Ứng xử chuẩn mực với người vi phạm Luật Giao thông

Chủ Nhật, 11/09/2011, 10:37
CSGT gặp phải khá nhiều phản ứng của người dân, đặc biệt là người vi phạm đã sử dụng rượu bia. Có trường hợp người vi phạm đã say mèm, không đủ khả năng thổi vào công cụ đo nồng độ cồn, có trường hợp phản ứng dữ dội… Trước các tình huống ấy, các anh phải ứng xử khéo léo để tránh nảy sinh phức tạp, vừa kiên quyết xử lý vi phạm.

Đi trên đường phố Hà Nội những ngày tháng 9, người tham gia giao thông sẽ nhìn thấy nhiều tổ tuần tra kiểm soát (TTKS) của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến lỗi dừng đỗ xe sai quy định, điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép… Trong tháng cao điểm xử lý vi phạm về giao thông này, có hàng chục, hàng trăm kiểu phản ứng của người vi phạm đối với người xử lý. CSGT phải có văn hóa ứng xử như thế nào để vừa thuận tình người vi phạm, vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật?

Vừa xử lý, vừa tuyên truyền để người dân hiểu luật

Sáng 8/9, chúng tôi theo tổ TTKS xử lý vi phạm dừng đỗ trên các tuyến đường của Đại úy Nguyễn Hà Hải thuộc Đội CSGT số 4, Công an thành phố Hà Nội. 10h, Tổ TTKS đi từ phố Bà Triệu rẽ sang phố Thái Phiên. Ngay đầu phố, một chiếc xe ôtô BKS 80NN - 50670 dừng bên trái đường, chiếm một phần vạch sơn dành đường cho người đi bộ. Đại úy Hải cùng Thiếu úy Nguyễn Mạnh Tuân, Trung úy Nguyễn Ngọc Huân dừng xe xử lý. Sau động tác chào, các anh đề nghị chủ xe cho kiểm tra giấy tờ và thông báo lỗi vi phạm. Lái xe là anh Đặng Quang Phi đã cung cấp đầy đủ giấy tờ, chấp hành nghiêm túc quyết định xử phạt của tổ công tác.

Khi nói chuyện với chúng tôi về thái độ ứng xử của các CSGT khi làm nhiệm vụ, anh Phi vẫn thể hiện sự thoải mái chứ không tỏ ra khó chịu: "Tôi vi phạm thì phải chấp nhận xử phạt thôi. Các anh CSGT làm đúng và không có gì phải phàn nàn cả". Với lỗi vi phạm dừng đỗ này, anh Phi bị xử phạt mức 800.000đ.

Xử lý vi phạm dừng đỗ xe.

Rời phố Thái Phiên, chúng tôi theo Tổ TTKS rẽ sang phố Huế. Dù đã gần 11h, nhưng dòng xe cộ vẫn lưu thông chật kín con phố một chiều. Phía bên trái đường, trước cửa hàng số nhà 232, chiếc xe ôtô BKS 30L-3624 đang đỗ, đèn xi nhan vẫn nhấp nháy nhưng lái xe thì không có ở trong. Một đồng chí trong tổ công tác vào cửa hàng hỏi lái xe. Một cô gái bên trong cửa hàng ra gặp tổ công tác và nói sẽ gọi lái xe về. Sau cuộc điện thoại của cô gái, tổ công tác đứng chờ đợi giữa cái nóng ngột ngạt. 15 phút sau các anh vẫn kiên nhẫn đứng chờ. Trong khi đó, cô gái kia còn tỏ rõ sự sốt ruột hơn hẳn những người đi xử lý vi phạm. Thời gian chờ đợi lái xe, chúng tôi được nghe tâm sự của các chiến sỹ CSGT về công việc của các anh ngay tại vỉa hè phố Huế.

