Xúc động trước những kỷ vật về Chiến dịch Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 30/04/2021, 08:29
Những ngày tháng Tư lịch sử, PV Báo CAND hoà vào dòng người đến thăm Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh - nơi hiện đang trưng bày 6.293 hiện vật, trong đó có 2.881 hiện vật gốc, nhiều hiện vật có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng và hơn 500 hình ảnh tư liệu.


Những kỷ vật mà lớp thế hệ của những người từ làng quê bước ra “áo vải chân không đi lùng giặc đánh” làm lên những chiến công “chấn động địa cầu” để lại sau Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về cuộc chiến, đặc biệt là giá trị của hòa bình, độc lập tự do. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng bản hùng ca về chiến thắng vĩ đại của dân tộc - Đại thắng mùa xuân 1975, vẫn vang mãi…

Trong phòng trưng bày Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, bên cạnh rất nhiều kỷ vật, hình ảnh (từ cuốn sổ nhật ký chiến trường, chiếc loa tay, chiếc cặp đựng tài liệu, các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại, những tấm bản đồ “quyết tâm” – quyết tâm giải phóng miền Nam), chúng tôi thấy có kỷ vật của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn; bút tích, kỷ vật  của Thủ tướng Phạm Văn Đồng; … cùng nhiều tướng lĩnh, sĩ quan đã có những đóng góp rất quan trọng, góp phần cho thắng lợi cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Một trang nhật ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Chúng tôi được giới thiệu đến Bảo vật quốc gia, đó là quyển “Sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Đây là quyển sổ được các sĩ quan làm nhiệm vụ trực ban tác chiến của Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, ghi lại một cách chi tiết, cụ thể những diễn biến tình hình chiến sự trong 6 ngày đêm lịch sử của Chiến dịch, từ ngày 25/4 đến ngày 1/5/1975. Những sự kiện tác chiến gay go, quyết liệt của các đơn vị, các mũi, các hướng tham gia chiến dịch đã diễn ra dồn dập, ghi dấu những khoảnh khắc lịch sử gắn với sự kiện trọng đại nhất của dân tộc đã được ghi lại trong quyển sổ này.

Đại tá Nguyễn Hoàng Vỵ, một chứng nhân lịch sử, lúc đó là trung úy, cán bộ trực ban tác chiến của Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh từng xúc động kể khi ông ôm quyển sổ này từ Sở chỉ huy Căm Xe (Bình Dương) về Sài Gòn vào chiều 30/4/1975: “Dọc đường đi, thấy nhân dân nô nức chào mừng quân giải phóng, tay muốn giơ cao vẫy chào nhưng không dám giơ cả hai tay vì một tay không thể rời cuốn sổ. Cuốn sổ chỉ gần trăm trang giấy sao trong balô tôi nặng thế, thì ra trong niềm say chiến thắng, khi được lệnh dời Sở chỉ huy về Sài Gòn, mình không để ý chứ có anh em đồng chí, đồng đội mình đã hy sinh cũng ùa về theo. Linh hồn họ nhập vào cuốn sổ, họ cũng reo hò vui chiến thắng!”, Đại tá Nguyễn Hoàng Vỵ đã kể lại như thế trước lúc vĩnh viễn đi xa.

Sinh viên đại học Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh tham quan tìm hiểu về Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh.

“Sổ trực ban chiến dịch Hồ Chí Minh không đơn thuần chỉ là những trang giấy ghi lại diễn biến của chiến dịch, mà đó là lịch sử, là hồn thiêng sông núi, là bằng chứng hiện hữu, rõ ràng nhất về một giai đoạn hào hùng trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, là máu xương của hàng triệu đồng bào đã ngã xuống để có được một ngày vui thống nhất. Cuốn sổ còn là tài liệu quý giá góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ, biết ơn, cố gắng phấn đấu, sống xứng đáng với công lao của các thế hệ cha anh đi trước, quyết tâm xây dựng non sông đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, vững bền”, nữ nhân viên bảo tàng thuyết minh.

Trong những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, khách tham quan đặc biệt chú ý đến “chiếc gùi đánh giặc”. Chiếc gùi ấy của Điểu Lưa, dân tộc Stiêng, Bí thư Chi đoàn Sóc Bom Bo, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Sông Bé (nay là Bình Phước) cũng trở thành vũ khí để bảo vệ xóm làng, thực ra nó chỉ đựng những mũi tên. Tất cả những thứ như chiếc gùi đựng mũi tên ấy, ngày thường nó là những vật gần gũi với người dân nhưng nó đã trở thành vũ khí khi “giặc nhảy vào nước hóa thành chông”, giống như hình ảnh anh Giải phóng quân trong thơ Tố Hữu: “Một dây ná, một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ”.

Những kỷ vật của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.

Mỗi kỷ vật của những người từng góp xương máu và công sức trong công cuộc giải phóng đất nước, với gia đình đó là của gia bảo, với bảo tàng, khách tham quan… nó mang giá trị lịch sử. Bộ quân phục bạc màu, sờn vai, chiếc mũ cối mòn quai của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Chính ủy Quân đoàn 4; chiếc võng, cái khăn rằn hay những hòn đá chặn giấy của các tướng lĩnh, cán bộ quân giải phóng… đều mang những thông điệp về một thời gian khó nhưng rất đỗi tự hào của các thế hệ cha anh về cuộc chiến.

Phút giây trùng phùng của mẹ con chiến sĩ tình báo bị địch bắt, kết án tử hình và bị giam tại nhà tù Côn Đảo chờ ngày thi hành án Lê Văn Thức, cả hai cùng bật khóc. Khoảnh khắc hai vị tướng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng vui mừng choàng ôm nhau cười tươi trong phút gặp mặt giữa Sài Gòn sau ngày 30/4; cảnh nhân dân đổ ra xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa đón các chiến sĩ ngày 30/4/1975; cảnh nữ chiến sĩ Nguyễn Trung Kiên - biệt động Sài Gòn - với nụ cười bừng sáng dẫn đường cho bộ đội tiến vào Dinh Độc lập và sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975... đã được các phóng viên, các nhiếp ảnh gia ghi lại và được trưng bày tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Chiếc gùi của Điểu Lưa.

Mỗi kỷ vật “biết nói” được trưng bày tại bảo tàng như là một thông điệp để thế hệ hôm nay hiểu thêm về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam; từ đó mới cảm nhận được phần nào niềm vui và niềm tin chiến thắng. Niềm tin ấy đang được tiếp tục lan toả mạnh mẽ nhất trong công cuộc xây dựng một Việt Nam hùng cường, giàu mạnh hôm nay.

Sau 34 năm hoạt động trong quy mô Phòng trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh trực thuộc Bảo tàng Quân khu 7, cuối năm 2020, Bộ Quốc Phòng đã quyết định thành lập Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi gìn giữ, bảo tồn các tài liệu hình ảnh liên quan đến Chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm phục vụ tuyên truyền với khách trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tham quan. Bảo tàng được sắp xếp theo từng chiến dịch, từ chiến thắng Phước Long, thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Văn Hào
.
.