Trường Sa – Tình gần nơi đảo xa

Thứ Sáu, 17/06/2016, 10:00
Năm năm, hai chuyến công tác tới quần đảo Trường Sa của đoàn cán bộ, chiến sĩ Tổng cục Chính trị CAND đã khắc họa thẳm sâu trong tâm trí mỗi người về tình đất, tình người, về ý thức trách nhiệm chính trị trước chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, như nhận xét của Trung tướng Trần Bá Thiều: “Qua chuyến công tác, mỗi chúng ta đều nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, càng thấy rõ hơn trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm biển đảo của Tổ quốc”…

Dấu ấn chuyến công tác Trường Sa đầu tiên

Mùa hè 5 năm trước, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Tổng cục Chính trị CAND (khi đó là Tổng cục XDLL CAND), được sự đồng ý của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục XDLL CAND tổ chức đoàn đại biểu đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa.

Đây là chuyến thăm, làm việc chính thức đầu tiên của đoàn công tác Bộ Công an tới quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK I với sự tham gia của nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong CAND do đồng chí Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng làm Trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Cộng Hòa, Chuẩn đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân làm Phó trưởng đoàn.

Để thực hiện chuyến đi đặc biệt ý nghĩa này, đoàn công tác đã có sự chuẩn bị chu đáo về con người, phương tiện, kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Hải quân (Bộ Quốc phòng). Hưởng ứng hoạt động ý nghĩa hướng về Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Tổng cục và nhiều đơn vị thuộc Bộ đã dành khoản tiền trích từ tiền lương và phụ cấp quyên góp ủng hộ cán bộ, chiến sĩ công tác tại đảo. Nhiều phần quà có ý nghĩa cũng được cán bộ, chiến sĩ và học viên các trường CAND gửi tặng.

Con tàu Hải quân HQ 936 trở thành ngôi nhà chung của đoàn công tác suốt chặng hải trình tròn 10 ngày đêm trên vùng biển đảo Trường Sa và nhà giàn DK I. Những ngày ở xa đất liền, môi trường sống, làm việc cùng mục tiêu, chí hướng "vì Trường Sa thân yêu" đã khiến tất cả thành viên của đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ Hải quân, thủy thủ đoàn vừa giữ nghiêm tác phong, kỷ luật điều lệnh khi làm nhiệm vụ, lại vừa thể hiện đậm nét tình cảm đồng chí, đồng đội sâu sắc trong sinh hoạt, hỗ trợ công tác.

Đoàn công tác Tổng cục Chính trị CAND thăm, tặng quà bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa (tháng 4-2016). Ảnh: Phong Anh

Khoảng thời gian ấy trở nên nhanh hơn thường lệ và buổi chia tay, kết thúc chuyến công tác tổ chức ngay trên boong tàu với tâm trạng luyến lưu, xao xuyến nhớ. 10 ngày, chặng hải trình vượt hàng nghìn hải lý từ đất liền ra đảo, từ đảo nổi đến đảo chìm, rồi đến nhà giàn, nếu nói về điều kiện ăn nghỉ, mỗi người như sống lại thời học viên với giường tầng, chiếu cói.

Do điều kiện khó khăn, mỗi phòng ngủ trên tàu có hai giường tầng với bốn chỗ nhưng ban tổ chức phải bố trí thành 7-8 người (bốn ngủ ở giường, còn lại ngủ sàn). Nhưng điều đó không khiến ai băn khoăn. Chất lính, sự giản dị và đồng cam cộng khổ, đó là cơ sở để ngay cả những cán bộ cấp cao sinh hoạt trong cảnh đó cũng thấy ấm lòng.

