Cuộc đối đầu định mệnh và lòng nhân ái trên đỉnh Chòm Cúa De

Thứ Sáu, 05/02/2016, 08:18
Đêm cuối tháng Chạp, trời Tây Bắc buốt lạnh đến cắt da cắt thịt. Trên đỉnh Chòm Cúa De, sương mù đặc quánh như có thể vốc được từng nắm rồi rãi ra trong lòng bàn tay. Thi thoảng giữa đêm hôm thanh vắng lại nghe tiếng tru dài thảm thiết của những con sói hoang.


Đây là đêm thứ tư Thượng sĩ Mùa A Câu cùng đồng đội phải luồn rừng phục bắt tội phạm. Xuân đến rất gần nhưng nếu đối tượng còn ngoài vòng pháp luật thì Tết này đỉnh Chòm Cúa De còn chưa bình yên...

Nhìn trên bản đồ, Trạm Tấu chỉ hiện lên với một chấm nhỏ xíu nhưng đây là huyện xa xôi nhất tỉnh Yên Bái, trong đó Túc Đán và Tà Si Láng lại là 2 xã khó khăn, nghèo khó bậc nhất của huyện rẻo cao này. Thượng sĩ Mùa A Câu, cán bộ Công an huyện Trạm Tấu, Yên Bái sinh ra và lớn lên trên vùng rẻo cao thâm sơn cùng cốc Trạm Tấu. 

Thượng sĩ Câu gia nhập lực lượng Công an chưa lâu nhưng thực tế công tác anh phải đối mặt với nhiều loại tội phạm nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia và những cuộc vây bắt trên đỉnh Chòm Cúa De trở thành một "bài toán" khó mà anh và đồng đội phải mất nhiều công sức. Đó là trường hợp 2 đối tượng truy nã Lầu A Tu (SN 1973) và Mùa A Sớ (SN 1970) trú tại thôn Pá Khoang, Túc Đán...

Xã Túc Đán cách trung tâm huyện Trạm Tấu hơn 50 cây số. Đường lên Túc Đán cheo leo không khác gì lên trời, đây là địa bàn giáp ranh với xã Ngọc Chiến của huyện Bắc Yên (Sơn La) và xã Nậm Khắt của huyện Mù Căng Chải (Yên Bái). Xã có hơn 500 hộ dân với gần 3.000 người, chủ yếu là bà con dân tộc Mông. Tà Xi Láng cách Túc Đán chừng 2 giờ đi xe máy. Cả Túc Đán và Tà Xi Láng đều từng là hai "vựa" trồng cây anh túc ở Trạm Tấu; những năm cao điểm, vùng này có đến hàng trăm hec ta cho “sản lượng” hàng tấn thuốc phiện. Có trồng có hút, điệp khúc buồn đó kéo dài cho đến tận năm 1993 khi Nhà nước cấm trồng cây thuốc phiện...

Tuy nhiên, từ năm 2010, tại Túc Đán và Tà Xi Láng manh nha tái trồng cây thuốc phiện. Một số doanh nghiệp khai thác đá mở đường vào đây (theo Chương trình 135 của Chính phủ đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn) do quản lý lỏng lẻo đã để mất trộm vật liệu nổ và Lầu A Tu là thủ phạm "xoáy" một lượng lớn thuốc nổ. Đồng bọn bị tóm, Tu bỏ trốn lên núi Chòm Cú De rồi bặt vô âm tín. Còn Mùa A Sớ bị bắt khi vận chuyển trái phép ma túy. Chiều tối hôm đó, các cán bộ Công an dẫn giải Sớ về huyện. Trên đường đi, lợi dụng địa hình núi cao, vực sâu, trời bắt đầu sậm màu, Sớ đã bất ngờ đạp ngã một chiến sĩ Công an huyện rồi lao xuống vực sâu tẩu thoát...

Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Công an phát hiện Lầu A Tu và Mùa A Sớ đều đang lẩn trốn ở thôn Pá Khoang. Tất nhiên, để tránh sự bủa vây của lực lượng Công an, chúng thường xuyên di chuyển nơi cư trú. Thiếu tá Hoàng Văn Sửu, cán bộ Công an huyện Trạm Tấu cho biết, cái khó khi truy bắt 2 đối tượng này chính là người dân vô hình trung lại đang "bảo vệ" cho chúng. Bà con dân tộc Mông có quan hệ thân tộc gần gũi, đã cùng họ thì đều coi là anh em không kể người lạ, nên Lầu A Tu và Mùa A Sớ dễ dàng lẩn trốn, nay ở Túc Đán, vài hôm sau lại trốn sang Tà Xi Láng.

Giáp Tết, thực hiện kế hoạch của Ban giám đốc Công an tỉnh Yên Bái về tăng cường cán bộ tham gia củng cố hệ thống chính trị, bảo vệ an ninh trật tự, vận động nhân dân phá nhổ cây thuốc phiện ở hai xã Tà Xi Láng và Túc Đán, Công an huyện Trạm Tấu phối hợp với các đơn vị triển khai cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn. Tuy nhiên ở một số thôn, bản người Mông "toàn tòng", các tổ công tác rất khó làm công tác tuyên truyền, vận động. 

