‘Ánh sáng an ninh’ – mô hình đơn giản nhưng tác dụng lớn

Chủ Nhật, 05/07/2015, 07:43
Mô hình “Ánh sáng an ninh” triển khai từ nhiều năm qua ở Bình Thuận đã phát huy hiệu quả rất tốt, đóng góp tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông.

Xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh, là địa bàn nông thôn nằm xa huyện lỵ có hơn 2.148 hộ dân sống tập trung và một số sống rải rác trong khu vực nương rẫy. Kinh tế phát triển, mặt trái tiêu cực xã hội cũng theo đó mà phát sinh khiến cho tình hình an ninh trật tự nơi đây khá phức tạp. Nạn trộm cắp, tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm do phóng nhanh, chạy ẩu, nhậu nhẹt đánh nhau, tụ tập gây rối xảy ra liên tục. Đặc biệt là nạn trộm chó của một số đối tượng từ nơi khác đến. Khi người dân phát hiện, truy đuổi thì bị bọn chúng chống trả gây bức xúc trong nhân dân.

Trước tình hình bất ổn đó, lực lượng Công an xã cùng với Hội Nông dân triển khai, thực hiện mô hình “Ánh sáng an ninh”, đến từng nhà dân vận động, giải thích ý nghĩa, hiệu quả. Nếu có ánh sáng điện ban đêm trên các đường thôn xóm, sẽ hạn chế TNGT, thuận tiện đi lại, chắc chắn sẽ hạn chế trộm cắp, bớt tụ tập đua xe, đánh nhau. Sau hơn 1 tháng triển khai, 100% hội viên đều tích cực đóng góp kinh phí thực hiện mô hình “Ánh sáng an ninh”. Mỗi hộ đóng góp từ 250 ngàn đến 400 ngàn đồng trồng trụ, kéo dây, bắt bóng điện tiết kiệm… Hàng tháng mỗi hộ góp từ 10-20.000 đồng tiền điện và bảo trì.

Mô hình “Ánh sáng an ninh” ở Bình Thuận.

Sau 2 năm với mô hình “Ánh sáng an ninh”, xã Đức Hạnh đã có 13,880km đường chiếu sáng, 100% tuyến đường được mắc đèn điện với 423 bóng đèn. Tổng kinh phí huy động trong cán bộ, nông dân hơn 316 triệu đồng. Tội phạm các loại của địa phương đã giảm mạnh, làng xóm văn minh và sạch đẹp hơn. Tương tự cách làm trên, các huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Bắc Bình, Tuy Phong… mô hình ánh sáng an ninh đã được triển khai khắp các xã vùng đồng bằng và miền núi, mang lại hiệu quả rất rõ rệt.

Đoạn đường từ thị trấn Liên Hương đến xã miền núi Phan Dũng từ bao năm qua không có đèn chiếu sáng, nên ban đêm rất hoang vắng, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Nhiều thanh niên dân tộc Chăm, Raglai khi tham gia giao thông không nắm luật, không làm chủ tốc độ, có rượu bia, đường đêm không đèn nên thường xảy ra các vụ tai nạn.

Từ mô hình ánh sáng an ninh các nơi trong tỉnh, lực lượng Công an, Cấp ủy, Đoàn TN, Hội Nông dân quyết tâm triển khai thực hiện “Ánh sáng đường quê”. Vận động trong cán bộ và nhân dân trong thôn Tuy Tịnh I, xã Phong Phú - nơi đường chật hẹp, đông dân cư, thường xuyên xảy ra tai nạn, bà con đã đóng góp 11.700.000 đồng. Đoàn TN xã vận động thêm các cá nhân, doanh nghiệp, ngày công của Công ty CP Điện nông thôn… Sau 2 tháng triển khai, công trình đã hoàn thành với tổng kinh phí 23.165.500 đồng.

Từ ngày đường xá được thắp sáng, không khí ban đêm trong thôn nhộn nhịp hẳn lên, tình hình ANTT, ATGT đảm bảo tốt hơn, người dân an tâm hơn.

Nam Yên
.
.