Ban liên lạc cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước:

Vang mãi khúc ca người lính

Chủ Nhật, 26/07/2015, 08:23
Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thương binh-liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2015), sáng 24/7, Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đã tổ chức gặp mặt các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ. 

Họ đã từng cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, xông pha nơi lửa đạn. Có người đã để lại một phần máu thịt nơi chiến trường. Dẫu vậy, khi trở về họ vẫn sống xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, mẫu mực trong cuộc sống đời thường…

Sáng sớm 24/7, trời Hà Nội lất phất mưa nhưng các cựu binh và thân nhân liệt sĩ đã tề tựu đông đủ tại Nhà khách Bộ Công an (Hoàng Cầu, Hà Nội). Những bước chân chậm chạp run lẩy bẩy, nhưng nhìn thấy đồng đội là giơ tay ôm chặt, nước mắt nhòa lệ. “Từ chiến trường khói lửa, nay được sống trở về là hạnh phúc lắm rồi chị ạ.

Nhiều đồng đội của chúng tôi đã nằm lại chiến trường…”, giọng bùi ngùi xúc động, cụ ông Hồ Duy Hoàng chia sẻ. “Quê tôi ở Quảng Bình, 14 tuổi đã tham gia giành chính quyền (năm 1945) ở huyện Tuyên Hóa. Cách mạng thành công, tôi tham gia vệ quốc đoàn, bộ đội chủ lực tỉnh Bình Trị Thiên”, cụ Hoàng kể.

Cụ từng là lính Trung đoàn 600, tham gia tiếp quản Thủ đô, bảo vệ Trung ương Đảng, Bác Hồ kính yêu. Năm 1959, chuyển sang Công an vũ trang, tham gia tiễu phỉ ở Cha Lo (Quảng Bình) và các vùng rừng núi Tây Bắc. Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cụ lại tình nguyện đi B, có mặt ở Khu 10, miền Đông Nam bộ, phụ trách Ban y tế chăm sóc sức khỏe cho cán bộ ở Ban An ninh. Năm 1974, cụ được ra Bắc chữa bệnh, về lại Bộ Tư lệnh Công an vũ trang, rồi lại theo đoàn phục vụ cán bộ cấp cao vào tiếp quản Sài Gòn. “Tôi bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường, giảm tỉ lệ sức khỏe 81%, bị bệnh tiểu đường biến chứng khiến tôi đột quỵ mà gẫy cổ xương đùi…”, cụ Hoàng nói. 

Dù sức khỏe chẳng còn là bao nhiêu, rất khó khăn trong đi lại nhưng cụ vẫn đón taxi đến dự buổi gặp mặt để hội ngộ những đồng đội năm xưa. Bốn người con của cụ đã trưởng thành, con trai lớn là Đại tá, công tác ở Tổng cục V, người con gái thứ 2 công tác ở Bệnh viện 19-8. Cụ rất vui khi các con tiếp nối con đường mà người cha đã đi.

Trong buổi gặp mặt hôm nay, các đồng đội im phăng phắc nghe thương binh Nguyễn Văn Chất (mất 61% sức khỏe) tâm sự. Quê ông ở  Hải Dương, năm nay 68 tuổi. Cha ông hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mẹ tảo tần nuôi ông lớn khôn.

Năm 1968, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường vào Nam chiến đấu, ở quân khu Sài Gòn-Gia Định. Ông đã từng chiến đấu ở Mỏ Cày (Bến Tre). Trong một trận quần nhau với địch từ 3h sáng tới 9h tối, ông đã bị thương ở thực quản. Máu ra nhiều, không ăn uống được gì đã khiến ông kiệt sức tưởng như không qua khỏi. 

Thương binh nặng Nguyễn Văn Chất (bên phải).

Để cứu vãn, bác sĩ đã cho xông thức ăn qua đường dạ dày. Suốt 2 tháng ròng ông sống trong cảnh không ăn uống và “truyền ngược” thức ăn như vậy. Vết thương dần ổn định, ông được chuyển công tác về Công an vũ trang Hải Phòng, tiếp tục điều trị bệnh. “Bây giờ tôi vẫn còn đau, bị giãn tĩnh mạch thực quản độ 2. Chuyện ăn uống rất khó khăn, thường xuyên bị sặc, nghẹn, có lúc bị trào máu ra ngoài…”, ông Chất lo lắng. 

Bao năm nay người thương binh ấy phải sống chung với bệnh tật, là thương binh nặng, không làm thêm được gì nên kinh tế gia đình ông rất khó khăn. Vợ ông là công nhân về hưu nên đồng lương eo hẹp. “Hai chúng tôi cố gắng động viên nhau để vượt qua khó khăn, động viên con trai ăn học nên người, đừng làm điều gì không tốt ảnh hưởng đến danh dự gia đình”, ông Chất chia sẻ.

Những người lính năm xưa từng sống trong làn mưa bom bão đạn nay trở về cuộc sống vẫn cống hiến hết mình vì sự nghiệp an ninh Tổ quốc. Tôi đã gặp nhà báo Dương Chiến, từng công tác ở Truyền hình Công an nhân dân (nay đã nghỉ hưu), với lòng say mê và nhiệt huyết với nghề, xông pha nơi khó khăn nhất. Năm 1962, chàng thanh niên ấy đã tình nguyện lên đường đi chiến đấu. Nơi anh đến là chiến trường Tây Thừa Thiên Huế, chiến trường Quảng Trị. Từng vào sinh ra tử dưới làn mưa bom bão đạn, Dương Chiến đã được tặng nhiều kỷ niệm chương: chiến trường B5, chiến sĩ Trường Sơn… 

Nhà báo Dương Chiến.

Với những thành tích trong chiến đấu, năm 1972, anh đã được cử đi học Trường Sĩ quan lục quân. Đất nước hoàn toàn giải phóng, anh chuyển ngành sang Công an, học trường Đại học sân khấu điện ảnh, về công tác ở Truyền hình Công an nhân dân. Hẳn nhiều người còn nhớ những tác phẩm của nhà báo Dương Chiến, từng thấm mồ hôi và công sức để có những phóng sự truyền hình về những nơi xa xôi nhất của Tổ quốc. 

Kim Quý
.
.