Ươm mầm xanh cho người lầm lỗi

Thứ Hai, 29/12/2008, 15:04
Chúng tôi đến Trại giam Xuân Lộc, một đơn vị thuộc Cục Quản lý trại giam - cơ sở giáo dục - trường giáo dưỡng (Bộ Công an) trong không khí phấn khởi đón chào quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá, tha thù trước thời hạn nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu - 2009. Giám thị Nguyễn Trung Binh cho biết: "Từ nhiều tháng nay, cán bộ, chiến sĩ thì thi đua học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND; trại viên thi đua lao động, cải tạo tiến bộ để sớm được hòa nhập cộng đồng…".

Nhìn khung cảnh ấy, ai cũng vui và đều quên đi nỗi nhọc nhằn sau một ngày lao động vất vả. Tuy vậy, trong ánh mắt mỗi phạm nhân đều ẩn chứa sâu nặng "tình đất, tình người" nơi đây và tựu trung lại là người ta đều cố quên đi cái quá khứ tội lỗi. Thu hẹp khoảng cách giữa "đen" và "trắng", để phần "trắng xóa dần vết đen" mới biết con người đã phải vật lộn giữa "tội và tình".

Phạm nhân Nguyễn Thị T., quê Nghệ An bị án phạt 15 năm tù giam về tội vận chuyển, tàng trữ, buôn bán các chất ma túy, hiện được giao làm tổ trưởng tổ tự quản phân trại 1, xúc động khi nghe đài truyền thanh của Trại thông báo quyết định của Chủ tịch nước. Trong ánh mắt của phạm nhân này chứa đựng cả niềm vui, nỗi buồn. Vui vì có thể mình được xét đặc xá bởi chị đã có hơn 2/3 thời gian thụ án và hầu như năm nào cũng được bình bầu loại khá. Nhưng nỗi trăn trở của chị là khi được đặc xá, trở về gia đình, làng xóm liệu có ai chấp nhận khi trong dân còn có người, xa lánh.

Như  đọc được ánh mắt của người trại viên, Thiếu tá Thái Duy Hồng, Phó Giám thị Trại nói chắc như đinh đóng cột, đã vượt lên bao khó khăn, trở ngại để phạm nhân của mình yên lòng: "Dù sống ở đâu, trong hoàn cảnh nào hãy cứ làm tròn nghĩa vụ công dân của mình".

Nói là vậy, nhưng để có được niềm tin yêu của trại viên "người mang tội" đều có điểm xuất phát từ "tình" bởi tấm lòng của những cán bộ, quản giáo của trại. Lo cho trại viên khỏe mạnh, yên tâm cải tạo được coi như nghĩa vụ của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nơi đây, nhưng ai đó có hiểu rằng, chính gia đình những người cán bộ ấy.

Còn nhớ những ngày đầu miền Nam mới được giải phóng, mảnh đất của Trại hôm nay hoang tàn, đầy bom đạn địch. Nhiều cán bộ, chiến sĩ tuổi đời còn phơi phới, nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Ngành đến đây khai hoang, lập địa. Nhiều trại viên ngày ấy do cải tạo tiến bộ đã trở về cộng đồng và không ít người đã thành đạt trong cuộc sống.

Những cán bộ như anh Binh, anh Hồng và hàng trăm cán bộ ở nhiều miền quê khác nhau vẫn kiên cường "bám trụ" nơi này. Người làm tốt công tác "tư tưởng" với người thân có khi kéo cả gia đình vào đây lập nghiệp. Bữa ăn tối khi tụ hội gia đình người giọng Bắc, rồi Trung, Nam có cả. Mới vào nghe thấy lạ, lâu rồi trở thành quen.

Còn về phạm nhân, có hơn 4.500 trại viên hiện đang thụ án nơi đây với đủ tính chất, mức độ phạm tội. Vào trại, được học tập, cải tạo, đa số họ không những nâng cao được nhận thức pháp luật mà điều quan trọng hơn là đã trở thành người hữu ích. Niềm vui đó như một điều thường trực trong tâm can người chiến sĩ, còn nỗi buồn của họ chắc không thể đo đếm được.

Ngay Giám thị Nguyễn Trung Binh, người tóc đã bạc nửa đầu, chiến trường "B, C, K" từng trải thức trắng đêm với cánh nhà báo, anh tâm sự: "Lại lo ngày mai, liệu trong số những trại viên hôm nay ra trại có ai đó phải quay trở lại, rồi cúi mặt khi gặp cán bộ, hay không. Nếu thế thì buồn lắm". Như đọc được ý nghĩ đó, tôi hỏi:

- Có kỷ niệm nào mà anh nhớ đời không ?

- Có chứ. Anh Nguyễn Trung Binh kể: "Lúc tôi còn là Phó Giám thị, phụ trách một phân trại, có trại viên Nguyễn Văn L., ở TP Hồ Chí Minh khi mới nhập trại thường hay chống đối, Hội đồng cán bộ đã phải dùng mọi biện pháp giáo dục. Khi tiến bộ, được đặc xá, trước khi ra về mặc dù đêm đã khuya nhưng ông L. vẫn gõ cửa xin gặp và để lại một bức tâm thư khá dài trong đó có nhiều nội dung, nhưng về cơ bản là tỏ lòng cảm ơn cán bộ đã nghiêm khắc với ông ta, Không những thế, ông L. còn có nhiều ý kiến đóng góp trong quản lý những phạm nhân "đặc thù" cho trại. Hiện ông L. đang phụ trách một doanh nghiệp có tiếng ở TP Hồ Chí Minh".

Và còn biết bao con người đã vươn lên từ lầm lỗi mà anh không thể nhớ hết… Nhờ ý thức tự giác cải tạo, trại viên đã cung cấp nhiều nguồn tin giúp đơn vị ngăn chặn nhiều vụ có ý định tổ chức trốn trại và phục vụ công tác đấu tranh chống tội phạm.

Trước giờ đặc xá ở trại giam Xuân Lộc.

Năm qua, Trại giam Xuân Lộc đã không ngừng đổi mới các biện pháp công tác như việc phối hợp với gia đình, người thân phạm nhân công tác quản lý, giáo dục, cải tạo; tăng cường dạy nghề đi đôi với coi trọng giáo dục chính sách, pháp luật, đạo đức; quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho trại viên. Nhờ đó mà tỷ lệ phạm nhân cải tạo hằng năm luôn đạt loại khá từ hơn 80% trở lên.

Với kết quả đạt được, năm 2008, Trại giam Xuân Lộc được đề nghị tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc của Bộ Công an. Và chính điều này những cán bộ, chiến sĩ Trại giam Xuân Lộc đang ươm mầm xanh cuộc sống cho những người lầm lỗi

Đức Thực
.
.