Lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng:

Vẻ vang một chặng đường phát triển

Thứ Bảy, 03/11/2018, 09:03
Ra đời gắn liền với sự phát triển và lớn mạnh của CAND Việt Nam, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, không ngừng phấn đấu, từng bước lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao, cảm hóa, giáo dục người phạm tội trở thành những người lương thiện, có ích cho xã hội.


Cách mạng tháng Tám thành công, cùng với các lực lượng khác của CAND, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam ra đời có nhiệm vụ quản lý, giáo dục những người phạm tội, những kẻ chống lại chính quyền cách mạng, phá rối trật tự an toàn xã hội. 

Để thống nhất quản lý các trại giam và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong giam giữ, giáo huấn các loại tội phạm, ngày 07-11-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 150/SL về “Tổ chức các trại giam”. 

Đây là văn bản đầu tiên của Nhà nước ta về công tác trại giam, đặt nền móng để từng bước xây dựng, củng cố, hoàn thiện các văn bản pháp luật về công tác giam giữ, cải tạo các loại đối tượng và được Bộ Công an xác định là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng hiện nay.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các trại giam và di chuyển các trại giam đến vùng hậu phương tự do, lên rừng núi và tổ chức phân tán nhỏ, quản lý chặt chẽ đề phòng địch ném bom, bắn phá, tập kích, tấn công trại giam, giải thoát phạm nhân; đồng thời cảm hoá, giáo dục hàng nghìn phạm nhân giúp họ nhận thức rõ chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta, góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Cán bộ Trại giam số 5 hướng dẫn phạm nhân lao động.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, công tác trại giam ngày càng nặng nề, số lượng phạm nhân tăng nhanh, nhiều trại giam thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom, bắn phá ác liệt, trong đó có những trại giam bị đánh phá nhiều lần và tàn phá nặng nề như Trại giam số 3 bị bom Mỹ đánh phá tới 43 lần. 

Với tinh thần chủ động, mưu trí, sáng tạo, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã bảo vệ an toàn các trại giam. Đặc biệt, các trại giam miền Bắc đã chi viện hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cho chiến trường miền Nam và phối hợp với lực lượng chức năng vùng giải phóng xây dựng trại giam để giam giữ bọn gián điệp, tình báo, phản động nguy hiểm.

Sau thắng lợi mùa Xuân năm 1975, nhiệm vụ quản lý, giam giữ, cải tạo số ngụy quân, ngụy quyền, bọn FULRO, gián điệp đặt ra khó khăn nặng nề, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã chủ động di chuyển nhanh gọn, an toàn hàng vạn phạm nhân thuộc loại đầu sỏ nguy hiểm từ miền Nam ra các trại miền Bắc, tiếp đó lại di chuyển trên 1 vạn đối tượng ra khỏi vùng chiến sự biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, đảm bảo an toàn, ổn định tư tưởng phạm nhân để họ yên tâm cải tạo. 

Bằng chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, sự nỗ lực hy sinh quên mình, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã chuyển hoá tư tưởng hàng vạn ngụy quân, ngụy quyền giúp cho ta đấu tranh, phát hiện mạng lưới nội gián, làm trong sạch nội bộ, đấu tranh hiệu quả với âm mưu hậu chiến của địch...

Từ năm 1986 đến nay, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam từng bước được kiện toàn với các mô hình, tổ chức khác nhau và nay là Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. 

Các hoạt động của lực lượng ngày càng đi vào nền nếp, hiệu lực, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực tham mưu, đề xuất ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động thuộc lĩnh vực công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp như: Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù… 

Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác nghiệp vụ, quản lý, giám sát nghiêm ngặt, chặt chẽ các loại đối tượng, bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở giam giữ.

Tham gia dẫn giải hàng vạn bị can, bị cáo và bảo vệ hàng ngàn phiên tòa bảo đảm an toàn, phục vụ tốt yêu cầu xét xử. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan hướng dẫn Công an các địa phương theo dõi, quản lý và giáo dục người bị kết án ngoài hình phạt tù theo quy định.

Kể từ khi Luật Đặc xá có hiệu lực đến nay, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã đề xuất Bộ Công an trình Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước Quyết định đặc xá cho hàng vạn phạm nhân. Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên các quy định của pháp luật về tha tù trước thời hạn có điều kiện, đã có hơn 2.000 phạm nhân đủ điều kiện được tha tù trước thời hạn. 

Đồng thời, đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương trong việc bàn giao, tiếp nhận và xây dựng các mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm. Kết quả đó đã thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với người phạm tội, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp được sắp xếp thành 2 Cục, trong đó Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có chức năng giúp Bộ trưởng tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về công tác thi hành án phạt tù, thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện công tác thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào cơ sở bắt buộc, trường giáo dưỡng và trực tiếp quản lý các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, trước tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp, các đối tượng đưa vào cơ sở giam giữ đa dạng về thành phần, phương thức, thủ đoạn chống đối ngày càng tinh vi, xảo quyệt. 

Vì vậy, công tác đảm bảo an ninh, an toàn trại giam, ngăn chặn phạm nhân vi phạm nội quy, tổ chức gây rối, chống phá, tấn công cán bộ, đòi yêu sách tại các cơ sở giam giữ là hết sức quan trọng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam hết sức nặng nề, đòi hỏi cấp uỷ, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải nâng cao năng lực lãnh đạo, không ngừng đổi mới, sáng tạo và chủ động đề ra các chương trình, kế hoạch công tác, chủ động ứng phó trước những diễn biến tình hình phức tạp của công tác đảm bảo an ninh, trật tự. 

Triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ sở giam giữ trong mọi tình huống, kiên quyết không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, không để phạm nhân chống phá, trốn... Đồng thời, thực hiện đúng chế độ, chính sách pháp luật và nâng cao chất lượng công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh. 

Từng bước cải thiện tốt hơn môi trường giáo dục, nhất là thực hiện quyền con người, mọi phạm nhân, trại viên, học sinh phải được đối xử nhân đạo, đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và truyền thống của dân tộc nhằm giúp họ yên tâm cải tạo tiến bộ, sớm hoà nhập cộng đồng.

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng tiếp tục nỗ lực công tác, xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước, vững tin, phát huy truyền thống Anh hùng, đổi mới, sáng tạo trong công việc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. 

Thành tích, Huân, Huy chương: Trong 68 năm qua, lực lượng Cảnh sát trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng được Đảng, Nhà nước tặng 4 Huân chương Quân công hạng Nhất (các năm 1985, 1997, 2012 và 2015), 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2000), 1 Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2005), 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (năm 2007), 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất (năm 2007, 2009), đặc biệt năm 2009 vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có 22 lượt đơn vị cơ sở, 9 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và hàng ngàn tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại.
Trung tướng Hồ Thanh Đình
.
.