Trò chuyện với 2 tân Giáo sư của lực lượng CAND

Chủ Nhật, 13/11/2011, 14:12
Hôm qua, 12/11, các tân GS, PGS từ mọi miền đất nước đã tụ hội về Văn Miếu - Quốc Tử Giám để nhận chức danh cao quý do Hội đồng chức danh GS Nhà nước trao tặng. Năm nay, lực lượng CAND vinh dự có thêm 2 tân GS và 13 tân PGS. Hai tân GS là Đại tá Trần Phương Đạt, Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu khoa học và Đại tá Đinh Trọng Hoàn, Trưởng khoa Sau đại học và bồi dưỡng nâng cao. Cả hai vị tân GS này đều công tác tại Học viện CSND…

1. Đại tá, GS.TS Trần Phương Đạt tâm sự với chúng tôi rằng, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học CSND, được nhà trường tuyển chọn, giữ lại làm giảng viên nghiệp vụ từ năm 1982, ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành GS. Lúc đó, với nhiệt huyết tuổi trẻ, với bao hăm hở, bao khát vọng và hoài bão cống hiến của một chàng sinh viên quê Phú Thọ, ông chỉ xác định rằng, mình được ngành đào tạo bài bản, được rèn giũa trong một môi trường “khắc nghiệt”, với kỷ luật thép thì không có lí do gì mà không làm việc một cách nghiêm túc, hết mình để cống hiến trí tuệ và sức sáng tạo cho lực lượng CAND trong công tác đào tạo.

Giờ kể lại cho tôi nghe những ngày đầu tiên chập chững làm thầy giáo, GS Trần Phương Đạt không giấu nổi xúc động, lòng ông như mềm lại, gạt bỏ vẻ nghiêm nghị, mô phạm mà tôi vẫn hằng thấy: “Việc trở thành thầy giáo trong lực lượng CAND là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Gia đình tôi có truyền thống làm nhà giáo. ông nội tôi là một nhà giáo mẫu mực, ông là Chủ tịch kháng chiến đầu tiên của huyện Thanh Thuỷ (Phú Thọ) và ông cũng là người đầu tiên ở miền quê này mở trường tư thục Minh Đức đóng ở xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ. Trong trí nhớ của tôi lúc nào cũng in sâu hình ảnh ông mực thước, giản dị, sống cuộc đời thanh bạch của một nhà giáo nghèo. Thừa hưởng những phẩm chất ấy từ ông, bố tôi sau này cũng trở thành nhà giáo, ông đã từng là Trưởng ban Bình dân học vụ, rồi Phó Ty Giáo dục tỉnh Sơn La… Anh chị em trong gia đình, nhiều người cũng là nhà giáo. Cái nôi gia đình gia giáo có truyền thống dạy học đã nuôi trong tôi một ước muốn giản dị là mình cũng sẽ làm nhà giáo, để viết tiếp truyền thống đó”.

Trở thành thầy giáo của ĐH CSND (nay là Học viện CSND), khi đó trường còn đóng ở Suối Hai (Hà Tây cũ), khó khăn vô vàn, nhưng những điều đó dường như không chạm được vào tâm huyết của thầy giáo trẻ Trần Phương Đạt. Biết bao đêm ông chong đèn ngồi soạn bài giảng với tâm niệm, làm sao để ngày mai lên lớp, học sinh của mình được tiếp thu một bài giảng hay và thuyết phục nhất từ thầy.

Mà thời đó lý luận về nghiệp vụ của ngành Công an chưa được hệ thống và phong phú như bây giờ, do đó, trong lòng thầy giáo Đạt lúc nào cũng canh cánh một điều, phải rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn trong từng bài giảng, dạy nghiệp vụ trinh sát không thể nói vo được, phải xuất phát từ thực tiễn. Vậy là ông lại miệt mài tìm tòi, năng đi cơ sở, đến các đơn vị nghiệp vụ để tiếp cận thậm chí là tham gia vào các chuyên án, rồi tự mình tìm ra bài học lý luận.

