Giao lưu nghệ thuật “Tiếp bước lửa anh hùng”:

Tự hào truyền thống hào hùng, vẻ vang của các thế hệ CAND Việt Nam

Chủ Nhật, 19/05/2013, 23:27
Chương trình Tiếp bước lửa anh hùng” đã diễn ra tại Hà Nội, tối 18/5 tuyên dương, ghi nhận, động viên và cổ vũ thành tích xuất sắc của đoàn viên thanh niên toàn lực lượng CAND trong thực hiện phong trào “Thanh niên CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy – Xung kích, sáng tạo, tình nguyện, lập công vì An ninh Tổ quốc”, giai đoạn 5 năm, 2008 – 2013.

“Cha tôi hy sinh là mất mát to lớn của gia đình nhưng chúng tôi cũng tự hào vì sự hy sinh đó góp phần bảo đảm an ninh trật tự, vì bình yên của nhân dân. Bản thân tôi luôn nguyện sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, cho dù phải hy sinh...”, tiếp nối bước chân của người cha anh hùng Đại tá – liệt sỹ Hà Thái Yềm, Đại úy Hà Tiến Dũng khẳng định như vậy tại chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt mang chủ đề “Tiếp bước lửa anh hùng” đã diễn ra tại Hà Nội, tối 18/5.

Chương trình là dịp để tuổi trẻ CAND ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, vẻ vang của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ CAND Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử của đất nước; đồng thời tuyên dương, ghi nhận, động viên và cổ vũ thành tích xuất sắc của đoàn viên thanh niên toàn lực lượng CAND trong thực hiện phong trào “Thanh niên CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy – Xung kích, sáng tạo, tình nguyện, lập công vì An ninh Tổ quốc”, giai đoạn 5 năm, 2008 – 2013. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an Trung tướng Bùi Quang Bền, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tham dự buổi giao lưu.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao tặng tuổi trẻ CAND cờ mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Xuân.

Bên cạnh những phần biểu diễn nghệ thuật đặc sắc ca ngợi người chiến sỹ CAND, khán giả được giao lưu với nhân vật lịch sử đặc biệt - bác Trần Đình Côn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, lão thành cách mạng, một trong những cán bộ Công an dự “kiểm thảo” 6 điều Bác Hồ dạy tại Rừng Thông (Đông Sơn, Thanh Hóa) năm 1948. Bồi hồi nhớ lại cảm xúc vui mừng khi lần đầu tiên được học tập 6 điều Bác Hồ dạy, bác Côn xúc động cho biết: “Lần đầu tiên được học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp bước trong cuộc hành trình. Tôi thấm thía nhất điều 4, “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép” vì trong 30 năm chiến tranh, nếu không có nhân dân đùm bọc thì chúng tôi không thể có ngày hôm nay, tôi luôn xác định quan điểm lấy dân làm gốc trong mọi mặt công tác Công an, có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả”.

Là cán bộ thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân, ở một địa bàn vùng dân tộc khá phức tạp, Đại úy Lầu A Chứ, cán bộ Phòng PA88 Công an tỉnh Điện Biên đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của mình để đảm bảo an ninh chính trị ở cơ sở: “Trước hết, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, xác định công tác cơ sở là nhiệm vụ chính trị quan trọng để phấn đấu và khẳng định mình. Điện Biên là địa bàn mà dân tộc Mông chiếm đa số, các đối tượng lợi dụng hoạt động tôn giáo trái phép, bản thân cán bộ phải hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước và có phương thức tuyên truyền phù hợp, “3 cùng” với nhân dân để phân tích cho người dân hiểu. Ngoài ra cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trước các vấn đề, làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo để kịp thời có hướng xử lý...”.

Sinh năm 1984, là Đội phó Đội Điều tra trọng án 1, Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội, Thượng úy Nguyễn Quốc Việt trải lòng về đặc thù công việc cũng như khẳng định trách nhiệm của bản thân trước nhiệm vụ công tác được giao. Bản thân làm việc trong một đơn vị chiến đấu trực tiếp phòng chống tội phạm hình sự, theo anh, do đặc thù Hà Nội là trung tâm kinh tế chính trị xã hội của đất nước, địa giới hành chính rộng, nhiều thành phần xã hội, nhiều cơ quan tổ chức... nên hành vi vi phạm nhiều hơn, tính chất mức độ thường xuyên hơn. “Tuy nhiên chúng tôi không coi đó là khó khăn đặc thù, mà luôn xác định rõ trách nhiệm của mình, cố gắng khắc phục và hoàn thành tốt nhiệm vụ” -  Thượng úy Nguyễn Quốc Việt tâm sự.

Dấu lặng của chương trình là phóng sự ngắn nói về sự mất mát, hy sinh thầm lặng của những đoàn viên thanh niên CAND đã không quản ngại khó khăn gian khổ, kiên quyết tấn công truy quét các đối tượng tội phạm, đấu tranh loại trừ cái ác ra khỏi đời sống xã hội và hy sinh anh dũng. Từ phía hàng ghế khán giả, cô Nguyễn Thị Hà, mẹ liệt sỹ Bùi Quốc Đại; đồng chí Hà Tiến Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Mai Châu, con trai đồng chí Đại tá – liệt sỹ Hà Thái Yềm và chị Hà Thị Thủy, vợ liệt sỹ Sùng A Trư nghẹn ngào nhắn gửi những thông điệp ý nghĩa đến tuổi trẻ CAND cả nước. Cả liệt sỹ Bùi Quốc Đại, liệt sỹ Hà Thái Yềm và liệt sỹ Sùng A Trư đều hy sinh trong vụ án bắt tên tội phạm ma túy Vàng A Khua ngày 5/2/2010 tại địa bàn xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Sự hy sinh của họ là minh chứng rõ ràng nhất về hình ảnh ngọn lửa anh hùng đã được chuyển giao qua nhiều thế hệ, ngọn lửa thiêng liêng luôn cháy sáng mãi của lực lượng CAND Việt Nam.

Để tuyên dương 171 cán bộ, đoàn viên thanh niên Công an xuất sắc tiêu biểu trong phong trào “Thanh niên CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy – Xung kích, sáng tạo, tình nguyện, lập công vì An ninh Tổ quốc”, tại đêm giao lưu nghệ thuật ý nghĩa này, Đại tướng Trần Đại Quang đã trao tặng tuổi trẻ CAND cờ mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, biểu thị quyết tâm của tuổi trẻ CAND trong học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy

Quỳnh Vinh – Trần Xuân
.
.