Thiếu úy Nguyễn Mạnh Tuân cho biết, ca làm việc buổi sáng của tổ công tác bắt đầu từ 5h45' điểm danh tại đơn vị, 6h30' lên đường đi TTKS xử lý vi phạm.

Khi chúng tôi đặt tình huống về phản ứng của người vi phạm khi bị CSGT xử lý thì Đại úy Nguyễn Hà Hải cũng cho biết, thời gian vừa qua những đối tượng chống người thi hành công vụ bị xử lý nghiêm khắc cũng đã có sức mạnh răn đe nên thái độ ứng xử của người vi phạm có nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân cũng tăng lên nên hầu hết người vi phạm đều nghiêm chỉnh chấp hành xử lý của lực lượng CSGT. Đại úy Hải tâm sự, có lúc, công việc xử lý xe dừng đỗ cũng mắc phải khó khăn. Có trường hợp chờ mãi không thấy lái xe xuất hiện tại nơi đỗ xe vi phạm, các anh phải hì hục cẩu xe lên ôtô chuyên dụng. Để đưa xe lên ôtô về trụ sở, lực lượng CSGT phải tìm người làm chứng và những thủ tục khác. Thế nhưng, khi vừa đưa xe lên ôtô xong thì người lái xe xuất hiện, chấp hành thủ tục xử lý. Các anh lại vất vả đưa xe từ ôtô chuyên dụng xuống. Những lúc này đòi hỏi các anh phải có tính kiên trì, nhẫn nại.

11h, trước cửa văn phòng giao dịch của Ngân hàng VIB 76 phố Huế, xe ôtô BKS 29Z-0793 dừng xe bên trái đường một chiều, dừng xe trên vạch sơn phần đường cho người đi bộ. Người lái xe trình bày với tổ công tác rằng anh chỉ đỗ trong thời gian ngắn, đang chuẩn bị đi… Nhưng tổ công tác kiên quyết lập biên bản xử lý. Thấy tình huống như vậy, có người dân thắc mắc: "Người ta chỉ đỗ một chút thôi, các anh không nên xử phạt vì ở đây cũng không có chỗ đỗ xe…". Mới nghe thì cũng có vẻ như thắc mắc này là đúng. Nếu bỏ qua lỗi vi phạm này nghe chừng cũng hợp tình, hợp lý. Nhưng Thiếu úy Tuân đã giải thích cho người dân về thắc mắc này: "Đối với đường một chiều, lái xe có thể tạm dừng, đỗ phía bên phải đường chứ tuyệt đối không được dừng bên trái. Đó là quy định để đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên đường".

Quan sát trên đường phố, chúng tôi cũng thấy rõ, nếu phía bên trái đường một chiều có một chiếc ôtô dừng đỗ thì tại điểm đó không thể tránh khỏi cảnh phương tiện ùn tắc. Vậy là, không chỉ làm nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông, các chiến sỹ CSGT còn tuyên truyền Luật Giao thông ngay tại hiện trường, giúp người dân hiểu quy định của luật pháp, đồng thời cũng hiểu được phần nào công việc của lực lượng CSGT, từ đó tác động đến ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của mỗi người dân.

Kiên quyết xử lý vi phạm là ứng xử có văn hóa

13h. Trời nắng như đổ lửa xuống mặt đường. Trung tá Lê Văn Tiến, Đại úy Vũ Danh Viễn, Thiếu úy Nguyễn Minh Thắng (Đội CSGT số 4, Công an TP Hà Nội) TTKS xử lý vi phạm điều khiển ôtô, môtô có nồng độ cồn đứng đội nắng trên đường Trần Nhân Tông. Nghi ngờ một lái xe có sử dụng rượu bia đi từ quán bia giáp Rạp xiếc Trung ương đi ra, tổ công tác yêu cầu lái xe kiểm tra nồng độ cồn. Người lái xe giải thích: "Vì lái xe nên tôi không sử dụng bia rượu. Với lại tôi nghe tuyên truyền rằng lực lượng CSGT sẽ kiểm tra gắt gao nên tôi cũng không uống". Nói xong anh cũng được một CSGT giải thích nhẹ nhàng: "Máy đo sẽ trả lời cho anh". Sau khi kiểm tra, tổ công tác xác định người lái xe này không sử dụng rượu bia nên cảm ơn anh đã hợp tác và để anh đi ngay. Tuy nhiên, đúng lúc đó người đi trên chiếc xe ôtô cùng người lái xe kia tỏ thái độ khó chịu, mặt hằm hằm, buông câu: "Vớ vẩn". Các chiến sỹ CSGT im lặng… Chúng tôi bất ngờ…

