Vang mãi những chiến công của Đội Công an Thiết Dũng

Thứ Sáu, 02/02/2018, 20:21
Nhân sự kiện Đội Công an Thiết Dũng thuộc Ty Công an Hà Nam (nay là Công an tỉnh Hà Nam) vừa được Chủ tịch nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi xin giới thiệu một số chiến công vang dội của Đội Công an Thiết Dũng tới bạn đọc.

Thực hiện âm mưu chiến lược đánh chiếm các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, thực dân Pháp mở cuộc tiến công “Tia chớp” với cuộc hành quân David III đánh chiếm tỉnh Hà Nam. Với lực lượng trên 5.000 quân, có xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến, máy bay, pháo binh yểm trợ, ngày 21-5-1950, thực dân Pháp ồ ạt đánh vào tỉnh Hà Nam chiếm đóng các vị trí quan trọng ở huyện Duy Tiên, Phủ Lý, dọc đường giao thông lớn và ven sông Đáy; tổ chức nhiều cuộc càn quét lớn nhỏ, cấu kết chặt chẽ với bọn địa chủ cường hào, nhất là bọn phản động đội lốt thiên chúa giáo để lập Tề vũ trang ở 24 làng.

Trước tình hình này, ngày 29-5-1950, Tỉnh ủy Hà Nam đã ra Nghị quyết với chủ trương “phải hướng vào việc giữ vững cơ sở cách mạng, đẩy mạnh du kích chiến tranh, đặc biệt chú trọng bảo vệ mùa màng, vận động và gây cơ sở vùng công giáo, động viên người dân hăng hái đấu tranh chống âm mưu chia rẽ của địch, cương quyết không lập Tề”

Thực hiện chủ trương này của Tỉnh ủy, lãnh đạo Ty Công an Hà Nam quyết định thành lập lực lượng Công an vũ trang xung phong phái vào hoạt động ở những vùng địch tạm chiếm, lấy biệt danh là “Đội Công an Thiết Dũng”. Đội chính thức được thành lập ngày 5-6-1950, tại Xích Thổ, Châu Lạc Thủy, Hà Nam (nay là xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) gồm 75 đồng chí cán bộ trẻ, nhiệt huyết cách mạng, phân công đồng chí Đào Văn Thiệp làm đội trưởng.

Ông Đinh Hữu Lộc, nguyên cán bộ Tỉnh đội Hà Nam kể lại sự kiện chùa Lạc Tràng (xã Lam Hạ) bị đại đội “Hổ Xám” do Routs Cony chỉ huy chiếm đóng làm căn cứ

Trong những năm kháng chiến (1950 - 1954), Đội Công an Thiết Dũng đã xây dựng được hàng trăm cơ sở trong quần chúng làm chỗ dựa để hoạt động, viết hàng trăm bản cáo trạng, vạch trần tội ác và cảnh cáo những tên tề điệp gian ác. 

Đội đã đột nhập trụ sở các ban Tề ở các làng và nhà riêng của chúng, thu trên 100 con dấu của ngụy quyền cấp cơ sở, cấm chúng không được thu thuế, bắt dân đi phu xây đồn, bốt địch. Bên cạnh đó, Đội đã phối hợp cùng Công an đặc phái các huyện xây dựng củng cố các ban phòng gian thống nhất ở các xã, thôn xóm; tuyên truyền giáo dục cho nhân dân thực hiện khẩu hiệu 3 không “Không nghe, không biết và không thấy”. 

Kết quả, Đội Công an Thiết Dũng đã xây dựng 312 cơ sở cách mạng trong quần chúng nhân dân ở các xã thuộc 5 huyện, tổ chức đánh gần 100 trận lớn nhỏ, triệt phá 50 ban Tề vũ trang, bắt hàng trăm tên do thám, chỉ điểm, tiêu diệt 150 tên ác ôn, ngoan cố chống phá cách mạng. Những chiến công trong lòng địch của Đội Công an Thiết Dũng đã góp phần quan trọng trong phá tề, trừ gian, vận động quần chúng nhân dân xây dựng, củng cố cơ sở cách mạng.

