Nhớ người anh hùng bình dị, trọn nghĩa vẹn tình

Thứ Ba, 18/08/2020, 08:25
Ngày 18/8 là sinh nhật của ông. Nhiều năm trước, mỗi khi gần Ngày truyền thống của lực lượng CAND, ông thường được chúc mừng đến 2 lần. Đến nhà thăm ông, ít ai có thể vội về được bởi lòng hiếu khách. Anh em báo chí còn hay bị níu chân bên gốc lũa bởi những câu chuyện ông kể. Những ngày tháng Tám lịch sử năm nay thì khác rồi, ông đã theo ông, theo bà vừa qua 100 ngày….


Lần giở những tư liệu liên quan đến Anh hùng Phan Văn Điền (Mười Thương), chúng tôi tìm thấy lời kể của nguyên Phó Chánh án TAND tối cao Huỳnh Việt Thắng. 

Trước 30/4/1975, ông Thắng là Ủy viên Ban An ninh miền Nam. Ông Thắng kể, ta không chủ trương lấy việc ám sát cá nhân làm thượng sách nhưng do thời điểm ấy, chính quyền Ngô Đình Diệm điên cuồng đánh phá cách mạng nên cấp trên giao đồng chí Lâm Kiếm Xếp (Năm Xếp), Trưởng Công an huyện Trảng Bàng, sau đó là Trưởng ban địch tình Tỉnh ủy lập kế hoạch...

Đầu năm 1957, ông Mười Thương nhận được tin Ngô tổng thống sẽ tới dự, đọc diễn văn và cắt băng khai mạc Hội chợ nông lâm nghiệp ở Ban Mê Thuột vào 22/2/1957. Với lòng căm thù sâu sắc trước những hành động tàn sát dã man của Ngô Đình Diệm và chính quyền tay sai đối với các chiến sĩ cách mạng và nhân dân, người chiến sỹ an ninh 22 tuổi xin được thực hiện tiếp kế hoạch để ngăn chặn tội ác của Ngô Đình Diệm. Ông vượt hàng trăm cây số đường bộ, thu thập được tình hình: Chỉ đoàn của Diệm vào cổng chính, còn lại đi cửa bên hông, an ninh kiểm soát gắt gao. 

Khi phái đoàn của Diệm về, người dân mới được vào tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, với con mắt tinh tường, ông đã phát hiện được vị trí hiểm có thể lọt vào. Ông trở về căn cứ đề xuất và được chấp thuận phương án hành động: dùng súng, không dùng lựu đạn, tránh gây thương vong cho nhân dân...

Anh hùng Mười Thương.

Một lần kể lại câu chuyện này, ông Mười Thương cho biết khi Diệm rời khỏi "ổ", một mạng lưới bảo vệ dày đặc, gồm cả quân đội, cảnh sát, tình báo, an ninh và bảo an được tung ra, có mặt bên trong lẫn bên ngoài hội chợ, súng ống đầy người. Hà Minh Trí (tên giả của Mười Thương) hôm đó trà trộn vào dòng người tiến về khu vực hội chợ với khẩu súng tiểu liên MAT-49 cưa nòng đã lên đạn, được giấu kín trong người.

Nhân lúc bọn lính hướng mắt về phía đoàn Tổng thống tiến vào, ông mau lẹ vượt qua lỗ hổng hàng rào bảo vệ, tiến đến vị trí phía sau hàng danh dự người dân tộc Eđê, cách chỗ Diệm ngồi chừng 20 mét. Khi hiệu lệnh chào cờ và bài "quốc ca" của chính quyền Sài Gòn được cất lên, ông rút súng hướng về mục tiêu, siết cò.

Hình ảnh đồng chí Mười Thương trong lần vào hang ổ tiêu diệt địch.

Tình huống bất ngờ xảy ra trong tích tắc đó - Bộ trưởng canh nông đứng cạnh bên xoay người về phía Diệm nên tên này trúng đạn. Hà Minh Trí siết cò liên tục nhưng đạn không nổ nữa. Tất cả trở nên hỗn loạn, bọn lính ngụy ùa về phía Diệm tạo vòng vây giải cứu; một nhóm khác lao vào khống chế “doanh nhân” có súng, mặc sức ra đòn…

Mười Thương kể khi giao nhiệm vụ cho ông, đồng chí Phó Ban địch tình Xứ ủy phụ trách Đông Nam Bộ nói rõ phải hết sức mưu trí, khéo léo, quyết tâm cao độ để đạt được mục tiêu đặt ra. Người nhận nhiệm vụ đặc biệt như Mười Thương phải chấp nhận hy sinh mạng sống của mình. Cấp trên cho được chọn người để cùng hành động nhưng ông lại nghĩ, hầu hết anh em đều đã có vợ con, gia đình, nếu một người hy sinh sẽ có nhiều người thân đau khổ; còn ông chỉ một thân, một mình, xong việc, hy sinh cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.