Điều kiện sinh hoạt ấy hóa kỷ niệm thiêng liêng, là điều bình dị và những vần thơ ấm áp, lấp lánh sự lãng mạn ra đời. Buổi sáng, tiếng phát thanh "toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu" lúc 5h30 trở nên quen thuộc, tất thảy dậy làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng trên tàu và nhanh chóng xuống xuồng vào đảo. Để hiểu hơn cuộc sống, rèn luyện trên đảo của cán bộ, chiến sĩ, nhiều đêm đoàn công tác nghỉ tại đảo nổi, ngủ trên chính giường cá nhân mà người lính Hải quân vẫn sử dụng hằng ngày…

Trong thời gian nói trên, đoàn đã tới thăm, làm việc tại một số đảo nổi: Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Trường Sa; đảo chìm Đá Lớn, Đá Thị, Đá Tây; nhà giàn Huyền Trân, thuộc khu vực nhà giàn DK I. Với đảo chìm - nơi được xây bằng bê tông cốt thép trên nền san hô nên điều kiện sống khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Đảo Trường Sa, nơi được mệnh danh là "Thủ đô của huyện đảo Trường Sa", đảo nổi lên như một pháo đài sừng sững giữa biển Đông, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 254 hải lý.

Và chuyến hải trình lần thứ hai

Mùa hè này, đúng dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Tổng cục, đoàn công tác Tổng cục Chính trị CAND đến với Trường Sa lần thứ hai bằng tình cảm, trách nhiệm và niềm tin sâu sắc. Xuất phát từ cảng Cát Lái - TP Hồ Chí Minh, đoàn công tác do Thượng tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn; Trung tướng Nguyễn Xuân Mười và Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND làm Phó đoàn. Những ngày đầu biển động, thời tiết xấu, gần 200 thành viên nôn nao bởi những cơn say sóng cùng sự bức bí trong căn phòng nóng nực, 8 người chung nhau một chiếc quạt nhỏ.

Nhân lên niềm tin bảo vệ chủ quyền biển đảo

Tất cả những nơi đoàn đến đều được đón nhận những tình cảm nồng ấm và sâu sắc nhất của cán bộ, chiến sĩ và quân dân trên đảo. Chúng ta không thể nào quên hình ảnh những chiến sĩ trẻ chọn những bông hoa, những con ốc đảo, những cây bàng vuông đẹp nhất tặng các thành viên đoàn công tác. Mặc dù cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió vô cùng khó khăn, các chiến sĩ vẫn luôn kiên định vững vàng, tràn đầy niềm tin và luôn phát huy phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ. Chính tinh thần lạc quan, yêu đời và kỷ luật thép của những người lính đã nhân lên niềm tin trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. (Trung tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND)

Có những phòng bị sóng biển đánh thẳng vào cửa sổ thông hơi, nước tràn cả vào. Nhưng tình yêu với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, với những người lính Hải quân khiến chuyện sóng, chuyện gió trở nên giản đơn, chẳng làm ai quan ngại.

Khi nhìn thấy đảo Đá Lớn, điểm đến đầu tiên của chuyến hành trình, dường như mọi mỏi mệt cũng tan biến theo sóng biển. Dù không phải tất cả các thành viên trong đoàn đều được lên Đá Lớn do gặp lúc thuỷ triều rút nhưng ai cũng cảm nhận được ngọn lửa của chuyến đi đã bùng lên mạnh mẽ.

Và ngọn lửa đó đã được thể hiện ở điểm đến tiếp theo, đảo Sơn Ca. Tiếng hát của những người chiến sĩ Công an và lính đảo vang lên hoà cùng tiếng sóng, tiếng gió lần đầu tiên sau nhiều ngày chờ đợi.

Khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Công an và Quân đội

Đây là đoàn công tác đầu tiên của Bộ Công an tới Trường Sa, tham gia đoàn có nhiều tướng lĩnh, cán bộ cấp cao trong CAND, điều đó thể hiện tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của lực lượng Công an. Đến với Trường Sa, tôi nghĩ rằng mỗi người đều nhân lên niềm tin mãnh liệt, đó là niềm tin vào chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tin vào cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở hải đảo, tin vào bản lĩnh, ý chí và sức lực của chúng ta. Qua chuyến công tác càng khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Công an và Quân đội, trong đó có lực lượng Hải quân. (Đồng chí Nguyễn Cộng Hòa, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, nay là Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương).

Thời điểm đoàn công tác đến thăm quần đảo cũng là lúc các chiến sĩ Hải quân đang cấp tập chuẩn bị bầu cử Quốc hội khoá XIV. Ai cũng bận rộn nhưng nụ cười của những người lính trẻ vẫn thường trực trên môi khi gặp thành viên trong đoàn công tác. Giữa trưa hực nắng, đoàn vào thăm nơi ở của những chàng lính trẻ. Tất cả bật dậy với phản xạ rất nhanh.

