Vĩnh biệt nữ chiến sỹ điệp báo, Đại tá Lê Song Toàn

Thứ Ba, 09/02/2010, 11:27
Dẫu biết rằng, không ai có thể tránh được quy luật của cuộc đời: Sinh, lão, bệnh, tử, song với tôi cái tin: Bà Lê Song Toàn, phu nhân của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn từ trần vẫn đột ngột làm sao? Cách đây ít lâu, tôi đến thăm bà ở một con ngõ nhỏ phố Trần Hưng Đạo, bà vẫn vui vẻ kể chuyện.

Cùng với những cán bộ Công an lão thành, bà là người tham gia trực tiếp cuộc đấu tranh chống bọn phản động, bảo vệ thành quả cách mạng trong những ngày đầu thành lập nước.

Trong những lần tiếp tôi, bà kể: "Tôi còn nhớ, thời gian đó tôi đang hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc và tham gia vào Trung đội tự vệ chiến đấu mang tên chị Nguyễn Thị Minh Khai thì chị Lê Thu Trà, lúc đó là Thành ủy viên, phụ trách Hội Phụ nữ Thủ đô, đến gặp tôi đặt vấn đề:

- Tiếp (tên của bà Lê Song Toàn) ạ, chị được đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ giao cho nhiệm vụ lựa chọn một số phụ nữ đã kinh qua nhiều thử thách để giới thiệu với Xứ ủy đảm đương một nhiệm vụ đặc biệt.

- Nhiệm vụ gì vậy chị? Tôi ngạc nhiên hỏi lại chị Trà. Chị vỗ nhẹ vào vai tôi rồi nói tiếp:

- Nếu em chấp nhận, chị sẽ giới thiệu em gặp gỡ các anh Xứ ủy (anh Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân và Trần Danh Tuyên). Các anh ấy sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho em.

Chị Trà nói xong, hẹn hôm sau sẽ gặp lại.

Đêm đó, tôi thao thức và chỉ mong trời nhanh sáng để được gặp đồng chí Bí thư Xứ ủy. Sáng hôm sau, đúng hẹn với chị Lê Thu Trà, tôi đến số nhà 51 Hàng Bồ. Căn nhà này lúc đó là trụ sở làm việc của cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ. Khi tôi vừa đến đã thấy chị Trà đón ở cổng. Chị mừng rỡ, đưa tôi đến phòng làm việc của đồng chí Bí thư Xứ ủy. Anh Trần Quốc Hoàn nhìn thấy chúng tôi đã đứng dậy, bắt tay và kéo ghế mời tôi ngồi. Sau khi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình và tình hình công tác của Trung đội nữ tự vệ chiến đấu, anh nói:

- Hoàn cảnh đất nước đang trong thời điểm bị đe dọa bởi thù trong, giặc ngoài. Muốn bảo vệ được chính quyền, nhiệm vụ của nhân dân ta là phải đập tan mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù. Muốn vậy phải nắm được tình hình địch. Mà muốn nắm tình hình của chúng thì phải làm công tác điệp báo. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt, đòi hỏi phải có những người trung thành, dũng cảm và đã kinh qua nhiều thử thách, lại phải mưu trí và có ý thức tổ chức kỷ luật, có phẩm chất cách mạng "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Nghe anh Hoàn nói, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được Đảng tin cậy và chuẩn bị giao cho nhiệm vụ đặc biệt. Còn lo bởi một công việc thật mới mẻ và xa lạ đối với tôi. Vốn là một cô gái Hà Nội chỉ quen tham gia hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc, còn bây giờ được giao một nhiệm vụ rất quan trọng, tôi rất hồi hộp.

Sau vài phút suy nghĩ, tôi quay sang nói với chị Trà:

- Em lo quá, chỉ sợ không hoàn thành nhiệm vụ.