Những trận đánh vang dội của Đội Công an Thiết Dũng đã đi vào lịch sử hào hùng trên quê hương cách mạng Hà Nam, tiêu biểu là những chiến công giòn giã trong hơn 1 tháng triển khai chiến dịch Quang Trung theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và Nha Công an Trung ương vào tháng 5-1951, nhằm đẩy mạnh chiến tranh nhân dân lên tầm cao mới trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Trong thời gian chiến dịch, Đội Công an Thiết Dũng đã phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương phá 4 ban Tề vũ trang, giải tán toàn bộ số ban Tề tại các làng ở huyện Lý Nhân và phần lớn các ban Tề ở các làng của huyện Bình Lục, Thanh Liêm. Phối hợp với trinh sát bảo vệ chính trị Ty Công an Hà Nam, truy bắt 70 tên quốc dân Đảng. 

Chỉ trong vòng 1 tháng triển khai, đến ngày 20-6-1951, chiến dịch Quang Trung kết thúc, lực lượng vũ trang của tỉnh Hà Nam và Đội Công an Thiết Dũng đã phối hợp tiêu diệt 2.151 tên địch, làm bị thương 635 tên, bắt 796 tên địch, thu 700 súng các loại, san bằng các vị trí đồn, bốt của địch. Những chiến công của Đội Công an Thiết Dũng đã được Khu ủy và Công an Liên Khu III nhiều lần khen ngợi, làm nức lòng quần chúng nhân dân, khiến bọn thực dân Pháp và lũ ngụy, tề run sợ.

Tháng 6-1951, sau khi bị thua đau ở chiến trường Hà - Nam -Ninh (được Bộ chỉ hủy quân đội Viễn chinh Pháp coi như là “cái lá chắn thép” ở phía nam Hà Nội), khi quân ta mở chiến dịch Quang Trung. Tư tưởng của ngụy quân, ngụy quyền rất hoang mang, lính Pháp cùng một số tên mật thám chỉ điểm, tay sai cũng hoảng sợ, co cụm lại trong các lô cốt không dám hung hăng đàn áp, cướp bóc dân như trước. 

Trước tình hình này, Bộ chỉ huy quân Viễn chinh Pháp vô cùng cay cú, quyết giành lại “cái lá chắn thép” này hòng trấn an lũ ngụy quân, ngụy quyền, lập lại các ban Tề vũ trang làm chỗ dựa cho số ngụy quân, ngụy quyền hoạt động chống phá kháng chiến. Địch đã tăng cường về Hà Nam một đại đội Com-măng-đô mệnh danh là đại đội “Hổ Xám” gồm lính Âu - Phi và bảo hoàng do tên quan ba của Pháp Routs Cony làm Đại đội trưởng có tổng quân số là 180 tên, đóng tại chùa Lạc Tràng (xã Lam Hạ). 

Từ khi về đóng quân ở Lam Hạ, địch đã mở nhiều cuộc càn quét, gây nhiều tội ác với nhân dân.  Nhiều lần chúng tung biệt kích vào vùng tự do để do thám, phá hoại và bắt cóc cán bộ, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Dần dần, một số vùng vừa giải phóng đã bị địch chiếm giữ lại, một số ban Tề tiếp tục được phục hồi. 

Để chặn đứng hoạt động của địch, đồng chí Giám đốc Công an Liên khu III chỉ thị cho Ty Công an Hà Nam tăng cường trinh sát sâu vào hậu phương địch, đặc biệt là nắm tình hình của đại đội Com-măng-đô và phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt  nhằm lấy lại lòng tin và khí thế cách mạng cho nhân dân.

