Giao lưu "Tiếp bước cha anh" với các vị Tướng, các Anh hùng lực lưọng CSND:

Truyền lửa bằng niềm tin sắt son

Thứ Bảy, 21/07/2012, 09:30
Ngồi trong các hàng ghế dành cho sinh viên Học viện CSND, tôi nhìn thấy nhiều em lau nước mắt. Sinh viên Công an vốn mạnh mẽ, ý chí nhưng lúc này tôi đã cảm nhận họ xúc động vô cùng khi được nghe đồng chí Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an tâm sự về “nghề Cảnh sát”, chia sẻ tất cả những trải nghiệm của mình...

Tối 19/7, gần một ngàn sinh viên của Học viện CSND đã có mặt tại hội trường lớn của Học viện chờ đợi giây phút được giao lưu với các vị tướng và các Anh hùng lực lượng vũ trang CAND nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND. Những câu chuyện về lòng nhân ái, những câu chuyện nghề đầy gian khổ hy sinh và cả những giây phút vào sinh ra tử nhưng lòng luôn sắt son một tình yêu Đảng, yêu ngành vẹn nguyên của những vị tướng đã thực sự gây xúc động mãnh liệt, là những bài học vô giá đối với các em sinh viên.

Mỗi bạn trẻ hãy nuôi một ước mơ, nhen lên một khát vọng

Tôi đã ngồi trong các hàng ghế dành cho các em sinh viên và đã nhìn thấy nhiều em lau nước mắt. Sinh viên Công an vốn mạnh mẽ, ý chí nhưng lúc này tôi đã cảm nhận họ xúc động vô cùng khi được nghe đồng chí Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an tâm sự về “nghề Cảnh sát”, chia sẻ tất cả những trải nghiệm của mình.

Thượng tướng xúc động nhớ lại những năm tháng mới gia nhập lực lượng Công an chiến đấu ở TP Đà Nẵng, lúc đó ông mới 14 tuổi. Nhưng giặc Mỹ đổ bộ đông kinh khủng, đến mức mà “bảy thằng Mỹ trên một gốc rạ”, bộ đội quân giải phóng chiến đấu suốt ngày đêm nhưng tổn thất hy sinh nhiều quá. Bản thân ông nghĩ “mình được trời che chở nên mới sống được”.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thiếu tướng Trương Hữu Quốc đang giao lưu với các bạn trẻ Học viện CSND.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm nghẹn ngào: “Chứng kiến đồng đội hy sinh, lòng tôi đau nhức, nhưng đau đớn nhất đối với chúng tôi và đồng bào, chiến sĩ miền Nam lúc đó là khi nghe tin Bác mất. Chúng tôi ôm nhau khóc, lòng buồn vô hạn và tự hỏi, rồi cuộc chiến sẽ đi đến đâu. Nhưng trong đau thương tột cùng đó, chúng tôi có một niềm tin vô cùng vào Chủ nghĩa xã hội, vào lí tưởng của Đảng, đã tạo một thế mới, tinh thần mới để chúng tôi vượt qua được gian khó, hiểm nghèo. Chúng tôi thiếu thốn về vật chất nhưng lòng tin thì vời vợi”.

Vị tướng đã kinh qua nhiều trận mạc gian khổ, đã quyết liệt chỉ đạo biết bao chuyên án lớn của lực lượng CSND thành công nhưng khi được hỏi, thế hệ trẻ hôm nay cần phải làm gì để tiếp bước cha anh, ông đã giản dị chia sẻ: “Các bạn cần phải làm gì ư, các thầy trong trường cũng đã bày cho rồi, còn tôi muốn nói thêm rằng: Hãy cố gắng phấn đấu, phấn đấu hết mình đi. Các bạn được học ở đây là một niềm tự hào cho gia đình, dòng tộc, phải học thật nghiêm túc để tôi luyện mình trong nhà trường. Đổ mồ hôi ở thao trường thì ra sa trường mới bớt đổ máu. Làm Cảnh sát vô cùng khó, vì động chạm với dân quá nhiều, bị chê nhiều lắm, làm tốt cũng bị chê, nhưng không được nản chí. Các bạn hãy học tốt đi, học liên tục. Bản thân tôi khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng, tôi đã làm tiến sĩ đâu. Học để sau này ra trường đủ lông đủ cánh lao vào cuộc chiến đấu mới, vừa để bảo vệ mình, vừa tấn công tội phạm. Và hãy nuôi một ước mơ đi, nhen lên một khát vọng, có thể mơ sau này mình cũng trở thành một vị tướng, hay một giáo sư…”.

