Hàng ngàn ha rừng ở Đắk Nông bị xóa sổ:

Trách nhiệm không riêng chủ rừng

Thứ Năm, 23/10/2014, 08:34
Từ 2004 đến 2011, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao hàng chục ngàn héc ta đất rừng cho 39 doanh nghiệp tư nhân để trồng cao su, trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong quá trình giao rừng, cơ quan chức năng không thực hiện việc thẩm định nên đã giao rừng cho các doanh nghiệp yếu năng lực, sau khi giao buông lỏng quản lý nên đã có hàng ngàn héc ta rừng bị tàn phá…
>> Nghịch lý rừng trồng ít, phá nhiều

Đó là kết luận về việc quản lý sử dụng đất đai, giao đất, giao rừng và một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2004-2011 vừa được Thanh tra Chính phủ công bố ngày 15/10. Từ kết luận này cho thấy, việc hàng ngàn héc ta rừng ở Đắk Nông bị xóa sổ có trách nhiệm của Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, Giám đốc các sở TNMT, NN-PTNT...

Năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty Kiến Trúc Mới (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) do bà Nguyễn Thị Hồng Hà làm Giám đốc thuê 1.678ha đất rừng tại các tiểu khu 1534 và 1528 thuộc địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để thực hiện dự án trồng cao su, trồng rừng và bảo vệ rừng. Sau đó, Công ty Kiến Trúc Mới đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Vinh Hiển (có trụ sở tại tỉnh Bình Phước) do ông Hồ Hữu Hiển làm Giám đốc để thực hiện việc khai hoang đất rừng mặc dù chưa có giấy phép, hồ sơ thiết kế khai hoang và chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi ký hợp đồng, Công ty TNHH MTV Vinh Hiển đã thuê người cho xe ủi, máy cưa tiến hành việc khai hoang, đốn hạ trái phép 70ha rừng theo sự chỉ dẫn của ông Chu Văn Lam, Phó Ban quản lý dự án Công ty Kiến Trúc Mới. Điều đáng nói, trong tổng số 70ha rừng bị đốn hạ có tới 38ha thuộc diện tích rừng phải khoanh nuôi bảo vệ, cấm khai thác, gây thiệt hại gần 9 tỷ đồng.

Ngày 15/10, TAND tỉnh Đắk Nông đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ hủy hoại rừng nói trên. Tại phiên tòa, Hồ Hữu Hiển một mực kêu oan vì cho rằng mình chỉ làm theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Công ty Kiến Trúc Mới nhưng cơ quan chức năng không xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ, HĐXX tuyên phạt Hồ Hữu Hiển 7 năm tù, Chu Văn Lam 4 năm tù về tội hủy hoại rừng. Ngoài ra, tòa cũng buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền thiệt hại gần 9 tỷ đồng.

Trao đổi với ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, ông Duyên thừa nhận: “Mục đích của nhiều DN là lấy đất trồng cao su chứ không phải bảo vệ rừng. Một số DN không có năng lực tài chính nên chưa xong thủ tục đã bán lại kiếm lời. Đây là hạn chế lớn, làm giảm hiệu quả kêu gọi đầu tư, làm mất rừng, mất đất với diện tích lớn”.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, từ năm 2004 đến nay, có hơn 27.000ha đất rừng bị lấn chiếm, chặt phá. Tuy nhiên, lực lượng chức năng mới chỉ xử lý được khoảng 12,7% tổng diện tích đất rừng bị phá. Bên cạnh đó, các hành vi như khai thác, vận chuyển, tiêu thụ gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Cơ quan Công an khám nghiệm hiện trường một vụ doanh nghiệp phá rừng.

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho thuê đất, giao đất, giao rừng cho 39 doanh nghiệp thực hiện 40 dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng nhưng các doanh nghiệp này năng lực yếu cả về tài chính và kỹ thuật. Cho thuê diện tích đất, rừng lớn nhưng không cho thuê rừng, không thông qua đấu giá rừng, trong khi đó tiền thuê đất phải hàng chục năm sau mới phải nộp gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Thậm chí, UBND tỉnh Đắk Nông tạm giao đất, rừng cho 5 doanh nghiệp nhưng không có quyết định cho thuê đất, cho thuê rừng, không có dự án đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều dự án thu hồi đất trong đó có người dân làm ăn, sinh sống ổn định nhưng không có phương án đảm bảo tái định canh, tái định cư cho người dân, để xảy ra tình trạng bất ổn, bức xúc cho người dân. “Trong một thời gian dài, việc quản lý đất rừng bộc lộ nhiều tồn tại bất cập gây mất rừng với tình trạng trầm trọng”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, những tồn tại trên trách nhiệm thuộc về Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, Giám đốc Sở NN-PTNT, Giám đốc Sở TN-MT, Giám đốc Sở Tài chính, chủ rừng và các cá nhân, tập thể liên quan. Do vậy, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đai và bảo vệ, phát triển rừng. Thu hồi các quyết định giao đất rừng sai quy định, thu hồi hơn 40 tỷ đồng tiền thuê đất của các doanh nghiệp. Đồng thời, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra những sai phạm trong kết luận, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thủy điện băm nát rừng

Theo Thanh tra Chính phủ, hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông quy hoạch 75 dự án thủy điện. Một lượng lớn đất rừng đã được huy động cho các dự án thủy điện làm thay đổi môi trường sống, cạn kiệt nguồn gen. Trong khi đó, tiến độ thực hiện các dự án chậm, nhiều dự án tạm dừng ảnh hưởng đến tình hình ổn định, phát triển kinh tế xã hội. Khi triển khai dự án, một lượng lớn gỗ và tài nguyên rừng bị thất thoát, hao hụt. Hầu hết các dự án ít quan tâm đến ổn định cuộc sống cho người dân gây khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Văn Thành
.
.