Thấy tôi đang trong trạng thái băn khoăn, chị Trà động viên:

- Em đừng lo, chị chọn em để giới thiệu cho Xứ ủy không phải không có cơ sở. Em đã tham gia phụ nữ cứu quốc, đội tự vệ chiến đấu, lại đang còn trẻ và có sức khỏe. Tuổi 17 của em đẹp như trăng tròn. Với hình thức và nụ cười của em, chị tin em sẽ chiến thắng kẻ thù, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thế rồi, từ những buổi gặp gỡ tiếp sau, anh Trần Quốc Hoàn dành nhiều thời gian hướng dẫn cho tôi làm quen với các công việc của người cán bộ điệp báo. Sau khi đã "tốt nghiệp" lớp huấn luyện, anh gợi ý với tôi:

- Nguyễn Hải Thần là một tên Việt gian nguy hiểm. Nếu đưa thanh niên vào thì sẽ gặp khó khăn, do vậy phải chọn phụ nữ để tiếp cận. Vì bản chất của các tên Việt gian phản động đều có nét giống nhau là mê gái và thích danh vọng. Sau đó, anh giao cho tôi về suy nghĩ và vạch kế hoạch tiếp cận với tổ chức phản động của Nguyễn Hải Thần.

Hôm đó, từ trụ sở của Xứ ủy về nhà, trong tôi trào dâng niềm vui khó tả và tôi thuộc lòng câu nói của đồng chí Bí thư Xứ ủy:

- Bên cạnh em còn có những đồng chí khác phối hợp hoạt động.

Lại một đêm nữa tôi không ngủ. Tôi cố lục lại các quan hệ của mình để tìm một người làm trung gian cùng tôi tiếp cận kẻ thù. Trong số phụ nữ mà tôi từng tuyên truyền giác ngộ vào tổ chức Phụ nữ cứu quốc có cô Oanh (tức Lan Chinh) ở 16 phố Đường Thành. Lan Chinh sinh trưởng trong một gia đình rất ghét bọn Tàu Tưởng. Gặp Lan Chinh, tôi vừa đặt vấn đề, cô đã vui vẻ đồng ý. Tôi trở về báo cáo anh Hoàn và xin phép được chuyển hẳn về nhà Lan Chinh ở và đề nghị gia đình nhận là con nuôi.

Bà Lê Song Toàn (người mặc áo dài hoa đứng giữa), tại cuộc gặp mặt các "cô gái Hoàng Diệu".

Tại gia đình cụ Trần Long (bố đẻ Lan Chinh), chúng tôi chủ động tổ chức một số hoạt động để thu hút thêm những thanh niên yêu nước. Trong số đó có người có sẵn quan hệ với tên Nha, Bí thư của tên Nguyễn Hải Thần. Mọi hoạt động và các cơ sở của tên phản động này, tên Nha đều nắm rất chắc. Ngoài nhiệm vụ là Bí thư cho Nguyễn Hải Thần, hắn còn là Ủy viên Trung ương của đảng Việt cách và thường xuyên được Nguyễn Hải Thần giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Do vậy, nếu thông qua tên Nha, có thể tìm hiểu được khá nhiều về âm mưu đen tối của kẻ thù.

Nhưng việc bắt cóc tên Nha quả là một vấn đề khá khó khăn vì hắn có thân hình to khỏe lại có võ. Mặt khác, với bản chất một tên tình báo, hắn rất cảnh giác và có nhiều thủ đoạn nham hiểm. Qua nhiều lần thử thách, tên Nha đã tin và bố trí cho tôi và Lan Chinh vào đảng phản động của chúng, nhằm thực hiện nhiệm vụ của bọn phản động giao cho. Còn chúng tôi qua đó mà có điều kiện ra vào trụ sở của chúng, tiếp cận những tên Việt gian quan trọng và nguy hiểm.

Chúng tôi đã điều tra, thu thập được nhiều tài liệu, tin tức về âm mưu, phương thức hoạt động, đặc điểm, quy luật sinh hoạt, đi lại của những tên đầu sỏ nguy hiểm để kịp thời báo cáo với Xứ ủy. Đồng chí Bí thư Xứ ủy nhận xét: Những tin tức đó rất quan trọng, phục vụ kịp thời cho cuộc đấu tranh chống kẻ thù của Đảng. Giờ cần phải bắt cóc tên Nha để trực tiếp khai thác. Xứ ủy quyết định giao cho tổ trinh sát do anh Nguyễn Văn Hồng phụ trách, phối hợp với tôi và Lan Chinh thực hiện kế hoạch bắt cóc và khai thác tên Nha.

