Vận dụng giữa lý thuyết với thực tiễn điều tra

Chủ Nhật, 09/06/2013, 19:35
Là điển hình tiên tiến trong phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” giai đoạn 2008 - 2013, Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát điều tra (NVCSĐT), Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) tự hào là một đơn vị đoàn kết, kỷ luật tốt, và vững vàng về chuyên môn.

Trong không khí rộn ràng bế giảng một năm học, tôi đến thăm họ và lắng nghe tâm sự chân thành của những giảng viên đào tạo nên thế hệ cán bộ điều tra tương lai. Lần đầu tiếp xúc với những nhà giáo mặc sắc phục Cảnh sát và có nghiệp vụ điều tra khiến tôi không khỏi e dè. Thế nhưng sự hòa đồng, cởi mở, hóm hỉnh của những cán bộ nơi đây đã rút gần khoảng cách.

Với quân số 23 đồng chí, khoa có 4 giảng viên chính, 9 giảng viên và 6 trợ giảng đảm nhiệm các hoạt động dạy học trong và ngoài Học viện.

“Đa số là cán bộ trẻ, trong đó gần một nửa đi thực tế, nghiên cứu sinh và học cao học khiến cho đội ngũ giảng viên trong khoa phải khéo léo phân chia, sắp xếp công việc một cách hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Thượng tá, TS Trần Nguyên Quân, Trưởng khoa NVCSĐT cho biết. Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đã phổ biến kịp thời mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành, gắn công tác giáo dục chính trị tư tưởng với cuộc vận động học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, CAND chấp hành nghiêm điều lệnh và hướng đến lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính vì thế mà mọi cán bộ giảng viên luôn yên tâm công tác.

Cũng theo Thượng tá Quân, đặc trưng của Khoa NVCSĐT, 100% giảng viên từng là sinh viên của trường, hầu hết đều tốt nghiệp chính quy chuyên ngành NVCSĐT Học viện CSND. Do đó, họ am hiểu kiến thức nghiệp vụ, có điều kiện thuận lợi trong việc giảng dạy, truyền lại kiến thức cho các thế hệ sau. Đặc biệt là sự tiếp lửa, truyền nghề và sự gắn kết chặt chẽ qua từng thế hệ giảng viên trong khoa.

Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, kỷ luật của đơn vị cực kỳ cao. Khoa NVCSĐT 5 năm liên tục là đơn vị Quyết thắng, nghĩa là 5 năm liền cán bộ giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Mọi công việc, hoạt động đều được lãnh đạo và tập thể đơn vị thống nhất thực hiện. Lãnh đạo khoa trên cơ sở khả năng, năng lực của từng đồng chí mà phân công trách nhiệm cụ thể, để mỗi cá nhân có thể phát huy được thế mạnh của mình.

Cán bộ giảng viên Khoa NVCSĐT Học viện CSND trong giờ họp phân công công tác.

Đó cũng là một trong những biểu hiện sâu sắc nhất của việc thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy ở đơn vị - “Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ; đối với công việc, phải tận tụy”…

Trong 4 năm qua, Khoa NVCSĐT đã thực hiện trên 20.000 giờ giảng (vượt chỉ tiêu trên 200%) cho 253 lớp học trong và ngoài Học viện, bao gồm hệ đào tạo, liên thông, tại chức, điều tra viên, cấp chứng chỉ, nâng cấp bằng, cao học, Campuchia, Lào…

Năm học vừa qua mặc dù điều kiện công tác, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, có sự thay đổi về nhân sự, giờ giảng phải thực hiện nhiều nhưng cán bộ giảng viên của khoa đều nỗ lực, tận tụy trong công tác chuyên môn. Giảng viên của khoa cũng đã tham dự phong trào dạy giỏi, hội giảng dành cho giảng viên trẻ và đạt kết quả cao (2 giải nhì, 1 giải ba), có 2 đồng chí được công nhận dạy giỏi cấp Bộ và 3 đồng chí dạy giỏi cấp Học viện.

Tiêu biểu như Đại úy Hữu Anh, Tổ trưởng Tổ phương pháp điều tra, 3 năm liền là chiến sỹ thi đua, năm nào cũng thực hiện bài dạy giỏi cấp Học viện, năm học vừa qua tham gia Hội diễn dạy giỏi cấp Bộ và đạt giải Ba, hiện đồng chí đang nghiên cứu sinh; Đại úy Trần Thị Hương có chồng là cán bộ Công an công tác ở Công an tỉnh Đồng Nai xa xôi nhưng năm nào cũng tham gia tích cực vào phong trào giảng dạy của khoa, đang làm hồ sơ suy tôn giảng viên dạy giỏi cấp Bộ; Trung úy Đỗ Thị Phương Thanh, học viên lớp chất lượng cao của Học viện, khi ra trường được giữ lại công tác, năng động, nhiệt tình tham gia thực hiện các bài dạy giỏi, giờ dạy giỏi…

Trong quá trình giảng dạy, Khoa gắn kết giữa giảng dạy lý thuyết và tăng cường thực hành, thực tập của sinh viên trong từng bài giảng cụ thể. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, cán bộ của khoa tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, số giảng viên là PGS, TS và hiện đang nghiên cứu sinh của khoa chiếm tỷ lệ cao trong số các khoa nghiệp vụ chuyên ngành của trường.

“Việc xây dựng những chương trình hướng dẫn học viên thực hành, giao lưu học hỏi kinh nghiệm thực tiễn như dự xét xử phiên tòa, tham quan, trao đổi với các cơ quan điều tra ở địa phương, tham gia Trại tạm giam T16… nhằm mục đích giúp các em nắm bắt được quy trình công việc, cũng như ứng dụng thực tiễn vào công tác đào tạo của khoa”, Thượng tá Trần Nguyên Quân chia sẻ

Quỳnh Vinh
.
.