Trong căn phòng nóng nực chỉ có vài cái quạt để bàn, mồ hôi chảy ròng. Người lính vội xoay quạt về phía đoàn công tác nhưng một cán bộ trong đoàn xua tay “chú cũng quen nắng nóng rồi, quạt để các cháu vừa đi trực về”... Có lẽ, ở nơi gian khó này, tình người, tình đồng chí, đồng đội đã vượt lên những khắc nghiệt của thời tiết.

Trong buổi nói chuyện, các chiến sĩ trẻ chia sẻ rằng, đã nhiều tháng nay Trường Sa không có mưa, anh em trên đảo triệt để tiết kiệm nước. Nước sinh hoạt được sẻ chia theo phần, chủ yếu anh em tắm nước biển rồi tráng lại một chút nước ngọt. Số nước sinh hoạt này được chắt chiu để chăm sóc rau xanh. “Người nắng héo còn chịu được chứ để rau xanh nắng héo thì không được” – một chàng lính dí dỏm nói.

 Tàu tới đảo chìm Cô Lin. Tại đây, đoàn công tác tổ chức lễ truy điệu các liệt sỹ đã hy sinh anh dũng trong quá trình chiến đấu, bảo vệ Trường Sa. Trên boong tàu HQ 996, những giọt nước mắt xúc động lặng rơi khi Thượng tướng Phạm Dũng đọc những dòng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì chủ quyền biển đảo, mãi mãi nằm lại giữa nghìn trùng biển khơi...

Nghĩ về biển đảo, nghĩ về những người lính đã ngã xuống giữa biển khơi, bất giác tôi nhớ tới lời thơ của Nguyễn Việt Chiến:

Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn

Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương

Họ đã lấy thân mình làm cột mốc

Chặn quân thù trên biển đảo quê hương

Họ đã hóa cánh chim muôn dặm sóng

Hướng về nơi đất mẹ vẫn mong chờ…

Qua chuyến công tác tại các đảo cho thấy đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đã được cải thiện nhiều so với trước. Đáng chú ý là việc đầu tư các thiết bị về thông tin liên lạc, nghe nhìn, điện năng lượng mặt trời, điện gió. Ở bất kỳ đảo nào, cán bộ, chiến sĩ Hải quân và lực lượng liên quan cũng đều thể hiện tinh thần, bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường.

Hành động khiến tôi rưng rưng nước mắt

Khi ra đảo, các đồng chí Hải quân nói với tôi rằng giờ điều kiện nước sinh hoạt khá phong phú, đoàn công tác tắm giặt theo nhu cầu. Nhưng tôi nghĩ, có thể vì chúng tôi là sĩ quan cấp tướng nên các anh muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất để chúng tôi không ái ngại, không vất vả. Tôi hiểu điều đó nên đến đảo nào mình cũng có ý thức tiết kiệm từng âu nước. Hôm ở đảo Sinh Tồn Đông, 3h sáng thức dậy, tôi bước ra hành lang. Tôi thấy một chiến sĩ vừa đi gác về, anh dùng một chậu nhỏ và đổ ít nước vừa đủ để vắt khăn lau người. Hành động đó khiến tôi rưng rưng nước mắt. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất vất vả, hết lòng vì Tổ quốc, trong khi cuộc sống hôm nay nhiều bạn trẻ ở đất liền đang theo đuổi lợi ích riêng mình. Bởi thế, sự cống hiến của họ rất đáng khâm phục… (Thiếu tướng Trần Quang Trọng, nguyên Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND). 

Là những người rèn giũa trong môi trường kỷ luật nghiêm minh, kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió, điều kiện ấy vừa tôi luyện ý chí chiến đấu, vừa gắn kết tình cảm sâu đậm với đồng chí, đồng đội, với đoàn công tác.

Như khẳng định của Trung tướng Trần Bá Thiều, qua chuyến công tác, mỗi chúng ta đều nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, càng thấy rõ hơn trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời càng khâm phục tinh thần khắc phục khó khăn, đoàn kết gắn bó của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng trên đảo.

Đ.Trường – L.Phong
.
.