Trò chuyện với nữ Phó Giáo sư đầu tiên của lực lượng CAND

Thứ Tư, 16/11/2011, 10:23
Đó là Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Hoàng Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng khoa Đào tạo Sau đại học và bồi dưỡng nâng cao, Học viện CSND, người vừa được trao giấy chứng nhận chức danh PGS ngày 12/11 tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám vừa qua. Ngày vui lớn này chị có mẹ ở bên cùng chia vui với chị.

Khi tôi hỏi mẹ của PGS Hoàng Thị Bích Ngọc có cảm xúc như thế nào khi được chứng kiến giây phút thành đạt của người con gái đầu lòng, người mẹ già đó chỉ kéo tà áo lên chấm nước mắt, rồi bà nói trong nỗi niềm xúc động: "Ngọc chăm học từ bé, giờ Ngọc được như ngày hôm nay, tôi mãn nguyện vô cùng. Nhà tôi sức khoẻ yếu không xuống được nhưng khi biết tin con gái trở thành PGS, ông vui quá mấy đêm không ngủ được, cô à!"...

Nghe mẹ nhắc đến bố, chị Ngọc cũng nghẹn ngào. Chị bảo tôi rằng, một trong những điều hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời chị là đã đi theo nghề của bố. Quê chị ở vùng trung du Phú Thọ, bố chị là thầy giáo tiểu học mẫu mực được người dân vùng quê nghèo này hết lòng yêu mến, kính trọng bởi ông ngoài phương pháp sư phạm chuẩn mực còn là một thầy giáo nghèo nhưng thương yêu học trò như con của mình.

Ngày tháng qua đi, những ký ức đó cũng lớn dần theo khát vọng đầu đời của chị, nó nuôi dưỡng trong chị một ước nguyện cháy bỏng trở thành sinh viên sư phạm, thành nhà giáo. Tốt nghiệp trung học phổ thông chị Ngọc đã bỏ qua những trường đại học trào lưu lúc bấy giờ như Y, Dược, Bách khoa để thi vào Sư phạm Hà Nội. Và chị đã đỗ, đủ điểm đi học Trường ĐH Sư phạm Ariol của Cộng hoà Liên bang Nga, bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học và giảng dạy theo nghiệp của cha mình.

Nhìn lại chặng đường của PGS.TS Hoàng Thị Bích Ngọc thì có thể khẳng định, đó là một chặng đường dài chị đã phấn đấu bền bỉ. Là một người phụ nữ, phía sau chị còn là gia đình, chồng con, chắc chắn chị phải nỗ lực gấp nhiều lần để vừa giữ trọn hạnh phúc gia đình, vừa thành công trên con đường khoa học, giảng dạy.

Chị cho hay: "Năm 1986, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ariôl, tôi được phân công về công tác tại Học viện CSND, trở thành giảng viên của Bộ môn Tâm lý của Học viện. Kỷ niệm đầu tiên của nghề nhà giáo đến giờ hồi tưởng lại vẫn làm tôi nao nao. Hồi đó sinh viên theo học các khoa chuyên tu, tại chức thường là các anh, các chú lớn tuổi. Khi thấy tôi, một cô gái mới 22 tuổi đầu bước vào lớp, ánh mắt họ vừa ngạc nhiên, vừa có điều gì đó "khó hiểu, hoài nghi". Còn tôi, phải cố gạt nỗi "run sợ" để bước vào bài giảng. Cũng may, tôi nhanh chóng nhập tâm, say mê với bài giảng nên khi tiết học kết thúc, cả lớp đứng lên vỗ tay chúc mừng tôi. PGS Ngọc tâm sự tiếp: "Trong suốt quá trình công tác, tôi luôn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cá nhân, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững uy tín, danh dự của nghề giáo".

PGS.TS Hoàng Thị Bích Ngọc và mẹ trong ngày vui chị nhận chức danh cao quý. Ảnh: Vũ Hân .

Năm 2002, giảng viên chính Hoàng Thị Bích Ngọc được cấp bằng tiến sỹ về Tâm lý học. Luận án của chị nghiên cứu về "Đặc điểm giao tiếp của phạm nhân loại tội phạm hình sự ít nghiêm trọng", đây cũng là một hướng nghiên cứu mà chị đã phát triển ra nhiều đề tài khoa học khác. Chị bảo tôi, công trình khoa học mà chị tâm đắc nhất cũng liên quan đến tâm lý phạm nhân ở trại giam. Với phương châm, đã nghiên cứu là phải nghiêm túc, cần mẫn, đầy đặn về số liệu thì đánh giá, đề xuất mới có tính thuyết phục, nhiều tháng trời, chị đã lăn lộn ở Trại giam Tân Lập (Phú Thọ).

Sau bữa sáng với gói mỳ tôm úp vội là chị xuống gặp gỡ tiếp xúc phạm nhân. Có những phạm nhân mất nhân tính, trông dữ dằn, ghê gớm vô cùng nhưng chỉ cần nhắc đến mẹ là họ "mềm như bún", rồi oà khóc nức nở như trẻ nhỏ. Lại có những nữ phạm nhân vào tù, mang theo cả đứa con đỏ hỏn, họ có "số má" trong giới giang hồ đấy, nhưng giờ nhìn họ ầu ơ ru con đầy nữ tính, chị Ngọc hiểu rằng, ở một góc khuất trong thẳm sâu những con người tội ác đó vẫn là tính thiện…

Chính từ những mảnh đời lầm lỗi đầy nước mắt đó, chị Ngọc đã có cơ sở để đề xuất giải pháp, phải làm thật tốt công tác phòng ngừa để ai cũng hiểu được giá trị của cuộc sống tự do, từ đó không có những hành động hung hãn, manh động, biết kiềm chế và giảm tỉ lệ người phạm tội. Công trình khoa học cấp Bộ này do chị làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu loại xuất sắc.

Năm 2008, chị tiếp tục làm chủ nhiệm đề tài cấp Bộ về "Nghiên cứu sự phát triển lệch lạc và suy thoái nhân cách của người phạm tội sử dụng trái phép chất ma tuý ở Việt Nam". Các đề tài của chị đều nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của Tâm lý học pháp lý và ứng dụng những tri thức của Tâm lý pháp lý vào thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và quản lý giáo dục cải tạo phạm nhân.

PGS.TS Hoàng Thị Bích Ngọc cũng là người có duyên khi hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, rất nhiều công trình do chị hướng dẫn đã được giải cao của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT. Đó cũng là thành quả của một quá trình làm việc nghiêm cẩn, bài bản, khắt khe của PGS Ngọc. Chị quan niệm, khoa học phải là cái gì đó rất sáng rõ, không thể nhợt nhạt, bất cứ luận điểm nào đưa ra cũng phải có "chứng cứ, số liệu" soi đường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chị đòi hỏi sinh viên của mình rất cao ở tác phong và tâm thế của người làm khoa học.

Trong suốt 25 năm giảng dạy và nghiên cứu tại Học viện CSND, PGS Ngọc đã tham gia biên soạn nhiều giáo trình cho hệ đào tạo đại học và sau đại học, tham gia chỉnh lý các giáo trình dành cho hệ đào tạo đại học, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện lý luận của ngành…

Thu Phương
.
.