Cứ miệt mài như vậy, thầy giáo trẻ Trần Phương Đạt đã trở thành một trong những giảng viên được Hội đồng khoa học giáo dục đánh giá cao và được công nhận là giảng viên đại học trong thời gian sớm nhất. Trong quá trình giảng dạy, ông còn được nhà trường công nhận là giáo viên dạy giỏi và được cử đi học đào tạo ở nhiều lớp và cấp học chính quy…

Nếu nói GS Trần Phương Đạt là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên đào tạo sau ĐH ở Học viện CSND có lẽ cũng không sai. Bởi ngay khi trở thành giảng viên của trường, ông đã trăn trở nỗi niềm: mình học đại học không thôi sẽ chưa đủ, phải vươn lên học cao hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu đào tạo ngày càng cao. Vậy là ông lại lao vào học tập và nghiên cứu không mệt mỏi, liên tục trở thành chiến sỹ thi đua trong nhiều năm, được trường cử đi học nghiên cứu sinh ở Liên Xô (cũ). Nhưng đúng thời điểm đó thì Liên Xô tan rã, GS Đạt nghĩ ngay đến việc phải mở đào tạo sau ĐH ở trong nước. ý tưởng của ông đã được các thầy cô giáo, đồng nghiệp ở trường, được lãnh đạo cấp trên ủng hộ nên nhanh chóng thành hiện thực.

GS Trần Phương Đạt và GS Đinh Trọng Hoàn trong lễ trao chứng nhận chức danh sáng 12/11. Ảnh: Vũ Hân

Đến nay, hệ đào tạo sau ĐH của Học viện CSND đã được gần 20 năm tuổi, đào tạo được hàng trăm thạc sỹ và tiến sỹ, “vạm vỡ” chẳng kém bất cứ trường đại học trọng điểm nào, với nhiều mã ngành đào tạo, là những lĩnh vực rất cần cho cuộc chiến đấu bảo vệ ANQG và TTATXH. GS Đạt cho hay, hiện ông là thành viên trong Ban chủ nhiệm Đề án “Chuyên ngành đào tạo tiến sỹ Quản lý Nhà nước về ANTT”…

Ngoài việc nghiên cứu thành công 1 đề tài cấp Bộ, 2 đề tài cấp trường hợp tác nghiên cứu với Công an Hà Nội, GS Trần Phương Đạt còn chủ biên và tham gia biên soạn hàng chục cuốn sách chuyên khảo, giáo trình, tài liệu tham khảo, tài liệu giảng dạy cho các hệ đại học, sau đại học và bồi dưỡng chức danh. Ngoài ra, GS đã công bố gần 50 bài báo và các chuyên đề khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, các kỷ yếu, thông báo khoa học hoặc các báo cáo tại Hội nghị khoa học trong và ngoài ngành Công an.

Định hướng nghiên cứu khoa học của GS trong suốt quá trình giảng dạy và nghiên cứu ở Học viện CSND đi sâu vào lĩnh vực quản lý nhà nước về ANTT, hoạt động phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm mua bán phụ nữ và xâm hại trẻ em. GS cũng đã hướng dẫn thành công 40 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ (trong đó có 5 học viên quốc tế), đồng thời ông còn hướng dẫn 3 học viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và đang hướng dẫn 11 luận án tiến sĩ. Nhiều học viên cao học khi trao đổi với chúng tôi đều có chung một nhận xét: thầy Đạt luôn đòi hỏi khắt khe về mặt chuyên môn, có lẽ vì thế mà hầu như các luận văn thạc sỹ do GS hướng dẫn đều đủ “năng lực” chuyển tiếp lên luận án tiến sỹ.

Trong nhiều hội đồng bảo vệ, GS đã từng hạ bút cho điểm 0 với những luận văn lười nhác và không tiếc điểm 10 với những luận văn nghiêm ngắn, thực chất. GS quan niệm, ranh giới giữa công trình chất lượng và kém chất lượng phải rất rõ ràng, sức sống của khoa học không có đất cho những công trình lười biếng, nhợt nhạt và gian dối. Ngay từ thuở đầu làm thầy, GS đã nhận thức sâu sắc rằng, khoa học là con đường gập ghềnh đầy sỏi đá, chỉ những ai dám vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của nó thì mới thành công.

