Công an tỉnh Bắc Giang:

Truy bắt, vận động ra đầu thú nhiều đối tượng truy nã nguy hiểm

Chủ Nhật, 28/12/2014, 10:16
Thay đổi hình dạng, mang tên họ khác, những đối tượng trốn truy nã đặc biệt nguy hiểm thường sống ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng Công an.

Trong thời tiết giá lạnh của những ngày tháng 12 này, chúng tôi được tiếp xúc với các cán bộ của Đội truy bắt đối tượng truy nã hệ trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Bắc Giang khi họ vừa vượt hơn 1.000km để bắt đối tượng truy nã trở về, hoàn thành xuất sắc kế hoạch đặt ra.

Những đối tượng trốn truy nã đặc biệt nguy hiểm bỏ trốn lâu năm thường có vỏ bọc chắc chắn, sống công khai ở địa bàn, tạo được niềm tin của quần chúng cơ sở và người dân xung quanh. Chính vì vậy mà việc truy tìm thường gặp rất nhiều khó khăn. Có đối tượng mà trong quá trình xác minh hơn 10 năm vẫn không tìm ra tung tích, nhưng chỉ bằng một thông tin quý giá của quần chúng cung cấp khiến cho "nút thắt" vô hình đó đã được mở.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Xuân Phượng, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, vụ bắt đối tượng trốn truy nã đặc biệt Nguyễn Văn Phương trong năm 2014 là một vụ như vậy.

Cách đây 5 năm, Nguyễn Văn Phương, 31 tuổi, trú tại thôn Nghĩa Tiến, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã dùng súng K59 bắn chết người hàng xóm là anh Đặng Văn Tám. Sau khi gây án, Phương mang theo khẩu súng đó cùng nhiều đạn bỏ trốn khỏi địa phương. Lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang truy tìm hắn ở rất nhiều nơi nhưng không thấy tung tích và cuối cùng phải ra quyết định truy nã Phương trên toàn quốc. Trên cơ sở kết quả điều tra vụ án, thu thập nguồn tin về những nơi đối tượng có thể lẩn trốn, cơ quan điều tra xác định Phương là đối tượng đặc biệt nguy hiểm.

Với bản tính cực kỳ liều lĩnh và manh động, sẵn sàng sử dụng súng mang theo để gây án và tấn công lại lực lượng vây bắt, nên Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã phải lập án đấu tranh. Các cán bộ truy nã đã nhiều lần đến vận động gia đình đưa Phương ra đầu thú nhưng gia đình Phương một mực kêu "không biết Phương ở đâu". Phương trốn ở đâu là một ẩn số lớn với các trinh sát.

Họp bàn phương án truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm.

Mày mò tìm kiếm, tháng 6/2014, các trinh sát đã có manh mối nhiều khả năng hắn trốn vào TP Hồ Chí Minh. Với thông tin ít ỏi như vậy nhưng lại vô cùng quý giá với những cán bộ "tầm nã". Kế hoạch xác minh truy bắt đối tượng được triển khai thực hiện. Tổ công tác lên đường vào TP Hồ Chí Minh, suốt 2 ngày 2 đêm ròng rã kiên trì bám sát địa bàn và di biến động của đối tượng khắp các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, cuối cùng, tổ công tác phát hiện đối tượng dừng chân ở một nhà nghỉ tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

Với tinh thần trách nhiệm và sự mưu trí, dũng cảm, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, các trinh sát đã áp sát được đối tượng. Xác định trong người đối tượng luôn có súng và đạn, nên việc bắt giữ đối tượng được tính toán đúng thời điểm, phòng ngừa sự chống trả.

Chính bởi vậy mà khi các lực lượng gồm Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Bắc Giang, Cục A70 và Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP Hồ Chí Minh ập vào bắt gọn tên Phương thì hắn vô cùng bất ngờ. Khám người đối tượng, lực lượng chức năng thu được 1 khẩu súng K59, 2 hộp tiếp đạn, 16 viên đạn, 1 dao găm... Trong suốt thời gian bỏ trốn, Phương đều thay đổi kiểu tóc và quần áo để khi gặp người quen không bị nhận ra.

Thượng tá Nguyễn Xuân Phượng cho biết, có đối tượng trốn truy nã lâu năm khi đã tạo được vỏ bọc an toàn, lúc bị bắt, hàng xóm láng giềng, thậm chí người nhà đều hết sức ngỡ ngàng vì cho rằng tên tội phạm đó là người tốt. Thế nên, với nhiều đối tượng, các trinh sát lại áp dụng biện pháp vận động ra đầu thú.

Điển hình là tên Giáp Đức Trọng, 21 tuổi, trú tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang bị truy nã về tội cướp tài sản. Đây là đối tượng cực kỳ manh động, nguy hiểm. Các trinh sát đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ đi xác minh, truy bắt tại nhiều tỉnh nhưng không thành.

Gần đây, khi hay tin đối tượng trốn về gia đình, các trinh sát đã xuống tiếp cận mẹ của Trọng để động viên, tuyên truyền và phân tích về các chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội ra đầu thú. Sau vài tháng kiên trì, mẹ của Giáp Đức Trọng đã thấu hiểu và đưa con đến Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đầu thú.

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Phượng, năm 2014, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt và vận động được 42 đối tượng truy nã, xác lập 11 chuyên án truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm. Trong những ngày đầu triển khai kế hoạch năm 2015, đơn vị đã bắt và vận động được 9 đối tượng truy nã, trong đó có 2 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, 3 đối tượng trốn vào các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk và TP Hồ Chí Minh.

Điển hình là đã vận động được đối tượng Phạm Trọng Nam, kẻ trốn truy nã qua địa bàn các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn và đang chuẩn bị vượt biên sang Trung Quốc, ra đầu thú. Những ngày tháng 12/2014, 1 tổ công tác đã vượt hơn 1.000km lặn lội vào địa bàn các tỉnh phía Nam bắt 3 đối tượng truy nã, trong đó có kẻ lừa đảo chuyên nghiệp mà các trinh sát phải rất vất vả, kỳ công mới bắt được là Nguyễn Bá Dũng, lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh.

Hằng Hương
.
.