Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Tuyên huấn T4 - "Mặt trận không tiếng súng" trong Chiến dịch Mậu Thân

Thứ Ba, 06/02/2018, 08:45
Điều gì sẽ xảy ra nếu “Lời kêu gọi” của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được phát trên tần số của Đài phát thanh Sài Gòn rạng sáng mùng Hai Tết Mậu Thân 1968? Không ai có thể biết được nhưng chắc chắn sẽ là một tiếng vang rất lớn trong thời khắc lịch sử đó.

Để chuẩn bị cho thời khắc lịch sử, lực lượng An ninh T4 đã chuẩn bị sẵn sàng. Đáng tiếc, khi đó lực lượng ta còn mỏng, lại bị chia cắt nên cánh tuyên huấn đã không thể tiếp cận Đài phát thanh Sài Gòn. 

“Lời kêu gọi chưa kịp phát sóng”

Theo lời kể của nhà báo Hồng Điểu (tức ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh), Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định (Tuyên huấn T4) khoảng cuối năm 1965 tiếp tục phải đi vào hoạt động bí mật để khắc phục những tổn thất của năm 1964, khôi phục lực lượng vũ trang - tuyên truyền nội thành, xây dựng nhà in, dưới hình thức hoạt động công khai (kinh doanh ban ngày; ban đêm thì in tài liệu cho cách mạng)…

Đầu năm 1967, chúng tôi được "mật lệnh" chuẩn bị lực lượng tiến công Sài Gòn. Chỉ còn có ngày mồng Một Tết để vừa huy động lực lượng chiếm lĩnh, vừa bố trí in ấn, phát hành tờ báo, vừa chuẩn bị máy ghi âm và loa tay. Điều khó nhất là tìm chỗ gần ngã tư Phan Đình Phùng – Đinh Tiên Hoàng để ém lực lượng cốt cán Tuyên huấn T4. Cánh chị Hai Hà, anh Mười Ngà, anh Sáu Luân bố trí được cả một xe vận tải nhỏ hiệu Peugeot và hơn 30 người ở khu vực gần điểm.

Cánh anh Hai Vĩnh đã bố trí được bộ phận loa, máy ghi âm, phát thanh… Tổ trung tâm gồm anh Năm Quảng (phụ trách), anh Hai Vĩnh và tôi cùng hai thanh niên “ém quân” trên gác nhà số 3 Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu) với máy ghi âm, sẵn sàng thu “Lời kêu gọi” của Mặt trận. Nội dung được anh Năm Quảng thuộc lòng chứ không được in ra giấy, đề phòng bị lộ, để đưa vào Đài phát thanh phát đúng thời điểm. Khi đó mũi tiến công vũ trang được giao cho Đội 4 Biệt động, do đồng chí Nguyễn Văn Tăng (Tư Tăng) phụ trách.

Trước giờ nổ súng một giờ (2h sáng giờ Sài Gòn), anh Năm Quảng bắt đầu đọc: “Hỡi đồng bào! Đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam…". Đêm khuya thanh vắng tiếng đọc lời hiệu triệu của anh Năm Quảng nghe rõ mồn một. Anh Hai Vĩnh tái mặt nói: "Như thế này sẽ lộ mất! Lộ điểm của mình trước giờ nổ súng thì rất nguy hiểm. Thôi hãy đến đúng giờ rồi sẽ đọc, cập rập xíu nhưng bảo đảm được bí mật giờ G cho lực lượng biệt động".

Đúng 3h sáng, một tiếng nổ “ầm!”, rồi tiếp theo là hàng loạt tiểu liên, bộc phá rền vang ở hướng Đài phát thanh. Chúng tôi cho máy ghi âm chạy, thu bài hiệu triệu do anh Năm Quảng đọc. Bấy giờ, tiếng anh Năm đọc sang sảng trong tiếng súng rộ bốn bề. Ghi âm xong bài hiệu triệu, chúng tôi chuẩn bị ra ngoài thì một chiếc xe bọc thép của Mỹ đỗ xịch ngay trước cửa nhà. Từ trên gác nhìn xuống, chúng tôi thấy hàng lính Mỹ-quân Sài Gòn dày đặc, xe quân sự rú vang. Cả khu vực bị bao vây.

Ngồi trên gác với tất cả “đồ nghề Tuyên huấn”, lòng chúng tôi như lửa đốt. Khi trời sáng, biết là cuộc đánh chiếm Đài phát thanh không thành. Vấn đề rút lui khỏi địa điểm giờ mới là gian nan. Làm thế nào mang theo được đống đồ đạc kềnh càng đó cùng với 5 Việt cộng (là chúng tôi) ra khỏi vòng vây? Còn đang băn khoăn thì bác Tư chủ nhà bảo: “Mấy chú cứ đi ra tay không, giữ thế hợp pháp đi lẫn cùng đồng bào đang chạy vào trung tâm thành phố. Đồ đạc để đây tôi lo".

