Trấn áp mạnh tội phạm hình sự vùng biên

Thứ Tư, 22/08/2012, 23:59
Chúng tôi may mắn gặp các trinh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn trong buổi sáng sớm, khi họ vừa trở về từ rẻo cao Mẫu Sơn. Vẻ mệt nhoài sau một đêm thức trắng khám nghiệm hiện trường vụ trọng án còn hiện rõ trên nét mặt, nhưng họ lại bắt tay ngay vào công việc của ngày mới. Nhắc đến lính hình sự Lạng Sơn, với cư dân vùng biên thì không ai không biết tới, bởi đó là một đơn vị đã lập nhiều chiến công vang dội, 2 lần được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đặt chân lên xứ Lạng vào những ngày đầu mùa thu tháng 8 lịch sử, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được đó là cuộc sống khá thanh bình của cư dân vùng biên. Thiếu tá Nông Văn Tư, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, từ đầu năm đến nay, phạm pháp hình sự tại Lạng Sơn giảm đáng kể, các loại án nghiêm trọng được khám phá kịp thời, không để tồn tại những tụ điểm phức tạp về TNXH. Đặc biệt tội phạm giết người cướp tài sản, ổ nhóm cướp giật trên đường phố giảm mạnh. Để làm được điều này, các trinh sát hình sự đã nỗ lực hết mình trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, trấn áp tội phạm manh động.

Lạng Sơn là mảnh đất biên giới, từng là nơi thuận lợi cho các đối tượng hình sự, trốn truy nã tìm đến. Những băng cướp khét tiếng, lấy “rừng thiêng nước độc” làm nơi trú ngụ, sử dụng vũ khí nóng để chặn xe khách, xe chở hàng cướp tài sản táo tợn một thời như Bạch Văn Chanh đã bị khuất phục bởi những người lính hình sự quả cảm ngày ấy. Bây giờ, các thế hệ nối tiếp vẫn viết lên trang sử hào hùng, vẻ vang của Cảnh sát hình sự xứ Lạng bằng việc khám phá nhanh hàng loạt vụ trọng án; xóa nhiều tụ điểm tệ nạn xã hội gây nhức nhối trong dư luận. Tuy nhiên, Lạng Sơn đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng các vụ trọng án do nguyên nhân xã hội mà chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, âm ỉ kéo dài, hoặc bột phát nhất thời do con người không tìm được cách giải quyết hợp lý nên xảy ra hậu quả đáng tiếc. Nhiều vụ án mà nạn nhân và thủ phạm là người quen, bạn bè, người thân ruột thịt, thậm chí là người yêu.

Công an tỉnh Lạng Sơn đang tiếp nhận trình báo của một nạn nhân. Ảnh: Hoàng Nguyệt

Để lần tìm ra manh mối các vụ trọng án có nguyên nhân xã hội, trinh sát phải bám địa bàn, làm tốt phong trào quần chúng tố giác tội phạm. Ở vụ án Trần Đức Anh (25 tuổi) ở phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn giết bạn tù Nguyễn Trung Thành, các trinh sát phải kiên trì vận động tên tội phạm mới chịu khuất phục. Cùng vào trại Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) từ năm 2009 và trở thành đôi bạn thân thiết, cuối năm 2010, Thành được tại ngoại. Từ chỗ đi lại chăm sóc vợ bạn, Thành đã công khai quan hệ tình ái với chị kia. Ra tù, thấy vợ vẫn duy trì quan hệ với Thành, Đức Anh rất cay cú vì bị phản bội. Trong một lần, do không kìm nén được sự ghen tuông, Đức Anh đã dùng dao đâm Thành khiến anh này tử vong trên đường đi cấp cứu.

Trường hợp của Triệu Văn Tuân (21 tuổi), ở thôn Khau Luông, xã Bắc Ái, huyện Tràng Định giết người yêu cũng vì ghen tuông vô cớ. Chỉ vì trong một lần hẹn hò, thấy người yêu nói chuyện điện thoại với ai đó, cơn ghen nổi lên khiến Tuân đã ra tay giết chết người mình yêu rồi tự sát nhưng không thành. Trực tiếp xuống hiện trường ngay khi nhận được tin báo về vụ án mạng, Trung úy Hứa Văn Huấn, cán bộ điều tra Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Lạng Sơn vẫn không khỏi xót xa khi chứng kiến cái chết oan ức của cô gái trẻ. “Hậu quả để lại từ những vụ giết người có nguyên nhân xã hội như thế này đã trở thành nỗi bức xúc trong dư luận và luôn ám ảnh những người lính hình sự chúng tôi…” - Trung úy Huấn trải lòng.

Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuân, điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, một vấn đề đáng báo động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay là tình trạng thanh niên trẻ tuổi phạm tội. Các đối tượng phần lớn ở độ tuổi “mười chín đôi mươi” nhưng thiếu hiểu biết, ngông nghênh và liều lĩnh, coi thường luật pháp và mạng sống của người khác nên dẫn đến nhiều vụ việc thương tâm. Chúng có thể đánh nhau chỉ vì những nguyên nhân rất lãng xẹt. Gần đây nhất là vụ mâu thuẫn giữa hai nhóm thanh niên và chúng đã mang dao phóng lợn (một loại dao dài 1,5m, cán bằng gỗ, thường dùng để chọc tiết lợn) và dao sản chảy (dao dài 30cm do Trung Quốc sản xuất, có thể gập vào được) thanh toán lẫn nhau dẫn tới một đối tượng tử vong. Ngoài truy bắt các đối tượng tham gia, riêng tên giết người các trinh sát phải kiên trì vận động thì gia đình mới đưa hắn ra đầu thú. Thật đau lòng khi đối tượng gây án Nguyễn Long Anh (20 tuổi) trú ở phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn thản nhiên khai rằng, nguyên nhân là do hắn và bạn gái đứng tâm sự trên đường thì bị người của nhóm kia… nhìn đểu. Về nhà, hắn rủ nhóm bạn choai choai của mình là những thanh niên ăn chơi lêu lổng đi trả thù. 

Đối với những vụ trọng án có nguyên nhân xã hội, những người lính hình sự đã rất trăn trở phải làm thế nào để thay đổi bản chất lưu manh, côn đồ, hướng những thanh niên trẻ tuổi ấy đến những điều thiện, sống có ích cho gia đình và xã hội… Để làm tốt công tác phòng ngừa, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH đã phối hợp với các trường THPT trên địa bàn đẩy mạnh công tác truyên truyền, giáo dục các em; đồng thời vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm. Với những đối tượng có “vết”, các anh lập hồ sơ quản lý hoặc đưa đi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục.

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, trong 5 năm qua tình hình phạm pháp hình sự ở vùng biên Lạng Sơn đã giảm mạnh, các băng nhóm tội phạm manh động bị trấn áp, tỷ lệ điều tra khám phá các vụ trọng án đạt 100%, góp phần giữ vững ổn định trật tự xã hội. Dù phải hoạt động trong điều kiện lực lượng phân tán do địa bàn rừng núi phức tạp, giáp biên giới, phải đối mặt với những tên tội phạm manh động, nguy hiểm nhưng chính sự quả cảm, ý chí không ngại khó, ngại khổ đã giúp những người lính hình sự lập nhiều chiến công. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tập thể và nhiều cá nhân của đơn vị đã được nhận bằng khen, giấy khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, xứng đáng với hai lần được phong tặng danh hiệu cao quý

Quỳnh Vinh – Trần Hằng
.
.