Về đất biển Bạc Liêu, nghe chuyện Công an giúp người lầm lỗi

Thứ Hai, 25/08/2014, 11:50
Đại tá Lê Tấn Thảnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu phấn khởi nhắc đi nhắc lại với chúng tôi mấy lần con số 507 đối tượng có biểu hiện chuyển biến tốt, tích cực dù chỉ non một năm Công an Bạc Liêu thực hiện Kế hoạch số 33/KH-CABL-PV11 về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hộ dân cư phục vụ chuyển hóa địa bàn, xây dựng thế trận lòng dân về ANTT trên địa bàn tỉnh. “Không chỉ là con số học đơn thuần mà nó chất chứa nhiều câu chuyện đậm tính nhân văn, đầy tình người” - Đại tá Lê Tấn Thảnh cho biết thêm.

Đại tá Lê Tấn Thảnh kể, sau khi được cán bộ Công an tận tình giúp đỡ, nhiều gia đình từng diễn ra nạn bạo hành (chồng nhậu say về đánh đập, chửi mắng vợ, con) ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, đã trở lại cảnh cơm lành, canh ngọt; hạnh phúc gia đình được hàn gắn, đời sống kinh tế ổn định nhờ những người trụ cột trong nhà biết chí thú làm ăn.

Ở thị trấn thuộc huyện Phước Long, Thượng tá Lê Minh Hải – Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) kể, anh Phạm Văn Th., còn gọi là Th. “Tò te”, từng là chủ quán nhậu, sau đó bị phát hiện, xử lý hình sự tội môi giới mại dâm, với án 4 năm tù. Sau khi ra tù, anh Th. không có công ăn việc làm, trong khi gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, năm miệng ăn nhưng chỉ bám víu vào công việc bán mắm, thu nhập ít ỏi của vợ anh. Chí thú hoàn lương, anh Th. đi làm phụ hồ, mỗi ngày được 100 ngàn đồng nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm. Hai vợ chồng vì áp lực cơm áo gạo tiền mà cứ lục đục, liên tục cãi nhau. Sau khi được cán bộ Phòng PC49 đến tìm hiểu, tuyên truyền và khuyên nhủ, gợi ý, anh Th. bắt đầu nghĩ đến chuyện mà bấy lâu nay anh chưa từng nghĩ ra.

“Mấy lần sau, khi chúng tôi đến tìm, muốn gặp anh ấy phải chấp nhận chờ nhiều giờ đồng hồ mới gặp được do anh bận đi thu gom cá mang về cho vợ làm mắm tại nhà. Biết anh đang cần vốn, chúng tôi cũng đã thống nhất quyết định hỗ trợ tiền để anh mua lưới và làm vốn mua cá” – Thượng tá Hải cho biết thêm.

Đối với bà Huỳnh Thị S., cũng từng là một chủ chứa mại dâm có tiếng ở Phước Long. Sau khi ra tù năm 2013, chỉ huy Phòng PC49 đã phân công cán bộ thường xuyên thăm hỏi, và tìm cách giúp bà sớm được vay vốn lãi suất ưu đãi để sản xuất, tái hòa nhập cộng đồng.

Công an Bạc Liêu kết hợp cùng Đoàn Thanh niên Bộ Công an tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Thiếu tá Trần Văn Đức – Đội trưởng, một trong 5 cán bộ của PC49 được phân công theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo có đối tượng lầm lỗi ở thị trấn Phước Long, cho biết, không phải đối tượng lầm lỗi nào cũng nhanh chóng trở thành người tốt, hòa nhập cộng đồng như mong muốn của mình. Điều quan trọng là mình phải làm sao để tạo niềm tin thật sự, để khi bà con tin tưởng, chia sẻ suy nghĩ, tâm trạng của mình, từ đó mình có hướng giúp đỡ phù hợp, kịp thời.

