Lực lượng Công an làm chủ công nghệ, đi trước “đón đầu”

Hiện đại hóa trong hoạt động của Cảnh sát giao thông (Bài 2)

Thứ Sáu, 22/07/2022, 06:45

Phục vụ người dân tốt hơn, lấy người dân là trung tâm trong mọi hoạt động là yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công an đối với lực lượng CSGT. Để làm được điều này, Cục CSGT  đã tăng cường và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT); kết nối chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hướng tới phục vụ nhanh nhất, hiệu quả nhất cho nhân dân.

Người dân tiết kiệm thời gian, tiền bạc nhờ CSGT cải cách hành chính

Con trai lái xe ra Hà Nội chơi ít hôm rồi lại lái về TP Hồ Chí Minh nên bà Nguyễn Thị H. (ở phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh) không biết rằng, lúc 21h35 ngày 29/5 tại nút Quán Thánh - Thanh Niên (quận Ba Đình, Hà Nội), ôtô BKS 51G - 427.xx của bà đã vi phạm lỗi vượt đèn đỏ và bị hệ thống camera giao thông ghi lại. Trước kia, sau khi nhận được thông báo của CSGT Công an TP Hà Nội, bà H. hoặc con trai bà phải ra Hà Nội để làm thủ tục giải quyết “phạt nguội”.

loat bai2.jpg -0
CSGT kiểm tra dữ liệu phương tiện vi phạm.

Tuy nhiên, qua xác minh, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã gửi thông báo mời bà H. đến Công an quận 10, TP Hồ Chí Minh làm thủ tục giải quyết. Như vậy, chỉ cần tranh thủ thời gian một lúc, bà H. đã hoàn thành xong nghĩa vụ nộp phạt cho phương tiện của mình vi phạm. Bà H. cho biết: “Bộ Công an cải cách hành chính thế này rất đỡ cho chúng tôi. Nếu tôi phải ra Hà Nội nộp phạt thì mất cả chục triệu đi lại, ăn ở, mất thời gian ít nhất 1 ngày, ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của tôi. Nếu không nộp phạt thì không đăng kiểm được, như vậy còn ảnh hưởng nhiều hơn”.

Trường hợp ôtô khách mang BKS 19B - 003.xx của Doanh nghiệp thương mại Thủy Chính (phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) vi phạm lỗi vượt đèn đỏ tại Võ Chí Công - Nguyễn Hoàng Tôn thuộc địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội), Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng gửi giấy mời về địa chỉ doanh nghiệp để yêu cầu tài xế vi phạm làm thủ tục nộp phạt ngay tại Phú Thọ. Chủ phương tiện cũng rất hài lòng vì không phải về tận Hà Nội để làm thủ tục nộp phạt.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn ở Văn Chấn, Yên Bái cho biết, anh vừa nhận được thông báo của Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh về việc anh có vi phạm tốc độ trên đường tránh TP Hà Tĩnh vào ngày 2/6. Thông báo cũng nêu rõ anh đến Công an huyện Văn Chấn để thực hiện việc xử phạt. “Hôm đó, tôi đưa gia đình vào Quảng Bình đi chơi, đến đoạn đường tránh Hà Tĩnh chạy “bốc” quá, đang lo phải quay vào Hà Tĩnh để nộp phạt. Được nộp phạt gần nhà, tôi thấy may quá, không mất thêm 1 ngày đi ra đi vào nộp phạt như trước kia” – anh Tuấn cho biết.

Được biết, để tạo điều kiện tối đa cho người dân, ngoài việc thực hiện nộp phạt qua Cổng dịch vụ công; thực hiện xử phạt tại nơi cư trú, Cục CSGT đang nghiên cứu cải cách hành chính tiện ích cho người dân thực hiện xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, Cục CSGT đang thiết kế App xử lý vi phạm hành chính trên điện thoại. Theo đó, người dân đăng ký số điện thoại với đơn vị CSGT, khi phương tiện vi phạm thì hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn thông báo qua App trên điện thoại. Người dân kích vào xem, nếu đồng ý vi phạm sẽ vào nội dung quyết định xử phạt bằng chữ ký số và thực hiện nộp phạt qua App.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết: “Quy trình xử phạt qua App không quá 5 phút, thực hiện online trên điện thoại. Các dữ liệu về các chủ phương tiện chưa rõ địa chỉ, chưa có số điện thoại, không sang tên đổi chủ nhiều lần… Cục CSGT hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để việc xử lý đảm bảo nhanh, chính xác, hiệu quả”.

