Vì sự bình yên của thành phố mang tên Bác

Chủ Nhật, 22/02/2015, 13:20
Khó có thể kể hết những chiến công của Công an TP Hồ Chí Minh kể từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bởi gần 40 năm qua, có biết bao cán bộ, chiến sĩ Công an đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh để góp phần giữ vững bình yên cho hàng triệu người dân ở thành phố mang tên Bác. Những chiến công ấy có khi vang dội, có khi lặng thầm nhưng tất cả đều mang đậm dấu ấn của sự gan dạ, dũng cảm, mưu trí… của những con người hết lòng vì dân phục vụ!

Sau ngày 30/4/1975, bên cạnh niềm vui chiến thắng, TP Hồ Chí Minh phải đối diện một xã hội đầy phức tạp với hơn 1 triệu người thuộc thành phần thất nghiệp, nghiện ma túy, trẻ em bụi đời, gái mại dâm… và hàng chục ngàn tên lưu manh, côn đồ, tệ nạn của chế độ ngụy quyền để lại.

Chính các đối tượng này đã gây ra nhiều vụ án hình sự gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Trong số đó, vụ án Bùi Văn Đắc và đồng bọn giết người, cướp của, đốt xác là vụ án hình sự lớn đầu tiên kể từ sau ngày miền Nam giải phóng.

Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6/1976 đến tháng 12/1976, trên địa bàn quận 1 và huyện Hóc Môn liên tiếp xảy ra 4 vụ giết người rồi bỏ vào bao tải, quấn vải, tẩm xăng đốt xác để phi tang gây xôn xao dư luận. Nạn nhân hầu hết là các cô gái trẻ con gia đình giàu có.

Sau một thời gian khẩn trương điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt được kẻ thủ ác Bùi Văn Đắc và 12 đồng phạm, thu giữ 4 khẩu súng, 1 ôtô, 1 xe xích lô dùng để chở xác nạn nhân và 1 dây dù dùng để xiết cổ nạn nhân…

Sau hơn 1 năm kể từ ngày băng cướp Bùi Văn Đắc sa lưới, TP Hồ Chí Minh xảy ra một vụ án gây chấn động dư luận cả nước, đó là vụ giết hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga xảy ra vào lúc 23h30’ ngày 26/1/1978 tại số nhà 114, Ngô Tùng Châu, quận 1.

Theo quần chúng nhân dân cho biết thì trước đó vào khoảng 22h45’ họ thấy 1 xe ôtô chở vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga về nhà.

Sau đó thì nghe tiếng súng nổ và tiếng khóc thất thanh của cháu bé, tiếng động giằng co qua lại rồi lại một tiếng súng nổ, liền sau đó hai tên lạ mặt vội vàng lên xe Honda 67 tẩu thoát.

Sau khi nghiên cứu hiện trường, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án nhận định vụ án này có khả năng là vụ bắt cóc không thành nên bọn chúng buộc phải giết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga.

Chính nhận định chính xác này nên ngày 10/4/1979, lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt được tên Nguyễn Thanh Tân, kẻ cầm đầu băng cướp chuyên bắt cóc tống tiền tại TP Hồ Chí Minh và đã gây ra 3 vụ bắt cóc tống tiền, trong đó có vụ bắt con của nghệ sĩ Thanh Nga.

Ảnh: KCM

Sang thập niên 90 của thế kỷ trước, khi các vụ phạm pháp hình sự liên quan đến trật tự xã hội tạm lắng thì các vụ án về phá hoại, gây rối chính trị; lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng lại nổi lên, tuy nhiên cũng đã bị lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh dập tắt từ khi còn trong trứng nước.

Trần Mạnh Quỳnh tức Trần Văn Nhị (Jimmy Trần) nguyên là trung úy chế độ cũ. Sau 30/4/1975, trong lúc đang học tập cải tạo Quỳnh đã trốn trại và vượt biên sang Hoa Kỳ.

Giữa năm 1990, Quỳnh tham gia tổ chức hoạt động lưu vong tại Hoa Kỳ và lập ra “Câu lạc bộ trẻ” để tập trung thanh niên Việt Nam phản động tại Mỹ nhằm chống phá nước cộng hoà XHCN Việt Nam.

Để thực hiện ý đồ này, Quỳnh và đồng bọn đã nhiều lần về Việt Nam bằng con đường du lịch để vận chuyển phương tiện, vật liệu gây nổ và lên kế hoạch phá hoại tại TP Hồ Chí Minh.

Ngày 15/2/1993, Quỳnh về Việt Nam và gặp Lê Thiện Quang  ở xã Hưng Lộc, Thống Nhất, Đồng Nai để kiểm tra vật liệu gây nổ và tìm cách vận chuyển về TP Hồ Chí Minh thì bị Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ.

