Bản quyền phần mềm máy tính bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam

Thứ Tư, 18/04/2018, 21:17
Đó là thông tin được các cơ quan chức năng đưa ra tại buổi Tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi)” do Liên minh phần mềm (BSA) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Hội Sở hữu trí tuệ tổ chức tại Hà Nội ngày 18-4.

Theo Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, bản quyền phần mềm máy tính hiện vẫn là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT) nhiều nhất tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, dù Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong công việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm, nhưng tỷ lệ vi phạm theo công bố của BSA vẫn là 78% (tính đến năm 2016).  

Nguyên nhân của tình trạng nói trên chủ yếu là do nhận thức, hiểu biết, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân còn nhiều hạn chế.

Các đại biểu dự Tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ” ngày 18-4.

Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra,  Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2017, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị chức năng, trong đó có Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an đã thanh tra 63 doanh nghiệp, kiểm tra 2.472 máy tính, trong đó có 54 doanh nghiệp có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, xử lý vi phạm hành chính là 1,65 tỷ đồng và đã nộp vào ngân sách nhà nước.  

Riêng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ tiếp tục tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 đoanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng. 

Ngoài các hoạt động thực thi, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã gửi hàng chục nghìn bản khuyến cáo đến các doanh nghiệp, đề nghị chủ động rà soát lại hệ thống công nghệ thông tin và chuẩn bị các tài liệu phù hợp chứng minh quyền sở hữu giấy phép đối với tất cả các phần mềm đang sử dụng hoặc phân phối và khuyến cáo đến các doanh nghiệp, nếu vi phạm các quy định của pháp luật về SHTT, quyền tác giả, quyền liên quan sẽ chịu trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo ông Trần Văn Minh, Điều 225 Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm chống lại tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong đó có bản quyền phần mềm máy tính. 

“Với những hình phạt nghiêm khắc được qui định trong Bộ Luật hình sự sửa đổi này đã có hiệu lực, tôi cho rằng đã đến lúc các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm tại doanh nghiệp mình, và có hành động kịp thời, để tránh những tổn thất nặng nề về uy tín, tài chính cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nếu một ngày các hành vi vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện”- ông Minh khuyến cáo.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng cho biết, năm 2018, theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. 

Với khung hình phạt nghiêm khắc mới mà Bộ Luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ tháng 1-1-2018 áp dụng đối với pháp nhân thương mại cố tình vi phạm bản quyền phần mềm máy tính nói riêng và quyền tác giả nói chung, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam sẽ có thể giảm xuống đáng kể, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới.

Huyền Thanh
.
.
.