Từ chỉ đạo trên, Đội Công an Thiết Dũng tập trung triển khai công tác trinh sát tình hình nội bộ địch, đội trưởng Đào Văn Thiệp đã tiếp cận xây dựng được 2 cơ sở nội gián ngay trong nội bộ đại đội Hổ Xám. Ngày 7-2-1952, nắm được thông tin, tên quan năm đại diện cho Bộ chỉ huy quân Viễn chinh Pháp tại Hà Nội cùng với một tiểu đội lính Âu - Phi đi bảo vệ về đồn Lạc Tràng để làm lễ trao quân hàm Đại úy cho chỉ huy đại đội “Hổ Xám” Routs Cony, quân ta khẩn cấp vạch kế hoạch tấn công. lợi dụng dịp địch khao quân, binh lính nhậu say mềm, sau khi nhận được ám hiệu của cơ sở nội gián, bộ đội chủ lực và Đội Công an Thiết Dũng cùng phối hợp thần tốc tấn công vào đồn. 

Chỉ huy đồn Routs Cony cùng tên quan năm Pháp và Trung úy Cốt-Ten đều bị tiêu diệt ngay tại phòng ngủ. Chiến công lừa địch bằng chiến thuật nội công, ngoại kích do Đội Công an Thiết Dũng thực hiện đã trở thành một chiến thuật nổi tiếng, có sức lan tỏa gây tiếng vang rộng khắp Liên khu III, Liên khu IV thời bấy giờ.

Hay trước âm mưu của bọn phản động lợi dụng tôn giáo, dùng nơi thờ tự, tâm linh của dân để chống phá cách mạng. Tháng 7-1950, dựa vào lực lượng quân sự mạnh, địch mở nhiều cuộc càn quét đánh phá cơ sở, tìm diệt lực lượng vũ trang của ta, lùng bắt cán bộ, tăng cường khủng bố bắt bớ, giết hại nhân dân. 

Một số tên phản động ở vùng công giáo các làng đã cấu kết với thực dân Pháp lập các ban Tề vũ trang hòng “bình định”, chiếm lại thế chủ động.  Để phá âm mưu chiếm đóng và bình định của giặc, Liên Khu ủy III đã phát động chiến dịch lương giáo đoàn kết, thi đua giết giặc trong toàn liên khu. 

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Ty Công an Hà Nam, Đội Công an Thiết Dũng đã họp kế hoạch tác chiến, phân công nhiệm vụ cho đồng chí đội trưởng Đào Văn Thiệp nắm tình hình tại làng Sui (huyện Thanh Liêm). Sau một thời gian xây dựng được cơ sở tin cậy, Đội đã được quần chúng cung cấp nhiều tin tức quan trọng như sơ đồ nhà thờ, hệ thống hàng rào công sự, bố phòng, lối đi, hậu cần để chuẩn bị cho việc tiêu diệt căn cứ địch tại khu vực nhà thờ Sui. 

Đúng 23h đêm 18-8-1950, theo kế hoạch tác chiến, Đội Công an Thiết Dũng cùng bộ đội thuộc Trung đoàn 34 ( Đại đoàn 320) đồng loạt  tấn công. Đồng thời, ở nhiều thôn, xã khác nhân dân cũng nổi chiêng, trống, mõ, kẻng hỗ trợ. 

Bị tấn công đồng loạt và bất ngờ, địch hoang mang lo sợ, cố thủ không dám ra ngoài. Sau 3 ngày bị tấn công, bao vây, ta đã buộc địch phải đầu hàng.  Đội  Công an Thiết Dũng đã bắt được 3 tên phản động đưa về Trại giam Ty Công an Hà Nam ở Xích Thổ - Hoàng Long để phục vụ khai thác thông tin. Trong trận đánh này, 1 đồng chí trong Đội Công an Thiết Dũng đã anh dũng hy sinh.

 Mỗi chiến công của Đội Công an Thiết Dũng đều đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng, thể hiện sự mưu trí, sáng tạo, đặc biệt là tinh thần dũng cảm không lùi bước trước kẻ thù. Càng khó khăn thì tinh thần vượt khó, sự quyết tâm càng được đẩy lên gấp bội, tất cả vì mục tiêu chiến thắng kẻ thù, vì Tổ quốc, vì nhân dân sẵn sàng hy sinh tính mạng. Chính tinh thần đó đã làm nên một Đội Công an Thiết Dũng Anh hùng”.

Phạm Tâm-Lan Anh
.
.