiên cứu chế tạo Quadcopter hỗ trợ quay phim, chụp ảnh từ trên không”

Từ ý tưởng ban đầu là chế tạo một thiết bị bay đơn thuần nhằm thỏa mãn sở thích cá nhân, thầy giáo Võ Vân Thanh (30 tuổi, Khoa Điện tử - Viễn thông Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cùng các cộng sự đã chế tạo và thực nghiệm thành công đề tài “Nghiên cứu chế tạo Quadcopter hỗ trợ quay phim, chụp ảnh từ trên không”.

Để hoàn thành thiết bị này, nhóm của thầy giáo Thanh đã tốn gần 1 năm với rất nhiều lần thử nghiệm. “Thiết bị Quadcopter có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, như quản lý giao thông đô thị, giám sát an ninh từ trên cao, phát hiện các trường hợp cứu hộ khẩn cấp, phòng chống cháy rừng, giám sát nguồn nước, giám sát hoạt động của các khu công nghiệp. Ngoài ra, việc kết hợp thiết bị Quadcopter với các ngành khác có thể dần dần tự chủ các linh kiện sử dụng trong việc chế tạo thiết bị bay không người lái…”, thầy Thanh chia sẻ.

Thầy giáo Võ Vân Thanh vận hành thử nghiệm Quadcopter.

Theo giải thích của thầy Thanh, hệ thống thiết bị Quadcopter có 4 phần riêng biệt, gồm: Quadcopter có kích thước khung 650cm, được làm từ ống sợi cacbon, thời gian bay 15 phút, có thể mang tải trọng 3kg; bộ thu - phát có bán kính điều khiển 600m; camera giám sát 13 Megapixel, quay phim chuẩn Full HD và màn hình thu LCD 7inch 800*480. 

Đặc biệt, Quadcopter tích hợp camera hành trình Full HD có khả năng thu nhận hình ảnh trực tiếp từ trên không khi đang bay. Nhờ hệ thống tự cân bằng nên dữ liệu hình ảnh nhận được rõ nét, trung thực và có thể truyền trực tiếp về mặt đất thông qua màn hình quan sát. Đồng thời, dựa vào chuẩn giao tiếp HDMI để truyền về máy tính hay projector để trình chiếu; điều này phù hợp cho quay phim truyền hình trực tiếp trong các sự kiện thực tế. 

Quadcopter được trang bị Pin LiPo có dung lượng 5.000mAh, đủ khả năng kéo dài thời gian bay lên đến 15 phút, đồng thời sử dụng động cơ 4006-620KV để tăng khả năng nâng trọng lượng lên hơn 3kg… 

Thầy giáo Thanh cho biết thêm, việc chế tạo thiết bị bay Quadcopter gặp khó khăn nhất ở khâu lập trình để cân bằng thiết bị bay. Bên cạnh đó, các động cơ, pin, nguồn năng lượng phải đặt mua rất khó khăn vì là những sản phẩm hiếm gặp trên thị trường, trong khi nhóm chưa có khả năng để tự chế tạo.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thêm một số tính năng cho thiết bị bay Quadcopter. Cụ thể, sẽ tích hợp hệ thống định vị toàn cầu để thiết lập hành trình di chuyển theo bản đồ cho trước trong các ứng dụng giám sát an ninh, giám sát giao thông. Đồng thời, tích hợp hệ thống thu nhận dữ liệu, thông qua sóng RF từ mạng cảm biến không dây dưới mặt đất. Dùng trong các ứng dụng thu thập dữ liệu cảnh báo thiên tai như động đất, sóng thần hay cháy rừng… 

Bên cạnh tính khả thi cao trong việc ứng dụng vào thực tiễn, Quadcopter còn đóng góp lớn về mặt giáo dục – đào tạo khi góp phần làm phong phú thêm tài liệu tham khảo cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên trong nhà trường. …”, thầy giáo Thanh bày tỏ.

Ngọc Thi
.
.
.