Vị tướng của Đội quân tóc dài

Thứ Năm, 03/02/2011, 19:48
Có lẽ phải đi hết cuộc chiến ở Việt Nam và một chặng đường dài sau ngày thất bại thảm hại ở chiến trường miền Nam, người Mỹ mới có thể lý giải vì sao họ đã không thể hạ gục được một "tinh thần Việt Nam" và chẳng ở đâu trên khắp thế giới này lại có cả một "đội quân tóc dài" của nữ tướng mang tên Nguyễn Thị Định kiên cường đến vậy.

Đúng như lời khen ngợi của Bác Hồ khi Người dự lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam rằng: "Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta mới có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta...".

Người con gái nơi miệt vườn Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre ấy ngay từ tuổi 16 đã bước vào cuộc chiến hiên ngang và kiêu hãnh. Cô Ba Định là một trong những người đầu tiên vượt trùng dương (năm 1946) mở đường Hồ Chí Minh trên biển đưa vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm từ miền Bắc vào miền Nam, nhen lên ngọn lửa đồng khởi Bến Tre, đưa cuộc chiến tranh nhân dân lên một tầm cao mới, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bà Nguyễn Thị Định vá áo cho các chiến sĩ.

Dấn thân làm cách mạng

Là út trong gia đình có mười anh chị em, nên Út Định được cả ba má và các anh chị rất cưng chiều. Đến tuổi đi học, nhưng trường xa quá, mà trọ học thì quá tốn kém, nên anh Ba Chẩn tự dạy Út học. Út sáng dạ, học đâu nhớ đấy, Ba Chẩn rất thương, mang về cho em rất nhiều sách: Truyện thơ Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa, Anh hùng Náo… Những trang sách, những vần thơ nói lên số phận của người phụ nữ làm Út cảm động. Út khâm phục cô Sở Vân mặc giả trai đi đánh giặc, đánh đâu thắng đó. Có lẽ vì vậy ngay từ khi còn nhỏ Út đã mơ ước có cuộc sống như Sở Vân.

Cuộc sống đang yên bình, bỗng một hôm tên cai Muôn và mấy chú lính dõng đi xuồng máy ầm ầm kéo đến. Hắn ỷ vào thế quan Tây bắt tất cả những ai khai khẩn cù lao nổi này phải đóng thuế, nộp thóc cho quan Tây, ai không nộp đủ sẽ bị tịch thu ruộng đất. Bà con quanh vùng ai cũng ghét cai Muôn. Út càng ghét, nhưng không sợ hắn. Út biết anh Ba Chẩn, anh ruột của Út và những người bạn của ảnh không sợ hắn, không sợ giặc Pháp.

Cũng như Ba Chẩn, các đồng chí của anh đều rất quí Út Định. Anh Tư Phát thường giả làm thợ thiếc đi hàn xoong, hàn nồi, anh Nhật Quang cạo đầu trọc giả làm nhà sư, anh Trà giả làm người bán dầu cù là… Ngoài ra còn có anh Bích, quê ở thị trấn Ba Tri, gia đình khá giả, đã đậu tú tài, tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn là một học sinh trung học. Anh có dáng người cao ráo, nước da trắng, tính tình cương trực, hay gần gũi với người nghèo, kính trọng người già và thương trẻ nhỏ. Cả nhà Út ai cũng quí anh Bích.

Canh chừng cho các anh họp kín, Út nghe lén, biết các anh đang bàn việc lớn, hệ trọng, tập hợp đoàn thể chống bọn cai Muôn, cường hào ác bá và bọn quan Tây xâm lược, Út rất muốn được nhập hội với các anh. Được các anh Ba Chẩn, Nhật Quang giới thiệu đi công tác, Út Định tích cực làm liên lạc đưa thư, tuyên truyền anh chị em trong ấp vào tổ tương tế, vạn cấy, vạn cuốc, cổ động bán báo cách mạng (báo Dân chúng), vận động mọi người đi dự lễ kỷ niệm Quốc tế lao động 1/5 ở Bến Tre… Một hôm Ba Chẩn giao cho Út một bó truyền đơn, dặn dò tỷ mỷ cách rải truyền đơn và cả cách đối đáp ra sao nếu chẳng may bị địch bắt.

Út mừng vô hạn. Cô nghĩ "Giao cho mình việc này là các anh đã tin mình hơn". Út liền rủ mấy người bạn thân là Tư Vững, Ba Trâm ngày mai cùng đi chợ, rẽ qua hiệu chụp ảnh, đi bộ chứ không đi xuồng. Đợt rải truyền đơn hôm đó Út Định hoàn thành xuất sắc, nhiều người đi chợ Mỹ Lồng đã nhặt được truyền đơn với lời kêu gọi của cách mạng "Bà con nông dân ta phải cùng nhau đứng dậy đòi quyền lợi, chống sưu cao, thuế nặng…". Bọn lính thì tức điên cuồng, dọa dẫm: "Ai nhặt được phải nộp lại, bắt được cho đi tù cả lũ!".

Từ đấy cô Út Lương Hòa thoát ly gia đình lao vào con đường hoạt động cách mạng. Đồng một chí hướng, đi chung trên con đường cách mạng, dần dà giữa Út Định và Ba Bích nảy nở tình cảm yêu thương. Gia đình hai bên cũng hoàn toàn nhất trí và thế là năm 19 tuổi Út Định đã lên "xe hoa", chú rể Ba Bích lớn hơn cô dâu 6 tuổi.