Tôi còn nhớ rõ vào những ngày cuối năm 1945, trời rét đậm lại phảng phất mưa phùn khiến trời Hà Nội trở nên âm u. Hôm đó, tôi và Lan Chinh mời tên Nha đến tham dự buổi sinh hoạt đàn, hát của chúng tôi. Hắn nhận lời đến. Tất nhiên, ngoài hắn còn có lính bảo vệ của quân đội Tưởng. Tôi và Lan Chinh mời hắn vào gian phòng khách, nơi chúng tôi thường sinh hoạt. Tôi chủ động mời hắn ngồi quay lưng vào phía gian buồng, nơi có 3 đồng chí trinh sát đang ẩn nấp để phối hợp cùng chúng tôi hành động. Lừa lúc hắn sơ hở mất cảnh giác, tôi ra hiệu cho tổ trinh sát đang mai phục ở gian nhà trong. Nhanh như cắt, 3 trinh sát do đồng chí Hồng chỉ huy từ trong nhà lao ra. Đồng chí Hồng cầm khăn tẩm thuốc mê áp chặt vào mồm, vào mũi tên Nha, còn 2 chiến sĩ khác bẻ quặt tay hắn về phía sau.

Tưởng thành công trong vụ bắt cóc hắn, nào ngờ đồng chí Hồng áp khăn tẩm ête vào mũi tên Nha, hắn chỉ choáng váng đôi chút mà không mê. Hắn cắn vào tay đồng chí Hồng và vùng dậy vật lộn với 3 trinh sát. Thấy tình thế bất lợi, lại có những tên lính bảo vệ hắn ở ngoài nghe tiếng động, tôi bàn với Lan Chinh tạo màn kịch:

- Ối các ông ơi, cứu chúng tôi với, họ ghen nhau phá hết đồ đạc trong gia đình chúng tôi rồi.

Nghe tiếng kêu cứu của chúng tôi, tên lính Tàu Tưởng và một số tên cảnh binh ập vào nhà. Lợi dụng lúc lộn xộn, chúng tôi vội cất vũ khí, tài liệu, trong đó có quyển sổ tay mà tên Nha thường bỏ trong túi áo comple và các phương tiện mà các trinh sát của ta đem theo để phi tang. Khi tên Nha tỉnh hẳn thì các trinh sát cũng thoát khỏi. Sau khi tên Nha được bọn lính đưa về trụ sở, tôi và Lan Chinh đóng giả con sen đi gánh nước để giấu tài liệu vào hai thùng nước. Hôm đó mặc dù trời đã tối hẳn, song ra khỏi nhà được 20m tôi vẫn chạy nhanh về số nhà 51 Hàng Bồ. Thấy hai chị em tôi ăn mặc khác thường, đồng chí Bí thư Xứ ủy ngạc nhiên hỏi:

- Tình hình thế nào?

- Chúng em đã không hoàn thành nhiệm vụ các anh giao cho.

Quả thực lúc đó tâm trạng của tôi rất lo. Nhưng thật ngạc nhiên, sau khi nghe tôi trình bày, anh Trần Quốc Hoàn không hề tỏ thái độ bực tức mà cười rất tươi. Anh quay vào nhà, lấy cam ra mời chúng tôi ăn và còn tặng mỗi người một quả. Rồi bằng giọng chân thành, anh nói:

- Hai cô tiểu thư Hà Nội giỏi quá, các em không có lỗi trong việc này. Có chăng là do các trinh sát trước khi hành động đã để cho thuốc mê mất tác dụng...

Sau lần ấy, tình yêu của tôi và anh Trần Quốc Hoàn bắt đầu chớm nở".

Kết thúc buổi gặp mặt, trước lúc chia tay với tôi, bà nói: "Năm tháng trôi qua, cuộc sống của nhân dân ta so với nhiều thập niên trước đã thay đổi một trời, một vực. Mặc dù tôi đã được Bộ Công an cho nghỉ hưu, song đôi lúc nghĩ về những ngày hoạt động cách mạng sôi nổi ấy, tôi thấy mình như trẻ lại".

Vậy mà bà đã ra đi để gặp người bạn đời thân yêu của mình - đồng chí Trần Quốc Hoàn, người đã có 27 năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an

.
.