Vận động nhiều đối tượng truy nã "ngoại" ra đầu thú

Thứ Tư, 23/06/2010, 14:01
Đối với những tên tội phạm cứng đầu trong nước, việc vận động, kêu gọi chúng ra đầu thú đã khó, huống hồ vận động những tên tội phạm nước ngoài đang lẩn trốn tại Việt Nam? Nhưng, với trí thông minh, sự ứng biến nhanh nhạy trong mọi tình huống, các chiến sỹ Công an Việt Nam, đặc biệt là các cán bộ Văn phòng Interpol phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã kêu gọi được nhiều đối tượng phạm tội người nước ngoài ra đầu thú và trao trả về nước an toàn.

Tên tội phạm nước ngoài có tài "bẻ khoá" ngân hàng sa lưới tại Việt Nam như thế nào?

Tháng 2/2010, Văn phòng Interpol, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an nhận được báo cáo của Cảnh sát Phần Lan đề nghị phối hợp truy bắt đối tượng Talka Henrik Jukka, bị truy nã theo Lệnh truy nã số PK 10/94 ngày 22/1/2010, được ban hành bởi Tòa án quận Hyvinkaa, tại Phần Lan và Lệnh truy nã quốc tế A - 568/1 của Ban tổng thư ký Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol. Được biết, đầu năm 2010, gã đã "bẻ khóa" thành công, vào một tài khoản ngân hàng và rút được 140.000 EUR rồi bỏ trốn; đối tượng đã nhập cảnh Việt Nam vào ngày 20/1/2010.

Lần lại hồ sơ của đối tượng này, các cán bộ Interpol được biết, Talka xuất cảnh khỏi Phần Lan vào cuối tháng 1/2010, cho đến thời điểm này đã hơn 3 tháng, vậy với số tiền 140.000 EUR gã mang theo, nếu chi tiêu bạt mạng thì đến thời điểm này cũng đã cạn. Hơn nữa, nếu có lệnh truy nã thì gã sẽ bị nước chủ nhà huỷ hộ chiếu, nên nếu đang ở nước ngoài thì gã khó có thể xuất cảnh khỏi nước đó. Do vậy, rất có thể, Talka sẽ phải tìm đến Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam để xin được giúp đỡ.

Chính vì thế, các trinh sát đã nhanh chóng đến Đại sứ quán Phần Lan và liên lạc với lực lượng Cảnh sát Bắc Âu để nắm thêm thông tin về đối tượng này. Qua đó được biết, Talka đến khắp các tỉnh, nơi có những danh lam thắng cảnh đẹp. Đến đâu Talka cũng vung vít tiêu xài, vì vậy, mới có hơn 3 tháng, anh ta đã cạn tiền.

Khi đã nắm rõ tình hình của Talka ở Việt Nam, hiện anh ta đang gặp khó khăn trong việc xuất cảnh, các cán bộ Văn phòng Interpol Việt Nam đã chủ động bàn với Đại sứ quán Phần Lan vận động Talka ra đầu thú. Thật đáng mừng, ngay sau đó, đại diện Đại sứ quán Phần Lan thông báo rằng, họ đã vận động được Talka ra đầu thú. Ngày tiếp nhận đối tượng được phía Đại sứ quán Phần Lan đưa ra là ngày 19/4/2010. Tuy thông tin là thế, nhưng các cán bộ Phòng 2, Văn phòng Interpol vẫn lo lắng, thấp thỏm, bởi chỉ khi nào bắt được đối tượng, sau đó trao trả về nước an toàn, thì lúc đó công việc mới của các anh mới hoàn tất.

Đúng ngày 19/4, đại diện Đại sứ quán Phần Lan đã đưa Talka đến trụ sở Tổng cục Cảnh sát. Tại đây, các thủ tục tiếp nhận đối tượng đã được hoàn thành theo đúng luật pháp Việt Nam. Sau đó, Phòng 2, Văn phòng Interpol Việt Nam đã trao đổi với Văn phòng cơ quan CSĐT và Cục Cảnh sát truy nã tội phạm tiến hành tạm giữ đối tượng. Khi các khâu hoàn tất, Văn phòng Interpol đã liên hệ với Cảnh sát Phần Lan để bàn giao đối tượng.

Cán bộ VP Interpol trao trả đối tượng (X) người Hàn Quốc về nước.

Đối tượng truy nã người Hàn Quốc Kim Song-gon: Tôi biết ơn Công an Việt Nam

Theo công văn của Văn phòng Interpol Hàn Quốc, Kim Song-gon, 47 tuổi, có lệnh truy nã vì phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Hàn Quốc. Đầu năm 2007, Kim Song-gon đã lừa đảo tiền của nhiều người tại Hàn Quốc bằng cách thuê một ngôi nhà, chỉ trả tiền đặt cọc nhưng lại giả như nhà của mình, làm hợp đồng cho nhiều người thuê lại và lấy tiền của họ, rồi chuồn.

Cuối năm 2008, Kim Song-gon đã thực hiện một vụ lừa đảo ngoạn mục khác, chiếm đoạt một khoản tiền lớn: 300.000 USD. Đối tượng giả vờ có mối quan hệ để hứa "chạy" cho bị hại được vào xây dựng một trung tâm thương mại tại Việt Nam. Thế nhưng, nhận tiền xong, Kim Song-gon chuồn luôn sang Campuchia, rồi nhập cảnh Việt Nam.

Cùng thời điểm nhận được công văn của Interpol Hàn Quốc, Văn phòng Interpol Việt Nam đã nhận được công hàm của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đề nghị xác minh, truy bắt Kim Song-gon. Các cán bộ của Văn phòng Interpol báo cáo lãnh đạo Tổng cục phòng, chống tội phạm và lãnh đạo Bộ Công an cho phép xác minh về các mối quan hệ của đối tượng tại Việt Nam và tổ chức bắt giữ.

Văn phòng Interpol đã phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh xác minh và được biết Kim Song-gon nhập cảnh vào Việt Nam ngày 20/1/2009. Đồng thời, đã phối hợp với Cục Cảnh sát truy nã tội phạm tiến hành xác minh về đối tượng Kim Song-gon và phát hiện anh ta đang ở TP HCM. Đến thời điểm này, do đã ăn tiêu hết tiền nên Kim Song-gon sống vật vờ, lang thang không có nơi cố định. Anh ta còn bị bệnh đau cột sống, phải uống thuốc đặc trị.

Qua xác minh, cơ quan Công an được biết, Kim Song-gon đã điện thoại đến Đại sứ quán Hàn Quốc để hỏi về quyền lợi khi ra đầu thú. Nắm bắt được tâm lý đối tượng như vậy, thông qua các cán bộ của Đại sứ quán, Văn phòng Interpol đã nhờ họ giải thích cho Kim Song-gon hiểu về chính sách khoan hồng của Việt Nam đối với những đối tượng khi đã biết quay đầu về nẻo thiện.

Sau mấy lần gọi điện thoại đến Đại sứ quán và được các cán bộ ở đây chuyển lời của Công an Việt Nam giải thích, vận động, Kim Song-gon đã ra đầu thú. Khi đưa Kim Song-gon ra sân bay, các cán bộ Công an dẫn giải về phía Việt Nam đã không còng tay anh ta ra sân bay. Cảm động, Kim Song-gon bày tỏ sự biết ơn đối với Công an Việt Nam vì đã đối xử với anh ta, dù đang là tội phạm bị truy nã quốc tế, bằng sự khoan hồng, nhân đạo nhất

Hoà Giang
.
.