Làm Cảnh sát cần có tình người, tình đời sâu đậm

Thiếu tướng Trương Hữu Quốc, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã nhận được tràng pháo tay của các bạn sinh viên khi ông chia sẻ, ông đã trải qua làm cán bộ an ninh, làm điệp báo, làm cán bộ Cảnh sát, nhưng ông thích nhất là được “thức cho dân ngủ ngon và gác cho dân vui chơi”.

Theo ông, đó cũng chính là bản chất và sự hy sinh thầm lặng của người chiến sỹ CSND trong thời bình này. Nhớ về một thời gian khó chiến đấu nơi thành cổ Quảng Trị hay vào giải phóng Thừa Thiên - Huế, cái chất uy phong lẫm liệt của một vị tướng đã ẩn sâu sau những cảm xúc trào dâng khi ông nhớ đến kỷ niệm bi hùng một thời hoa lửa: Có một đại đội trưởng nhận quân vào giải phóng, anh xin 17 người nhưng lại có 29 người tình nguyện đi. Đó là những thanh niên măng tơ, nhiều người còn chưa học hết phổ thông. Đại đội trưởng còn chưa biết hết mặt lính mới thì hôm sau 2/3 trong số họ đã hy sinh. “Sung sướng nhất là khi ta chiến thắng kẻ thù nhưng đau lòng vô hạn khi đồng đội ngã xuống, hy sinh nhiều quá” – Thiếu tướng Trương Hữu Quốc nghẹn ngào.

Ông còn tâm sự: Thời tôi làm Tổng Cục trưởng, tôi đi nhiều nước trên thế giới chỉ để nghiên cứu một việc là làm sao để CSGT không tiêu cực. Và tôi đúc kết có ba điều: phải giáo dục cho CBCS yêu ngành, yêu nghề; đảm bảo đời sống cho họ và làm sao để họ yêu Tổ quốc, yêu dân tộc mình. Nhưng quả thật, trong thời bình phấn đấu khó hơn nhiều”.

Trong buổi giao lưu với chủ đề “Tiếp bước cha anh” này, các bạn sinh viên đã gặp lại Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Duy Vực, nguyên Giám thị Trại giam Phú Sơn. Một bạn sinh viên đã đặt câu hỏi với ông: “Chúng tôi đang học chuyên ngành quản lí trại giam, nhưng thấy nghề này vất vả quá, công tác ở những nơi hẻo lánh, ít được tiếp xúc với bạn bè, người thân, nên nhiều sinh viên e dè khi chọn Cảnh sát trại giam. Vậy con đường đó theo ông có nên đi tiếp hay không?”.

Và câu trả lời thẳng thắn, nhưng là tất cả nỗi lòng sự trải nghiệm, tình yêu nghề của Đại tá Nguyễn Duy Vực đã khiến cả hội trường vỡ oà trong tiếng pháo tay: “Không có cái gì quý bằng cứu con người. Nếu bạn đến trại giam, bạn cứu được một con người thì bạn có hạnh phúc không? Đức Phật có dạy rằng, có xây hàng ngàn tầng thì cũng không cao cả bằng cứu một con người, nhất là con người đã một thời lầm lỗi. Làm nghề này ngoài việc quản lí đúng chính sách, đúng pháp luật, thì rất cần phải ứng xử có văn hoá. Chỉ có tình đời, tình người sâu đậm mới cảm hoá được những người lầm lỗi. Đó chính là bản chất tốt đẹp, là niềm vui, lẽ sống của người chiến sỹ Cảnh sát trại giam”…

Thu Phương
.
.