Anh Đức kể cho chúng tôi nghe chuyện của 2 anh Võ Văn Kh. (từng phạm tội cướp tài sản) và Lê Thiện Th. (tội tổ chức đánh bạc): “Cả hai sau khi ra tù, về địa phương được một thời gian thì có dấu hiệu tái phạm, một anh thì có biểu hiện hoạt động bảo kê, anh còn lại thì biểu hiện đá gà ăn tiền. Biết được điều này, chúng tôi đã kết hợp cùng Công an địa phương tiếp cận các đối tượng để giáo dục, tuyên truyền... Mới đây, gặp lại chúng tôi, anh Kh. cho biết mình thực hiện nghiêm lời cam kết, và anh đang cần vốn sang lại quán để kinh doanh. Tương tự, anh Th. phấn khởi kể đã có công việc ổn định, phụ giúp người chị gái bán cháo trước bệnh viện huyện”.

Ở huyện Giá Rai, Công an huyện có kế hoạch xác định mỗi đảng viên là tuyên truyền viên hạt nhân ở cơ sở, vận động giúp đỡ hộ dân phục vụ chuyển hóa địa bàn, xây dựng thế trận lòng dân về ANTT. Từ nền tảng này, Công an thị trấn Hộ Phòng tiến hành khảo sát và được biết toàn địa bàn có đến 66 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, rất cần sự giúp đỡ. Công an thị trấn đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND thị trấn, đề đạt. Và từ thực tế này, Phòng An ninh điều tra, Phòng Cảnh sát PCCC, Công an huyện giúp đỡ và Công an thị trấn đã nhận giúp đỡ 31 hộ nghèo.

Chỉ qua thời gian ngắn triển khai, những cán bộ, chiến sĩ Công an được phân công thể hiện trách nhiệm, tình cảm của mình với các hộ dân. Nhiều hộ dân được giới thiệu, có việc làm, được hỗ trợ gạo ăn, vốn phục vụ sản xuất, buôn bán nhỏ… Trong số này, có một hộ từ xuất phát điểm rất thấp, không có công ăn, việc làm nhưng nay đã có mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng, được CLB phòng chống mại dâm kết hợp phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện, bầu vào nhóm phó tổ tự lực, được đề nghị trên khen thưởng.

Lãnh đạo Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, tất cả những việc làm, kết quả vừa kể là thực hiện Kế hoạch 33/KH-CABL-PV11, được triển khai vào cuối tháng 10/2013. Ban chỉ đạo Kế hoạch 33 đã chọn mỗi địa phương cấp huyện từ 1-2 xã, phường, thị trấn để làm điểm chỉ đạo; phân công 16 phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, kết hợp cùng Công an 7 huyện và TP Bạc Liêu nhận giúp đỡ số hộ nghèo có đối tượng lầm lỗi. Công an một số đơn vị, địa phương còn tự chọn địa bàn thí điểm riêng của mình.

Đại tá Lê Tấn Thảnh cho biết: “Sau khi tiến hành bàn giao đối tượng, các đơn vị tiếp nhận đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành quyết định phân công cán bộ có khả năng, kinh nghiệm trực tiếp giúp đỡ từng đối tượng. Cán bộ được phân công tiến hành xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, biện pháp, cách thức tuyên truyền, vận động, tác động chuyển hóa đối tượng; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề liên quan đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân đến từng đối tượng nhận giúp đỡ. Kết quả, cán bộ, chiến sĩ được phân công đã trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, tuyên truyền, giáo dục được gần 6.800 đối tượng, giúp họ hiểu, nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân đối với sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, chính quyền và lực lượng Công an đối với họ; đồng thời giúp họ nhận thức được hành vi sai phạm của bản thân trong thời gian qua, để phục thiện, chí thú làm ăn, tham gia lao động sản xuất, từ bỏ con đường phạm tội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công, nhiều cán bộ, chiến sĩ được người dân xem như thành viên quan trọng trong nhà. Tình quân – dân ngày càng gắn chặt, sâu đậm…”

Thái Bình
.
.