"Vất vả như Công an bảo vệ lễ hội chùa Hương"

Thứ Bảy, 27/02/2010, 19:22
Một chủ quán cho biết: "Từ hôm mùng 6 Tết cáp treo hỏng đến giờ, các chú Công an vất vả lắm, phải đứng cả ngày trên đường, tối vãn khách mới về trạm". Chỉ qua trạm một đoạn, chúng tôi đã thấy các chiến sĩ Công an đang điều hành giao thông bên đường. Đại úy Bùi Thái Bình vừa đưa tay quệt mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, vừa nhắc nhở bà con không lấn đường để tránh ùn tắc.

Đi lễ hội đầu xuân là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Để giữ gìn an toàn cho dân tại mỗi lễ hội, các chiến sĩ Công an đã làm việc như thế nào? Ghi nhận tại lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Bắt giữ "cò" và trộm cắp

Chiều 22/1 tức mùng 9 Tết, nghe Đại tá Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng PC14 Công an Hà Nội thông báo có một tổ công tác của Đội 5 chuẩn bị lên đường vào chùa Hương, nhóm phóng viên chúng tôi đề nghị được theo các anh.

Phân luồng giao thông trên đường lên động Hương Tích.

Trong vai du khách đi lễ hội, chúng tôi kiếm một chiếc ôtô đeo biển ngoại tỉnh và chạy thật chậm trên đường vào chùa Hương. Trước đó, chúng tôi được Trung tá Vũ Bá Xiêm, Đội trưởng Đội 5 thông tin, trên đường đi có thể gặp "cò": "Cò" là những người đàn ông đi xe máy, bám theo các đoàn khách từ đầu đường Ba La, Hà Đông vào, để mời chào và hưởng tiền từ các hộ kinh doanh tại khu vực chùa.

Trong các mùa lễ hội trước, tình trạng "cò" không những gây cản trở giao thông mà còn gây phức tạp về ANTT, dẫn đến xô xát, đánh nhau, hoặc bắt chẹt, ép giá khách. Chính vì vậy, xử lý triệt để các "cò" là một trong những nhiệm vụ được chỉ huy Phòng PC14 chỉ đạo các trinh sát thực hiện quyết liệt ngay từ đầu lễ hội.

Để bắt được "cò", hằng ngày, từ sáng sớm cho đến tối mịt, các trinh sát thay phiên nhau hóa trang, tuần tra trên dọc đường bằng xe máy và ôtô.

Chỉ trong ngày 20/2, trên quốc lộ 21 đi chùa Hương, riêng Đội 5 PC14 đã bắt giữ được 5 đối tượng khi đang mời chào, lôi kéo khách đi đò của người nhà, gây mất trật tự trên đường. Biện pháp mạnh này đã có tác dụng rõ rệt. Hiện tượng "cò" bắt khách trên đường hầu như đã chấm dứt.

Tại đền Trình - điểm dừng chân đầu tiên của du khách, lợi dụng sự đông đúc, các đối tượng trộm cắp thường trà trộn móc túi, trộm cắp máy ảnh, điện thoại di động. Để dễ quan sát những đối tượng này, mỗi chiến sĩ phải đứng lên một chiếc ghế cao đặt ở vị trí phù hợp.

Ngày 21/2, tại các vị trí quan sát này, các chiến sĩ đã phát hiện, bắt giữ Nguyễn Văn Xích, 60 tuổi, ở Phủ Lý, Hà Nam có dấu hiệu nghi vấn trộm cắp. Kiểm tra hành chính đối tượng này, thu giữ một máy ảnh kỹ thuật số, nhãn hiệu Sony do hắn vừa lấy trộm của khách.

Đến cuối giờ cùng ngày, từ động Hương Tích ra, anh Trần Quang Linh ở quận 12, TP Hồ Chí Minh đã vô cùng bất ngờ và cảm động khi được nhận lại chiếc máy ảnh. Anh cho biết, giá trị chiếc máy ảnh không lớn, nhưng quan trọng trong đó lưu giữ rất nhiều ảnh tư liệu của cá nhân cũng như của công ty.

Giữ gìn trật tự an ninh

Thiên Trù là "thành phố" của khu di tích thắng cảnh Hương Sơn. Câu ví quả không sai. 10h đêm, toàn bộ khu vực xung quanh Thiên Trù vẫn sáng ánh đèn của dãy hàng quán sầm uất dọc đường vào. Những năm gần đây, nhiều du khách tranh thủ đi lễ vào buổi tối cho vắng nên hàng quán ở đây cũng nhộn nhịp hơn. Có khách đi lễ từ sáng đến đêm, người kinh doanh phấn khởi vì bán được hàng, nhưng lực lượng Công an thì thêm phần vất vả.

Trạm Công an Thiên Trù được đặt tại dãy nhà khách của nhà chùa, ngay gần cổng vào chùa. Mỗi ngày, cán bộ, chiến sĩ ở trạm chỉ được chợp mắt vài tiếng. Mà có nằm cũng không thể ngủ được vì du khách đi lại rầm rập suốt đêm.

Thượng tá Phạm Văn Thanh, Phó trưởng Công an huyện Mỹ Đức được giao nhiệm vụ "tổng chỉ huy" ở vòng trong với 4 trạm Công an, tính từ khu vực núi đổi chèo trên dòng suối Yến cho đến động Hương Tích, điểm cuối cùng trong khu di tích thắng cảnh chùa Hương.