Để lực lượng Công an không thể tiếp cận vào bản, nơi 2 đối tượng lẩn trốn, Tu và Sớ đã kích động người dân không tiếp xúc với cán bộ, không cho cán bộ ở, không bán thức ăn cho cán bộ tăng cường; nhà nhà cắm lá xanh cấm cửa người lạ (theo phong tục người Mông, nếu gia đình cắm lá xanh trước cửa ngầm hiểu cấm người lạ đến nhà).

Thủ đoạn của 2 đối tượng gây nhiều khó khăn cho các tổ công tác. Suốt hai tuần cán bộ không thể tiếp cận được các gia đình để làm công tác dân vận. Một số người dân xa lánh, ghẻ lạnh với cán bộ, thậm chí nhiều người tỏ rõ thái độ bất hợp tác. Đứng trước tình hình đó, tổ công tác đã xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, sau đó anh bàn với anh em phải có biện pháp "hóa giải" đòn hiểm của 2 đối tượng.

Qua nghiên cứu các anh nắm được, tên Mùa A Sớ là kẻ hung hãn, thường xuyên thủ sẵn vũ khí trong người, còn Lầu A Tu tuy đã trốn truy nã 5 năm nhưng là đối tượng khá hiền lành, chịu khó làm ăn. Tổ công tác bí mật "phái cử" 2 cán bộ người Mông vào tận thôn Làng Linh, xã Túc Đán gặp trưởng thôn và Công an viên. Sau khi được đả thông tư tưởng, trưởng thôn đã thuyết phục người nhà tìm gặp Tu để nói chuyện. Các anh đã tranh thủ 2 già làng ở Làng Linh nhờ giúp đỡ. Thấy được thiện chí của cán bộ Công an, các già làng đã "kết nối" cho họ đến gặp bố mẹ và gia đình của Lầu A Tu. 

Qua 6 lần gặp gỡ, nói chuyện, bố mẹ và 5 anh chị em Lầu A Tu đã nhận thức được việc làm sai trái của anh ta, đồng ý vận động Tu về đầu thú. Phải sau rất nhiều cuộc tiếp xúc nữa, Lầu A Tu khi đó đang trốn trên đỉnh núi Chòm Cúa De đã ra đầu thú, khai báo toàn bộ hành vi phạm tội.

Lãnh đạo tỉnh và Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái thăm hỏi, động viên Thượng sĩ Mùa A Câu bị thương trong khi truy bắt Mùa A Sớ.

Đối với trường hợp Mùa A Sớ, cuộc vận động không thành công vì đối tượng thường xuyên thoắt ẩn thoắt hiện, ngay cả người nhà cũng khó tiếp xúc nên các cán bộ Công an quyết định phát động người dân tố giác tội phạm và vây bắt đối tượng. Sau khi nghiên cứu kỹ địa hình, địa vật và quy luật của đối tượng, tổ công tác Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Yên Bái và Công an huyện Trạm Tấu với sự giúp đỡ của Công an viên, dân quân tự vệ đã đón lõng đối tượng tại thôn Pá Khoang. Lúc 21h ngày hôm đó, lực lượng chức năng ập vào bắt giữ Mùa A Sớ, thu giữ 2 khẩu súng kíp, 5 con dao mèo, 0,1kg thuốc phiện, 1 cân tiểu ly, 8 kíp nổ, dây cháy chậm. Quá trình bắt giữ, Thượng sĩ Mùa A Câu đã bị đối tượng chém bị thương...

Sau khi bắt giữ được Mùa A Sớ và vận động Lầu A Tu ra đầu thú, tổ công tác đã vào các bản tổ chức họp dân thông báo về hành vi phạm tội của 2 đối tượng, chính sách khoan hồng của pháp luật. Công an huyện Trạm Tấu còn tạo điều kiện cho một số già làng, người thân của 2 đối tượng xuống gặp gỡ, tiếp tế và nói chuyện với 2 đối tượng. Từ kết quả của các tổ công tác, những người này trở thành những tuyên truyền viên tích cực, giúp đỡ lực lượng Công an giữ gìn, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; người dân tự giác giao nộp 17 khẩu súng tự chế; phá nhổ hàng trăm mét vuông cây thuốc phiện...

Từ một điểm nóng về tái trồng cây thuốc phiện, bây giờ Túc Đán, Tà Xi Láng đã bình yên trở lại. Hôm chúng tôi cùng tổ công tác của Công an huyện Trạm Tấu lên Tà Xi Láng, bà con đang rộn ràng mổ lợn đón Tết Mông (mồng 1 đến 5-1 theo lịch dương). Bên bếp lửa ấm áp, thưởng thức vị ngọt béo của chiếc bánh dày, nâng chén rượu thơm hương đại ngàn, ông Mùa A Dơ, một "cây cao bóng cả" gần trọn thế kỷ gắn bó với đỉnh Chòm Cúa De vui mừng nói: “Tết này Chòm Cúa De vui rồi. Người Mông trước kia thường nói xuân về hoa anh túc nở, còn bây giờ đúng là xuân về nở rộ niềm vui. Cảm ơn cán bộ nhiều lắm...".

Hoa Oanh Vũ
.
.