2. Tân Giáo sư, Đại tá Đinh Trọng Hoàn có thâm niên đào tạo đại học và sau đại học gần 33 năm. Sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân, năm 1978, ông về nhận công tác tại Trường Đại học CSND (nay là Học viện CSND). Quãng thời gian hơn nửa đời người ấy cũng là một chặng đường dài rộng mà ông đã dồn cả tâm huyết, sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp trồng người, là “người chở đò” cho rất nhiều thế hệ học viên của Học viện CSND.

Những ai từng tiếp xúc với GS Hoàn đều có cảm nhận, ông là một người giản dị, hết lòng vì công việc. Bản thân ông cũng “khắc kỷ” với mình vì ngay từ khi bắt đầu làm thầy, ông xác định đã là thầy giáo, đặc biệt lại là thầy giáo CAND thì trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ trọn đạo làm thầy với đạo đức sáng trong để làm gương cho học trò. Và không thể “dậm chân tại chỗ” về trình độ, do đó ông lúc nào cũng trăn trở, bứt phá và sáng tạo, chiến thắng sức ỳ của bản thân để nâng cao năng lực chuyên môn. Trong công tác đào tạo, GS Đinh Trọng Hoàn đã tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch biện pháp để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của khoa chuyên ngành.

Từ năm 1995 đến nay, sau khi được đề bạt là Phó Chủ nhiệm khoa, sau đó là Trưởng khoa, ông đã cùng tập thể lãnh đạo đơn vị xây dựng, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhiều giáo viên trong đơn vị trở thành giáo viên dạy giỏi của trường.

GS Đinh Trọng Hoàn luôn dồn tâm lực của mình trong mỗi công trình hướng dẫn học viên làm luận văn thạc sỹ hay luận án tiến sĩ. Một số học trò của ông tâm sự, họ luôn học được ở thầy Hoàn một tinh thần làm việc nghiêm túc nhất, trung thực và thẳng thắn, với thầy, hiệu quả công trình là mục tiêu số một.

Từ năm 2002 đến nay, GS Hoàn đã tham gia hướng dẫn 10 nghiên cứu sinh, 28 học viên cao học, trong đó 27 người đã nhận học vị thạc sĩ luật, 4 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và được cấp bằng tiến sĩ. Và điều quan trọng là những luận văn, luận án do GS Hoàn hướng dẫn đã tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay, góp phần hoàn thiện lý luận khoa học điều tra hình sự, lý luận tội phạm học, lý luận quản lý nhà nước về ANTT và đưa ra nhiều giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn.

Khi đánh giá về GS Đinh Trọng Hoàn, đồng nghiệp, học trò đều khẳng định: ông là một người đã nghiên cứu vận dụng các phương pháp giảng dạy và hướng dẫn khoa học tiên tiến để nâng cao chất lượng đào tạo, các bài giảng và sản phẩm khoa học đều đạt chất lượng cao. Khi tham gia các Hội đồng khoa học đánh giá kết quả nghiên cứu của học viên, ông luôn có thái độ, phương pháp đánh giá trung thực, khách quan, đưa ra những kết luận chính xác, công bằng.

Đại tá, GS.TS Đinh Trọng Hoàn tâm sự rằng, Học viện CSND đang phấn đấu trở thành trường đại học trọng điểm của quốc gia, ông thấy mình cũng có trách nhiệm lớn để hoàn thành mục tiêu đó. Nói về công tác nghiên cứu khoa học, GS Hoàn cho hay, đã là trường đại học thì không thể không có nghiên cứu khoa học, đó còn là sức sống làm nên thương hiệu của một cơ sở đào tạo. Nhưng điều quan trọng là những công trình phải mang tính thực tiễn cao, đề xuất được nhiều giải pháp thiết thực cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ ANQG.

GS Đinh Trọng Hoàn đã chủ nhiệm 1 đề tài cấp Bộ, 1 đề tài cấp cơ sở, tham gia 1 đề tài cấp Bộ. Các đề tài khoa học do ông nghiên cứu đều xuất phát từ phương pháp nghiên cứu khoa học đúng đắn và ý thức trách nhiệm cao nên khi nghiệm thu đều đạt loại xuất sắc. Với ông, đó cũng là phần thưởng lớn nhất sau nhiều tháng ngày ông bền bỉ tìm tòi sáng tạo trên con đường khoa học mà trước đó chưa có ai đi tới…

.
.