Dùng “mắt thần” giám sát an toàn giao thông

Để phục vụ công tác đảm bảo TTATGT, Bộ Công an đã thực hiện đầu tư hệ thống giám sát hiện đại theo đề án “Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm”. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống giám sát này đã đầu tư được trên 1.462km. Trong đó 4 tuyến cao tốc dài 481km (Nội Bài - Lào Cai; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; TP Hồ Chí Minh - Trung Lương) và quốc lộ 1A đoạn đi qua 10 địa phương, dài 981km (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh). Trung tâm giám sát cấp Trung ương đặt tại trụ sở Cục CSGT, còn 14 trung tâm giám sát cấp địa phương lắp đặt tại trụ sở Phòng CSGT Công an các tỉnh và trụ sở Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, 5, 6, 7 thuộc Cục CSGT.

Thông qua hệ thống giám sát, lực lượng CSGT đã có thông tin, video clip, hình ảnh để lực lượng CSGT và các lực lượng chức năng của Công an các đơn vị, địa phương phát hiện, xử lý 297 vụ, bắt giữ, xử lý 279 đối tượng có liên quan đến các vụ xe gây tai nạn giao thông bỏ chạy; phương tiện sử dụng biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; chở đối tượng bỏ trốn khỏi nơi giam giữ; trộm cắp tài sản; vận chuyển hàng cấm, chở người trái phép qua biên giới, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phục vụ điều tra, xác minh đối tượng phạm tội; trong đó có 158 vụ có liên quan đến các vụ án hình sự như: trộm cắp tài sản, xe gây tai nạn giao thông bỏ chạy; 41 vụ xe sử dụng biển số giả…

Hệ thống giám sát đã phát hiện, ghi nhận được 418.602 trường hợp phương tiện vi phạm TTATGT; trong đó đã lập biên bản, chấp hành quyết định xử phạt 110.683 trường hợp, bao gồm lập biên bản trực tiếp và qua thông báo vi phạm. Nhà nước thu gần 290 tỷ đồng. Được biết, ngoài các phát hiện trên, hệ thống giám sát còn được tích hợp với Cơ quan điều tra danh sách các phương tiện bị mất cắp, phương tiện gây tai nạn giao thông bỏ chạy; phương tiện hết niên hạn sử dụng… để cảnh báo đến tổ CSGT đang làm nhiệm vụ xử lý kịp thời.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết: “Hệ thống được trang bị các thiết bị hiện đại, từng bước giảm bớt sự có mặt của lực lượng CSGT trên đường nhưng vẫn kiểm soát được tình hình giao thông trên tuyến, địa bàn; hướng tới xử phạt qua camera, CSGT chỉ tuần lưu, giải quyết các tình huống đột xuất như tai nạn, ùn tắc giao thông; xử lý các vi phạm mà camera không thay thế được như nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải…”.

Tạo điều kiện tối đa cho người dân

Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác mà lực lượng CSGT đang thực hiện đó là hoàn thiện cổng giao tiếp với mục đích chia sẻ, cung cấp thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân nhanh nhất, hạn chế thấp nhất, tiến tới dịch vụ công cấp độ 4 để người dân không cần gặp trực tiếp CSGT thực hiện các thủ tục hành chính; đang tiếp tục hoàn thiện trung tâm chỉ huy giao thông của Bộ (đặt tại Cục CSGT) kết nối đến trung tâm chỉ huy của tất cả các địa phương và từng CBCS để điều hành, giám sát.

Theo đó, CSGT khi làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường đều phải đeo camera giám sát trước ngực. Việc gắn camera trước ngực giúp lực lượng CSGT có thể ghi hình chính xác các trường hợp vi phạm, hạn chế người vi phạm không thừa nhận hoặc lẩn trốn khi bị phát hiện, góp phần giảm bớt các trường hợp vi phạm nhưng chống đối CSGT. Đồng thời, camera này cũng nhằm để theo dõi, giám sát và xác định được trách nhiệm của lực lượng CSGT khi thi hành công vụ một cách minh bạch nhất, từ đó tăng cường quản lý cán bộ; chỉ đạo xử lý các vấn đề xảy ra như ùn tắc, tai nạn giao thông.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: “Bộ Công an đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính đối với các thủ tục liên quan đến đăng ký phương tiện giao thông, xử lý hành chính về TTATGT, trong đó tiếp tục phân cấp đăng ký xe ôtô cho Công an cấp huyện, xe môtô cho Công an cấp xã và làm sạch cơ sở dữ liệu đăng ký xe.

Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan như: bỏ đăng kiểm xe đối với xe ôtô mới; kết nối liên thông các dữ liệu điện tử để phục vụ cho việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công an trong lĩnh vực đăng ký xe.

Xây dựng quy trình nghiệp vụ xử lý vi phạm qua thiết bị ghi hình, hướng dẫn cụ thể việc ứng dụng biên bản điện tử nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia”.

Phương Thuỷ
.
.