Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh sát hình sự:

Đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm hình sự, đảm bảo tốt trật tự an toàn xã hội

Thứ Năm, 14/04/2016, 08:37
Chủ động nắm chắc tình hình, sáng tạo trong công tác, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, mưu trí, dũng cảm kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm hình sự, hàng năm, lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) đã điều tra khám phá trên 50.000 vụ án các loại, triệt phá hơn 3.000 băng, nhóm tội phạm hình sự; bắt giữ, xử lý hơn 80.000 đối tượng, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội (TTATXH) của đất nước.


Là một bộ phận thuộc lực lượng CSND Việt Nam, lực lượng CSHS có nhiệm vụ tiến hành các biện pháp trinh sát và một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật để điều tra, khám phá tội phạm về trật tự xã hội (trừ tội phạm về ma túy, tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ), góp phần bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Với hệ thống tổ chức gồm Cục CSHS ở Bộ Công an; các Phòng CSHS ở Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đội CSHS ở quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, lực lượng CSHS còn được bố trí ở Công an phường, trạm Công an, đồn Công an...

Ngày 8/12/2008, lãnh đạo Bộ Công an đã ký Quyết định số 2148/QĐ-BCA lấy ngày 18/4/1946 là ngày truyền thống của lực lượng CSHS. Suốt chặng đường dài 70 năm xây dựng và chiến đấu, lực lượng CSHS đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Trong đó, nổi bật là Cục Cảnh sát hình sự - đơn vị thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược cho Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, ban hành hàng ngàn văn bản góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, lý luận nghiệp vụ.

Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Cục Cảnh sát hình sự kiểm tra tang vật thu giữ trong vụ bắt giữ băng nhóm Nhật “khùng”.

Còn những chuyên án, vụ án do Cục CSHS xác lập, thụ lý điều tra hoặc trực tiếp chỉ đạo phối hợp điều tra hầu hết là những vụ án phức tạp, đặc biệt liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố; quá trình xác minh, điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ đòi hỏi sự tập trung cao độ, trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm từ công tác chỉ đạo đến việc triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ.

Điển hình là vụ án giết vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga tại TP Hồ Chí Minh; triệt phá, tiêu diệt nhóm cướp có vũ khí nóng do anh em nhà Đông, Động, Tú ở Hải Phòng cầm đầu; tiêu diệt các nhóm cướp sử dụng súng AK do các tên Vi Mạnh Thắng, Vi Mạnh Cường, Bạch Văn Tranh, Đỗ Cao Thắng cầm đầu ở Lạng Sơn; triệt phá nhóm cướp có vũ khí do “Hiền Bạc” cầm đầu tại Thanh Hóa…

Cục CSHS cũng đã chủ động xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá hàng chục băng, nhóm, tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, như băng, nhóm Dương Văn Khánh (tức “Khánh trắng”) tại Hà Nội; Phạm Đình Nên (tức “Cu Nên”) ở Hải Phòng; Phạm Chí Tin (tức “Paletin”) tại TP Nha Trang, Khánh Hòa; Nguyễn Văn Minh (tức “Minh samasa”) ở Bà Rịa-Vũng Tàu; Trương Văn Cam (tức “Năm Cam”) ở TP Hồ Chí Minh…

Bên cạnh những thành tích, chiến công, cán bộ chiến sỹ (CBCS) lực lượng CSHS luôn luôn phải đối mặt với những gian khổ, hiểm nguy khó lường khi bọn tội phạm sẵn sàng chống trả, đe dọa, tìm cách mua chuộc hối lộ hoặc tung tin bôi xấu, hòng làm giảm ý chí của CBCS trực tiếp làm công tác đấu tranh trấn áp tội phạm… Trong cuộc đấu tranh ấy, đã có hàng trăm CBCS hy sinh và bị thương, trong đó có 9 đồng chí liệt sỹ được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND)…

Trong thời kỳ đổi mới, nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường đã tạo bước đột phá về tăng trưởng kinh tế, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, cùng với đó là công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội còn lỏng lẻo, yếu kém nên đã nảy sinh nhiều biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội, nhiều loại tội phạm mới phát sinh, phát triển. Nhất là tội phạm có tổ chức hoạt động “theo kiểu xã hội đen”, tội phạm gây án nghiêm trọng và tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao để gây án…

Trước tình hình trên, Cục CSHS đã chủ động tham mưu đề xuất lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Công an các địa phương, đơn vị đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm, tụ điểm phức tạp, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm...

Từ đầu năm 2013 đến nay, Cục CSHS liên tiếp xác lập, phá các chuyên án lớn, nhiều lần được lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát có thư khen. Trong đó phải kể đến chuyên án bắt nhóm đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa tại nhà nghỉ Tuấn Sơn ở khu phố Chùa Dận, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh do Dương Anh Đức (Đức “vẩu”) cầm đầu, bắt giữ 104 đối tượng, thu giữ tại chiếu bạc hơn 5 tỷ đồng; chuyên án triệt phá băng, nhóm tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức chơi xóc đĩa tại thôn Nhạc Lộc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên do đối tượng Nguyễn Văn Thành (tức Thành “vổ”) cầm đầu, bắt 28 đối tượng, thu trên chiếu bạc 288,38 triệu đồng, 1 xe ôtô, 16 xe máy, 20 ĐTDĐ, 1 máy phát điện...

Riêng trong năm 2014, Cục CSHS đã xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá nhiều băng, nhóm đặc biệt nguy hiểm. Đơn cử nhóm tội phạm tàng trữ, buôn bán vũ khí trái phép và buôn bán ma túy do Trần Hoàng Nhật (Nhật “khùng”) cầm đầu; băng nhóm tội phạm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí tại Bắc Giang, Bắc Ninh, do đối tượng Nguyễn Thái Việt (tức Cường “tóc dài”), quê ở Bắc Giang cầm đầu.

Từ tháng 7/2015 đến nay, được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Cục CSHS đã phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương điều tra làm rõ nhiều vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận. Trong đó phải kể đến vụ giết 6 người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng xảy ra rạng sáng ngày 7/7/2015, tại nhà ông Lê Văn Mỹ, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; vụ truy tìm thủ phạm giết 4 người trong gia đình anh Lê Văn Thọ, xảy ra ngày 2/7/2015 tại Bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An…

Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCS vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, dũng cảm chiến đấu và trong sáng về đạo đức, lãnh đạo Cục CSHS cũng thường xuyên làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh, từng bước kiện toàn, hoàn thiện tổ chức từ Trung ương đến địa phương.

Nhờ đó, đơn vị là một trong những tập thể điển hình trong các phong trào thi đua do cấp trên phát động. 30 tập thể và 18 cá nhân (9 liệt sỹ) thuộc lực lượng CSHS được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. 4 năm liền được tặng Cờ luân lưu của Hội đồng Bộ trưởng (1981-1984), 5 năm liền (2010, 2011, 2012, 2013, 2014) được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm 2015, Cục CSHS được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.

Ngoài ra, tập thể Cục CSHS và các đơn vị cấp phòng, các cá nhân còn được tặng thưởng nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng; hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành tặng Bằng khen… Hiện, đơn vị đang đề nghị Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp xét đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND” thời kỳ đổi mới cho tập thể CBCS Cục CSHS.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự
.
.