Thử thách đầu tiên

Sống cùng nhau chưa hết tuần trăng mật, Ba Bích đã phải đi công tác, một hai tháng mới ghé qua nhà, về lại đi ngay. Lần thứ ba gặp nhau, biết chị đã có thai, anh mừng vui vô hạn. Sắp tới ngày sinh, anh về nhà ở luôn với vợ một tuần, chăm sóc vợ từng ly từng tý rất chu đáo. Anh tự đưa vợ đi khám thai, sắm sửa quần áo, tã lót cho con. Sinh con trai đầu lòng. Cặp vợ chồng trẻ vô cùng sung sướng. Thế nhưng hạnh phúc của họ thật quá ngắn ngủi. Ở nhà với con được đúng ba ngày, thì mật thám đã ập đến bắt anh. Hai tay bị còng, Ba Bích nhìn vợ con bằng đôi mắt đầy yêu thương, đôn hậu và nói để vợ yên lòng: "Anh không sao đâu, Em ở nhà ráng nuôi con!". Chị gắng gượng, cố giữ bình tĩnh, nhưng nước mắt cứ trào ra giàn giụa, chỉ còn kịp hỏi: "Đặt tên con là gì hả anh?". "Là On, Nguyễn Văn On"- Chỉ kịp nói vậy, chúng đã đẩy anh vào chiếc xe thùng.

Các anh Ba Chẩn, Tư Phát, Nhật Quang, anh Trà… cũng lần lượt sa vào tay giặc. Mất liên lạc với tổ chức, Út Định cảm thấy bơ vơ. Niềm an ủi duy nhất là thỉnh thoảng chị vẫn nhận được thư của chồng. Chúng nhốt anh ở tận Khám Lớn, Sài Gòn. Anh bị tra tấn dã man, nhưng luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Anh dặn chị cách nuôi con, mong "Cu On" khỏe mạnh, lớn lên tiếp bước ba má. Qua thư, chị cũng hiểu ý tứ anh muốn chị rời khỏi Ba Tri, tiếp tục đi hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Định thăm Đoàn không quân Sao Đỏ.

Ấn tượng lần đầu gặp Bác Hồ

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như những năm tháng ở Hà Nội với trọng trách là Chủ tịch Hội LHPNVN và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, cô Ba Định, cách gọi thân mật của mọi người thường vẫn dành cho bà Nguyễn Thị Định, luôn sống trong kỷ niệm lần đầu được gặp Bác sau thành công của Cách mạng Tháng Tám.

Là con gái miệt vườn, chưa từng quen sóng gió nhưng cứ nghĩ sẽ được thay mặt đồng bào Nam Bộ báo cáo tình hình với Bác, cô như quên đi cảm giác say sóng suốt chặng đường dài lênh đênh trên biển. Cô Ba Định thường tâm sự với thư ký riêng của mình ở Hội LHPNVN rằng: "Cả đời cô đối mặt với những trận càn quét, truy lùng, những đòn tra tấn của quân địch mà không bao giờ khóc, nhưng khi gặp Bác lại không cầm được nước mắt".

Đấy là một chiều tháng Năm đầy nắng, cô đang ngồi trò chuyện cùng đồng chí Đặng Thai Mai (lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Giáo dục) thì có tiếng ôtô đỗ xịch truớc cửa. Thật bất ngờ khi người bước ra khỏi xe lại chính là Bác, cô đã reo lên sung sướng: "Đúng là Bác rồi!". Bác giản dị trong bộ quần áo ka ki, niềm nở hỏi chuyện mọi người. Cô Ba Định còn vinh dự được ngồi cạnh Bác.

Là cán bộ trẻ lại được gặp Bác lần đầu, cô và cả những người anh em trong đoàn cứ nghẹn ngào không nói được gì. Mãi đến khi Bác chỉ định "cô Ba" nói trước: "Cô nói cho Bác nghe tình hình nhân dân, bộ đội ta ở Nam Bộ bây giờ thiếu thốn những gì? Các cô, các chú muốn yêu cầu, đề nghị gì?". Nghe mọi người báo cáo những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào miền Nam, Bác đã khóc. Cô Ba Định không bao giờ quên được hình ảnh ấy. Thường được nghe kể về Bác, lúc được gặp Người, cô càng tôn kính và tin tưởng cách mạng thành công. Vui hơn nữa là ngày 19/5/1946, cô còn vinh dự được đến chúc thọ Bác.

Cô cứ nhớ mãi ánh mắt dịu hiều và lời dặn dò của Người: "Lòng già Hồ, lòng dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào miền Nam ruột thịt. Cả nước ta một lòng đánh đuổi giặc Pháp, nhất định chúng ta sẽ thắng lợi, sẽ có ngày Nam Bắc đoàn tụ một nhà. Lúc đó chúng ta sẽ liên hoan thắng lợi một thể". Mang những tình cảm sâu nặng của Bác theo chuyến tàu chở vũ khí vào chiến trường miền Nam đầy gian nguy, cô như được tiếp thêm sức mạnh cùng anh em chở vũ khí về an toàn khi đồn bốt của địch đóng dày đặc ven biển tỉnh Bến Tre

Quỳnh Nga - Báo CAND Xuân 2011
.
.