Công an Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn...

Đại úy Vũ Danh Viễn cho biết, quá trình công tác, các anh gặp phải khá nhiều phản ứng của người dân, đặc biệt là người vi phạm đã sử dụng rượu bia. Có trường hợp người vi phạm đã say mèm, không đủ khả năng thổi vào công cụ đo nồng độ cồn, có trường hợp phản ứng dữ dội… Trước các tình huống ấy, các anh phải ứng xử khéo léo để tránh nảy sinh phức tạp, vừa kiên quyết xử lý vi phạm.

13h30', một thanh niên điều khiển xe máy có biểu hiện sử dụng rượu bia đang đi trên đường Lê Duẩn được yêu cầu thử nồng độ cồn. Anh này giải thích: "Cháu vừa đi dự đám cưới bạn, uống có 1 cốc bia thôi". Một đồng chí CSGT hướng dẫn cách thổi vào máy đo nhưng anh này không làm theo đúng hướng dẫn, phải thổi đi thổi lại. Cuối cùng thì máy hiển thị số 0,381mg/l khí thở. Trong khi đó, nồng độ cồn quy định ở mức 0,25mg/l - 0,4mg/l khí thở là bị xử lý với mức phạt là 300.000 đồng. Các đồng chí CSGT cho biết, khi kiểm tra, người vi phạm đều nói rằng họ uống ít hoặc cố tình thổi nhẹ để máy đo không phát hiện được, gây khó khăn cho người thi hành công vụ. Dù vậy, dù người vi phạm có bao biện thì máy đo nồng độ cồn cũng không giúp họ nói dối được.

14h, một người đàn ông mặt đỏ gay điều khiển xe máy BKS 29H4-2097 trên đường Giải Phóng được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Nồng độ cồn đo được lúc này khá cao, vượt quá quy định 0,322mg/l khí thở. Tổ công tác lập biên bản xử phạt. Một người khác thì có nồng độ cồn ở dưới mức xử phạt nhưng thiếu giấy tờ xe, được tổ công tác cho thời gian gọi người nhà mang giấy tờ xe đến… Cách xưng hô thân thiện như: ông, anh… cùng với thái độ làm việc kiên quyết của tổ CSGT đã có hiệu quả cao. Trung tá Lê Văn Tiến cho biết, qua công tác TTKS xử lý vi phạm trên về rượu bia, số người vi phạm đã giảm đáng kể.

...và có kết quả khách quan đo bằng máy.

Giữa trưa nắng oi bức, mồ hôi của các chiến sỹ CSGT đang làm nhiệm vụ thấm ướt lưng áo, làn da đen sạm. Môi trường làm việc khắc nghiệt, va chạm trực tiếp đến quyền lợi của người vi phạm nhưng các anh vẫn phải có thái độ ứng xử văn hóa với nhân dân. Khi người dân đòi hỏi thái độ ứng xử có văn hóa với tinh thần vì nhân dân phục vụ của các chiến sỹ Công an thì chính người dân cũng phải có cách ứng xử văn hóa với lực lượng thi hành nhiệm vụ. Chiến sỹ CSGT kiên quyết xử lý vi phạm cũng chính là một cách ứng xử có văn hóa, xử lý một người để vì mọi người, vì sự an toàn giao thông của toàn xã hội

Hà Hồng
.
.