Cận kề ngày đến Ban Mê Thuột thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, tại nhà một cơ sở cách mạng, ông được đãi bữa tiệc cuối cùng gọi là "đám giỗ sống" với món bánh tráng cuốn cá lòng ròng chiên xù. “Buổi đưa tiễn người cảm tử… vui lắm. Từ khi thoát ly theo cách mạng, tôi đã nhiều lần nghĩ tới ngày mình hy sinh cho Tổ quốc nên khi đó, chẳng thấy băn khoăn gì", một lần ông kể.

Chính vì sẵn tinh thần ấy mà sau khi kế hoạch bất thành, Mười Thương mới trải qua được những ngày đau đớn nhất về thể xác trước đủ mọi cực hình tra tấn dã man của địch. Khi bị đưa ra "địa ngục trần gian" Côn Đảo trên tàu Hàn Giang 401 cùng 400 tù nhân khác vào tháng 10-1963, ông mới biết mình mang án tử. Rất nhiều lần chết đi sống lại giữa bóng tối của ngục tù tại xà lim “chuồng cọp”. Và sau 8 năm 16 ngày bị giam giữ, tháng 3-1965, ông được trả tự do.

Không quá khó hiểu cho nguyên nhân sâu xa tạo nên khí phách của người chiến sĩ An ninh làm nên Phát súng trên Cao Nguyên (tên tập 3 của Ván bài lật ngửa mà Mười Thương là nguyên mẫu của nhân vật trung tâm của bộ phim này - PV). Chưa tròn 5 tuổi thì bố ông mất. 10 tuổi, ông đã phải lưu lạc từ quê Nghệ An vào tận Bà Rịa - Vũng Tàu. 13 tuổi, ông đến với cách mạng, với vai một mục đồng da đen cháy, dậy mùi khét nắng, lân la kết thân với một thiếu úy, Đồn trưởng thuộc quân đội giáo phái Cao Đài để nắm tình hình, báo cho Việt Minh. Phần việc đầu tiên vừa xong thì ông bị địch bắt…

Lần được trả tự do thứ hai, khi liên lạc với tổ chức, ông được bố trí công tác ở Ban an ninh khu Sài Gòn - Gia Định, tiếp tục đóng góp nhiều cho lực lượng Công an tới sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất gần 15 năm.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Công an Tây Ninh,  người có nhiều kỷ niệm với Anh hùng Mười Thương cho biết, 10 năm trước khi nghỉ hưu, ông lần lượt làm Phó Ban nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Tôn giáo của tỉnh. Năm 2005, ông được phong tặng Anh hùng LLVTND.

Người dân quý ông ở đức tính hiền từ, sống bình dị, đầy trách nhiệm, thủy chung son sắc, trọn nghĩa vẹn tình. Nhiều người không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh dù đau bệnh, đi lại khó khăn nhưng ông tỉ mỉ chăm sóc người bạn đời trên giường bệnh; thỉnh thoảng hát cho bà nghe những bài nhạc đỏ như Tiếng đàn Ta Lư, Tiến quân ca, Năm anh em trên một chiếc xe tăng.

Ông kể, hồi ông bị giam giữ tại buồng giam số 10 thuộc Phòng điều tra Sở Tình báo trung ương P.42 nằm trong Thảo cầm viên Sài Gòn, bà đã biết rồi thầm yêu ông. Khi đó, cô  nữ sinh Gia Định bị địch bắt giam tại đấy vì tham gia xuống đường biểu tình chống Diệm.

Cái tên “Mười Thương” cũng ra đời trong những ngày ấy. Và như duyên nợ trời định, trong lúc loay hoay tìm đường liên lạc lại với tổ chức, ông nhận ra giọng người con gái này tại một đơn vị của ta đóng ở Củ Chi. Sau đám cưới được tổ chức trong căn cứ, vì yêu ông, cô phóng viên chiến trường đã chuyển công tác, gắn bó với ngành Công an cho đến ngày nghỉ hưu. Trong số các con hai ông bà, có người đã chọn màu áo Công an, tiếp bước truyền thống của bố mẹ với một lòng son sắt vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Năm 1992, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Lịch sử - Bộ Công an và một số tướng lĩnh nguyên lãnh đạo Ban Địch tình Xứ ủy, gồm các đồng chí: Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Trần Quốc Hương, Ngô Quang Nghĩa, Nguyễn Thành Dương… đã kết luận: "Viên đạn nóng diệt Diệm tại Ban Mê Thuột tuy không trúng Diệm nhưng có tác dụng làm phát pháo kích thích phong trào quần chúng đấu tranh chống Mỹ - Diệm sau một thời gian trầm lắng.

Tác dụng của lời khai đã tạo thành kết quả dẫn đến nội bộ địch mâu thuẫn kéo dài, tạo cơ hội nổ ra cuộc đảo chính, đầu não của ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam bị khủng hoảng, tạo lợi thế cho phong trào cách mạng, góp phần dẫn đến thắng lợi 1975, thống nhất đất nước".
Thái Bình
.
.