 Trầm ngâm nghĩ lại những giờ phút sinh tử mà vẫn còn nóng hổi niềm vinh dự của nhiệm vụ được giao khi ấy, ông Xuất kể: “Nhà phân tích Don Oberdorfer- phóng viên ngoại giao của tờ Washington Post đã viết lời nhận xét trong một bài báo thời đó như sau: "Trận tấn công  được tổ chức tốt nhất ở trung tâm thành phố là trận đánh đài phát thanh, một cơ sở hết sức quan trọng trong bất cứ cuộc nổi dậy nào!. Nếu Việt Cộng có thể phát trên làn sóng Đài phát thanh Sài Gòn, tuyên bố chính phủ và thành phố đã nằm trong tay họ và cuộc Tổng khởi nghĩa đã bắt đầu… thì cuộc tấn công TẾT ở Sài Gòn đã khác. Cộng sản có thể làm tan rã chính phủ Sài Gòn và lực lượng quân sự của nó. Điều đó có thể đã kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương".

“Cờ Giải phóng” giữa Sài Gòn

Gần đến chiến dịch Mậu Thân 1968, cánh Tuyên huấn T4 đã tổ chức được bộ phận in ở sát chợ Bà Chiểu và hình thành lưới phát hành trong nội thành. Còn “tòa soạn” thì đặt ở tại nhà anh Sáu Thứ, trong khu lao động được mệnh danh là “Xóm nước đen” gần Cầu Bông, bắc qua rạch Thị Nghè.

Vào tối 30 Tết Mậu Thân 1968, Ban Tuyên huấn được chỉ đạo của cấp trên: “Phải in tờ “Cờ Giải phóng” trong đêm mùng Một Tết và phát hành rộng rãi sáng mồng Hai Tết khi lực lượng vũ trang của ta đã chiếm lĩnh các cửa ngõ vào Sài Gòn.

Thế nhưng để đảm bảo tuyệt đối bí mật về ngày giờ nổ súng, bài báo được niêm phong, chỉ đưa cho cán bộ phụ trách lúc 5h chiều mồng Một Tết, và cán bộ nhà in chỉ được mở ra vào đúng 12h đêm – trước 3 tiếng đồng hồ giờ nổ súng.

Thời gian đã quá gấp. Bộ phận in ấn tờ báo Cờ Giải phóng cũng phải tiến hành rất tinh vi, khẩn trương. Tôi hẹn anh Tư Cao và anh Năm Lăng đến rạp Casino Đa Kao (nay là rạp Cầu Bông) xem chiếu bóng vào 10h tối mùng Một Tết để giao bài báo duy nhất cho số báo “Cờ Giải phóng” ra sáng mồng Hai Tết. Chúng tôi cùng lấy vé vào xem suất cuối cùng, cho đến hơn 23h mới chia tay…

Trong đêm mồng Một Tết Mậu Thân, Báo “Cờ Giải phóng” đã in xong, đúng kế hoạch. Sáng mồng Hai, anh Tư Cao đem đến cho tôi một bó thật to, nghi trang là một cuộn vải lớn. Tôi khấp khởi mừng… Mở ra xem lại thì tôi “tá hỏa”: Thật ra tài liệu niêm phong đưa cho tôi chỉ là một “tài liệu mẫu” để cho các địa phương khác nhau sử dụng, cho nên những chỗ “tên địa phương” đều bỏ trống và có mở dấu ngoặc dặn thêm: “Điền tên địa phương sử dụng vào chỗ này”. Anh em nhà in cứ nguyên văn như thế mà xếp chữ. Tôi choáng người! Mải lo chuyện bố trí, phối hợp lực lượng các cánh trong tấn công Đài phát thanh mà bỏ qua khâu morat xem lại bài vở.

Tất nhiên là phải hủy bỏ toàn bộ số báo này, nhưng hủy bỏ bằng cách nào? Đem đốt thì sẽ có một khối luợng lửa khói rất lớn xuất hiện trong xóm nhà lá ở khu lao động, quá nguy hiểm và không thể làm được, còn đem đi hủy ở chỗ khác cũng vô cùng khó vì một đống tài liệu không dễ dàng đi qua những vùng mà địch đang ngăn chặn, cô lập từng khu phố, lục soát từng người qua lại kĩ càng, nhất là vùng nghi có quân ta chiếm lĩnh. Nhấn chìm số báo xuống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là sáng kiến của anh Sáu Thứ đã kịp loé lên trong đầu khi ấy. Vậy là hàng chục ký lô báo in hỏng đã được huỷ bí mật như vậy.

Các số sau của Báo “Cờ Giải phóng” được biên tập, in ấn và phát hành tốt hơn; tức là vừa được phát thanh đọc chậm, vừa được in ở vùng giải phóng và nhất là được in ngay trong nội thành. Đặc biệt trong chiến dịch Mậu Thân, “Cờ Giải phóng” in trong nội thành đã đưa tin sớm nhất về sự kiện trực thăng Mỹ đã “bắn lầm” vào bộ chỉ huy quân đội Sài Gòn, lúc chúng đang hành quân ở khu vực trường Phước Đức, số 266 đường Khổng Tử (nay là đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5), làm chết và bị thương nhiều sĩ quan, trong đó có Đại tá Văn Văn Của - Đô trưởng Sài Gòn (dư luận cho là Nguyễn Văn Thiệu muốn diệt phe cánh của Nguyễn Cao Kỳ đang hành quân tại đây).

H.Nga
.
.