Anh Thanh cho biết, lễ hội chùa Hương kéo dài nhất trong năm, không đơn thuần là lễ hội của một vùng, miền mà là lễ hội toàn quốc. Từ năm 2006, công tác tổ chức, quản lý lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, như giải pháp thành lập trạm kiểm soát vé và nâng cấp cơ sở hạ tầng... Nhưng như vậy không có nghĩa là công việc của cán bộ, chiến sĩ đã nhàn. Với lượng khách trung bình trên 1 triệu lượt người/ mùa lễ hội và hàng nghìn người kinh doanh dịch vụ, chỉ cần "lỏng" một chút, phức tạp sẽ phát sinh ngay.

Đi một vòng quanh khu vực chùa Thiên Trù, mặc dù đêm đã khuya, nhưng chúng tôi đều có cảm nhận không khí đông vui, phấn khởi của lễ hội. Không có người ăn xin hoạt động, hàng quán kinh doanh đông đúc nhưng không có hiện tượng tranh giành, lôi kéo khách...

Thượng tá Phạm Văn Thanh thông tin: Trước Tết Nguyên đán, số người hoạt động ăn xin, lang thang đã được Công an huyện thu gom, chuyển các trung tâm bảo trợ xã hội.  5h sáng chúng tôi tỉnh dậy, các phòng xung quanh vẫn tối om. Bụng bảo dạ "chắc anh em đi làm đêm về mệt, vẫn còn ngủ".

Không ngờ, vừa bước ra ngoài cửa trạm, chúng tôi đã gặp Thượng tá Phạm Văn Thanh, Trạm trưởng Nguyễn Ngọc Đán cùng 2 cán bộ PC14 tăng cường là Đại úy Lê Quyết Thắng, Thượng úy Đỗ Đăng Bình vừa đi tuần về. Chia tay cán bộ, chiến sĩ Trạm Công an Thiên Trù, chúng tôi lên đường đi Hương Tích. Thượng tá Thanh nói: "So với các trạm dưới này, anh em trên đó vất vả hơn nhiều".

Bảo đảm ATGT lên chùa

Mặc dù đã hẹn trước, nhưng khi chúng tôi tới Trạm Công an khu vực chùa Giải Oan, Trung tá Nguyễn Văn Thọ, Trạm trưởng cùng 7 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị: PC14, CSCĐ và Công an huyện Mỹ Đức đều không có ở trạm.

Một chủ quán cho biết: "Từ hôm mùng 6 Tết cáp treo hỏng đến giờ, các chú Công an vất vả lắm, phải đứng cả ngày trên đường, tối vãn khách mới về trạm. Cứ đi trên đường sẽ gặp đấy".

Quả nhiên, chỉ qua trạm một đoạn, chúng tôi đã thấy các chiến sĩ Công an đang điều hành giao thông bên đường. Đại úy Bùi Thái Bình vừa đưa tay quệt mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, vừa nhắc nhở bà con không lấn đường để tránh ùn tắc.

Lần thứ 2 tham gia bảo vệ lễ hội chùa Hương nhưng Trung sỹ Nguyễn Nam Ninh - chiến sĩ Trung đoàn CSCĐ Công an Hà Nội vẫn chưa biết cảnh chùa thế nào. Lễ hội 2009, Ninh làm nhiệm vụ phân luồng giao thông từ vòng ngoài, trên quốc lộ 21. Lần này, được phân công vào vòng trong, chỉ có người đi bộ, nhưng không ngờ phân luồng giao thông cũng khá vất vả. Dù đã dùng loa, treo biển nhắc nhở du khách không chen lấn xô đẩy, song vẫn còn một số người thiếu ý thức. Để chống ùn tắc, anh em công an chỉ còn cách bám trụ trên đường.

Lên đến động Hương Tích, chúng tôi bị ngợp bởi biển người dồn về đây. Trung tá Vũ Đức Bình, Đội 2 PC14 lần đầu tiên tham gia bảo vệ lễ hội nhưng mới chỉ một tuần, Trung tá Bình đã thuộc lòng từng mỏm đá trong động. Anh di chuyển liên tục như con thoi, phân công anh em đứng tại các vị trí dễ quan sát, theo dõi những đối tượng nghi vấn.

Theo Trung tá Vũ Đức Bình, tuần những ngày đầu của lễ hội, du khách lúc nào cũng kín động nhưng chưa xảy ra vụ mất trộm nào, đó chính là kết quả của công tác phòng ngừa, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an và Ban tổ chức lễ hội. 

Cũng giống như cán bộ, chiến sĩ tại Trạm chùa Giải Oan, anh em Công an tại Trạm Hương Tích chỉ dùng bữa sáng và bữa tối, để tập trung làm việc từ 9h sáng đến 3h chiều. Trời rét, nhưng trong trụ sở trạm lúc nào cũng bật quạt vì độ ẩm cao, nền nhà lép nhép, giường chiếu ẩm ướt, quần áo phơi cả tuần không khô...

Anh em cho biết, 3 tháng giữ bình yên cho lễ hội là 3 tháng các anh tạm xa gia đình, vợ con. Trung tá Nguyễn Văn Thọ kể, mùng 8 Tết, cô em gái lấy chồng ở Long Thành, Đồng Nai ra thăm, kết hợp đi lễ chùa Hương. Gặp nhau trên đường, hai anh em chỉ vẫy tay chào, không kịp nói chuyện. Đợi mấy tiếng đồng hồ mà chưa thấy anh hết việc, cô em gái đành ra về...

Kết thúc một ngày ở chùa Hương, chúng tôi chia tay các chiến sĩ Công an Hà Nội trong sự cảm phục các anh đã vượt lên gian khổ vất vả, bảo đảm cho một mùa lễ hội an toàn

Nhóm PV Thời sự
.
.