Từ lời khai của Quỳnh, Công an tiếp tục bắt các tên còn lại và đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cùng với vụ án này, Công an TP Hồ Chí Minh còn khám phá nhanh chóng các vụ án như: Vụ án lợi dụng tôn giáo hoạt động chống phá cách mạng do Trần Đình Thủ cầm đầu; vụ án Lý Tống cướp máy bay để hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam; vụ án dùng kinh tế chuyển hóa chính trị do Lâm Văn Quang và đồng bọn thực hiện…  

Bước sang thế kỷ 21, TP Hồ Chí Minh có bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đời sống người dân ngày một nâng cao nhưng cũng là lúc mà các loại tội phạm, tệ nạn “thời đại mới” cũng bắt đầu xuất hiện.

Bọn chúng hoạt động với quy mô lớn hơn, tinh vi hơn, manh động hơn và tổ chức chặt chẽ hơn.

Để giữ vững tình hình an ninh trật tự, TP Hồ Chí Minh đã đề ra chương trình mục tiêu ba giảm, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố triển khai thực hiện mà nòng cốt là lực lượng Công an.

Nhờ đi vào thực tiễn với quyết tâm cao, tình hình tội phạm, tệ nạn, ma túy đã giảm đi đáng kể. Nhiều khu vực có gái mại dâm đứng đường; các băng nhóm bảo kê, đâm thuê chém mướn; các tụ điểm ma túy hoạt động công khai… liên tiếp bị xóa sổ để trả lại sự bình yên vốn có.

Tuy nhiên, đấy mới chỉ là phần ngọn, muốn bứng tận gốc ma túy thì phải triệt tiêu các tay trùm; muốn án hình sự giảm thì phải nhanh chóng còng tay những băng nhóm tội phạm mới manh nha.

Với mục đích đó, Công an TP Hồ Chí Minh đã quyết tâm lao vào cuộc chiến đấu đầy cam go và đã mang lại những chiến công vang dội.

Một trong những chiến công đó là khám phá đường dây mua bán, tàng trữ ma túy do Nguyễn Văn Hải (Hải “luận”) và Nguyễn Đình Hoành cầm đầu.

Tính ra, từ khi hoạt động cho đến ngày bị bắt Hải “luận” và Hoành cùng đồng bọn đã mua bán tổng cộng 2.354 bánh heroin (tương đương 820kg), thu lợi hàng chục tỷ đồng.

Sự giàu sang bất chính của những kẻ “buôn thần chết” đồng nghĩa với việc đẩy hàng trăm, hàng nghìn người vào con đường nghiện ngập, tan nát cửa nhà và gây nhiều hệ lụy cho xã hội, vì ma túy là mầm mống phát sinh tội phạm thuộc dạng hàng đầu.

Đây có lẽ là vụ án ma túy quy mô lớn nhất từ trước đến nay và cũng là vụ án có số bị cáo bị tuyên án tử hình (16 bị cáo) nhiều nhất trong lịch sử tố tụng.

Những năm gần đây, khi TP Hồ Chí Minh và cả nước hội nhập sâu rộng với quốc tế thì cũng là lúc xuất hiện nhiều loại tội phạm hoạt động với thủ đoạn mới, tội phạm có yếu tố nước ngoài và các thế lực thù địch trong và ngoài nước tăng cường chống phá.

Tuy nhiên với nỗ lực tối đa, Công an TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp khám phá nhiều băng tội phạm người nước ngoài như băng tội phạm người Indonesia chuyên trộm tài sản trên ôtô, băng tội phạm đánh bài bịp người Philippines, nhiều băng lừa đảo công nghệ cao người Đài Loan, Trung Quốc; các băng tội phạm ma túy xuyên quốc gia…

Tuy nhiên chiến công âm thầm, lặng lẽ nhưng đáng ghi nhận hơn cả đó là chặn đứng âm mưu kích động phá hoại, gây rối trật tự từ vụ Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Nhờ tiên đoán trước tình hình và có sự chuẩn bị chu đáo để đối phó nên khi làn sóng phá hoại từ tỉnh Bình Dương lan sang TP Hồ Chí Minh vào ngày 13/5/2014 đã lập tức bị dập tắt, nếu không chắc chắn sẽ gây thiệt hại rất lớn về nhiều mặt.

Với thành quả đạt được đó, năm 2014 Công an TP Hồ Chí Minh đã được Chủ tịch nước tặng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì; 5 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba; Chính Phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc…

Tuy nhiên, Công an TP Hồ Chí Minh vẫn không tự mãn mà tiếp tục gặt hái nhiều chiến công trong tương lai để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Mã Hải
.
.