Tổng cục VIII tổng kết 10 năm công tác cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng

Thứ Tư, 08/08/2012, 16:05
Công tác cơ sở giáo dục (CSGD), trường giáo dưỡng (TGD) được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII). Hành trình 10 năm, một chặng đường chưa phải là dài nhưng cũng đủ để nhìn lại những thành quả đã đạt được của công tác này trong vấn đề giáo dục, đưa con người trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Con đường gian nan

Từ năm 1995, trên cơ sở 5 trại giam và 1 trại giáo dục lao động, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã có quyết định thành lập 6 CSGD theo khu vực. Sau đó, do nhu cầu của công tác giáo dục, đến năm 2009 đã mở rộng thành 10 CSGD ở nhiều tỉnh khác nhau. Song song với công tác CSGD, năm 1996, Bộ Công an cũng đã quyết định thành lập 4 TGD theo khu vực trải dài từ Bắc vào Nam. Trải qua nhiều biến động, công tác CSGD và TGD đã có một hành trình dài 10 năm, với nhiều gian nan, thử thách, từng bước điều chỉnh và hoàn thiện mình để phục vụ cho công tác quản lý và giáo dục trại viên (TV), học sinh (HS) đạt hiệu quả cao nhất.

Đối tượng trại viên trong các CSGD rất phức tạp. Tuy là những đối tượng bị xử lý hành chính nhưng tỷ lệ có tiền án cao, còn có cả tiền án chung thân, phần đông là lưu manh, côn đồ, hung hãn, từng tham gia các băng, nhóm tội phạm. Thời gian gần đây, các CSGD đã tiếp nhận, quản lý nhiều đối tượng sử dụng trái phép ma túy tổng hợp, “ma túy đá”, những đối tượng nghiện rượu có hành vi gây rối… Nhiều trại viên có biểu hiện tâm thần, hoang tưởng, hoặc trầm cảm, không làm chủ được hành vi. Nhiều trại viên là phạm nhân từng tham gia chống đối, gây rối ở các trại giam, nay vào các CSGD tìm mọi cách móc nối, truyền bá các thủ đoạn, âm mưu, chống đối cán bộ, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục. 

Đối với công tác TGD, hành vi vi phạm của các em cũng không kém phần phức tạp, gây bức xúc trong đời sống xã hội và gia đình. Các học sinh TGD đều nhận thức hạn chế, nhiều lần vi phạm pháp luật, trộm cắp, quấy rối, có lối sống tự do, buông thả, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, lang thang, cơ nhỡ, trộm cắp, kiếm sống bằng mọi cách. Đây là những đối tượng còn non trẻ, ngông cuồng, dễ manh động nên việc quản lý giáo dục cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Hành trình để cảm hóa người lầm lỗi ở các CSGD, TGD rất gian nan bởi sự đa dạng và phức tạp của các đối tượng. Thế nhưng thực tiễn 10 năm qua tại các CSGD, TGD cho thấy, đó là một môi trường tốt giúp con người hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.

Hoạt động thể dục thể thao tại Trường Giáo dưỡng 3 ở Đà Nẵng.

Môi trường tốt để hoàn lương

Trước tình hình TV, HS vi phạm, chống đối diễn biến ngày một phức tạp, với những thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý, Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục và các CSGD, TGD đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác quản lý TV, HS. Nhờ vậy, 10 năm qua, tình hình TV, HS ổn định, an ninh, an toàn được giữ vững. Hầu hết các TV, HS đều yên tâm học tập, rèn luyện tiến bộ. Việc tổ chức, giám sát cho TV, HS thăm gặp, thư từ được bảo đảm chặt chẽ. Hình thành các Ban Tự quản, Đội Sao đỏ, thực hiện nghiêm túc và phát huy tích cực công việc được giao.

Các TGD duy trì tốt việc dạy văn hóa, đã tổ chức cho 29.764 lượt HS được học văn hóa từ lớp 1 đến lớp 9 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặc dù nhiều khó khăn, nhưng các CSGD đã rất cố gắng tổ chức học văn hóa xóa mù chữ cho 5.460 TV. Nhiều TV, HS chưa biết chữ, chỉ một thời gian ngắn đã đọc thông viết thạo, có thể tự viết những lá thư đầu tiên gửi về cho gia đình. Điều đó thực sự có ý nghĩa, phát huy ý nghĩa giáo dục, nhân văn cao đẹp.

Trong 10 năm qua, một thành quả thực sự ý nghĩa là ở các CSGD và TGD đã xây dựng được các chương trình giáo dục công dân cho toàn bộ TV, HS, chương trình giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho toàn bộ HS. Trong 10 năm, các TGD đã tổ chức cho 27.381 HS tham gia học chương trình giáo dục công dân, từ năm 2006, các CSGD đã tổ chức được 662 lớp cho 43.391 lượt TV học. Những bài học làm người từ những bài giảng giản dị, dễ hiểu đã chạm đến góc sâu thẳm trong tâm hồn các TV, HS.

Đặc biệt năm 2011, hưởng ứng cuộc thi Sự hối hận và niềm tin hướng thiện trong phạm nhân, trại viên, một cuộc thi giàu tính nhân văn, các CSGD đã phát động và tổ chức cho 960 TV tham gia. Nhiều bài viết xúc động của các TV đã được in thành sách. Năm 2012, cuộc thi vẽ tranh Khát vọng hoàn lương đã có nhiều em đạt giải. Những bức tranh giản dị về mơ ước sau ngày hoàn lương đã khơi dậy trong các em khát vọng được trở lại với cuộc đời bằng những việc làm có ích cho xã hội.

Và đâu phải chỉ là giấc mơ, công tác CSGD, TGD đã gắn với việc phát triển lao động, sản xuất dạy nghề, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho TV, HS. Từ năm 2002 đến năm 2011, các đơn vị đã triển khai dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” tổ chức ở các trung tâm dạy nghề ở các CSGD và TGD… Đó là một việc làm thiết thực, có ý nghĩa, giúp các TV, HS khi trở lại cuộc sống có thể hòa nhập và tự kiếm sống lương thiện bằng những nghề đã học…

10 năm, một hành trình gian nan trên con đường cảm hóa, giáo dục và hướng thiện. Những kết quả đó thực sự có ý nghĩa khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa xã hội công tác CSGD, TGD trong việc góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội và quản lý giáo dục người vi phạm trở thành người có ích cho xã hội.

Công tác CSGD từ năm 2002 đến nay đã tổ chức tiếp nhận 41.793 người vào CSGD. Đối tượng ở các CSGD đang giảm dần. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng. Nếu làm một phép so sánh, từ năm 2002, các CSGD quản lý 9.867 trại viên thì hiện nay, con số đó là 5149 (giảm 47.82%).

Hà Hiền
.
.