Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vùng đồng bào các tôn giáo

Thứ Hai, 25/08/2014, 07:33
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào các tôn giáo trong thời gian tới, theo Trung tướng Tô Lâm - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, cần tập trung vận động, phát huy vai trò tích cực của các chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo tham gia công tác đảm bảo ANTT, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc.

Tôn giáo là hiện tượng xã hội - lịch sử đặc thù, liên quan đến tâm linh, tình cảm, nhận thức, tư tưởng và hành động của những cộng đồng dân cư theo tín ngưỡng, tôn giáo trên phạm vi toàn cầu, có tác động đa chiều đến quá trình vận động, phát triển của thế giới cũng như của mỗi quốc gia.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo với hàng chục triệu tín đồ, chiếm gần 1/3 dân số quốc gia, sinh sống ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước; là lực lượng quần chúng có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng bào các tôn giáo Việt Nam đều là nhân dân lao động có lòng yêu nước nồng nàn, đã và đang có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc qua các thời kỳ. Đại đa số các chức sắc, tín đồ các tôn giáo có tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó với dân tộc, làm tốt vai trò, trách nhiệm của công dân. Đã có hàng vạn thanh niên là người trong các tôn giáo tham gia bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, nhiều người là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, liệt sĩ, thương binh. Những anh hùng, liệt sĩ, thương binh đó là niềm tự hào của đất nước ta nói chung, của đồng bào theo các tôn giáo nói riêng; những thành tích, chiến công của họ góp phần tô thắm lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, mãi mãi là tấm gương sáng để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay, đồng bào các tôn giáo đã và đang đóng góp xứng đáng cho đất nước; đồng hành, gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo quần chúng tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm nên những thành tựu to lớn của đất nước. Đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội ở các vùng đồng bào các tôn giáo đã có nhiều đổi thay; cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp; phần lớn các xã vùng đồng bào các tôn giáo đã có điện lưới quốc gia, có đường ôtô đến xã, nhiều nơi đã bê tông hóa đường liên thôn, liên xóm, các bờ kênh, mương thuỷ lợi; nhiều trường học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; 100% số xã có trạm y tế, có điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ thiết thực cho đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Công tác xóa đói, giảm nghèo thu được nhiều kết quả; đời sống mọi mặt của đồng bào các tôn giáo ngày càng được cải thiện và nâng cao, số hộ giàu và khá ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm đáng kể, số học sinh trong độ tuổi được đi học ngày càng tăng, nhiều nơi đạt tỷ lệ cao như các tỉnh: Bắc Ninh, Bình Định, Đồng Nai, Phú Thọ, Tuyên Quang…

Đồng bào các tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi hoạt động tôn giáo theo pháp luật, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, góp phần đưa công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo ngày càng hiệu quả và đi vào nền nếp. Hệ thống cơ sở chính trị vùng đồng bào các tôn giáo được quan tâm xây dựng củng cố, kiện toàn ngày càng vững mạnh, phát huy được vai trò, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương và vai trò làm chủ trên mặt trận giữ gìn ANTT ở vùng đồng bào các tôn giáo. Số người trong các tôn giáo tham gia cán bộ Mặt trận, xã, phường, thị trấn, trưởng các thôn, xóm ngày càng tăng. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào các tôn giáo trong 20 năm qua được duy trì, phát triển sâu rộng, thực sự đi vào cuộc sống với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của đồng bào các tôn giáo trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào các tôn giáo đã góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp về ANTT, nhất là không để phát sinh “điểm nóng”, phục vụ thiết thực cho các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Công an xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, Hà Nam trao đổi công tác giữ gìn ANTT với chức sắc tôn giáo.

Hiện nay cả nước có trên 700 loại mô hình, tổ chức quần chúng làm công tác đảm bảo ANTT, trong đó có trên 100 mô hình đang phát huy có hiệu quả trong vùng đồng bào các tôn giáo như: “Giáo xứ, họ đạo Ba không”, “Ba an toàn về ANTT”, “Xứ, họ đạo bình yên”… Các mô hình này chính là cơ sở để xây dựng củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, góp phần quan trọng đảm bảo ANQG, giữ gìn TTATXH. Các mô hình thực sự đã tạo sức hút, lan toả và đem lại hiệu quả to lớn. Thông qua thực hiện mô hình, quần chúng nhân dân nói chung và đồng bào trong các tôn giáo nói riêng đã cung cấp hàng trăm ngàn nguồn tin có liên quan đến ANTT, trong đó 60% đến 70% tin có giá trị giúp các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời nhiều vụ việc tại địa phương, góp phần giữ vững ANCT, TTATXH.

Những kết quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã đạt được trong 20 năm qua, đã khẳng định chính sách đúng đắn, nhất quán của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tôn giáo và công tác tôn giáo. Các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn tôn trọng đức tin của đồng bào, trân trọng ghi nhận công lao, đóng góp của đồng bào các tôn giáo trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước; mong muốn cho người dân theo các tôn giáo được ấm no, hạnh phúc, đoàn kết thống nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Trong thời gian tới, nước ta tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, đan xen giữa thời cơ và thách thức. Ở trong nước, tuy kinh tế phát triển ổn định, an ninh trật tự được giữ vững nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn cho công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào các tôn giáo. Cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục là một trong những lực lượng đóng góp vai trò quan trọng đến sự ổn định và phát triển toàn diện của đất nước, đảm bảo cho việc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào các tôn giáo trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung làm tốt một số công tác trọng tâm sau đây:

Một là: Tiếp tục quán triệt những quan điểm đổi mới của Đảng về công tác tôn giáo và công tác dân vận, pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, các văn bản hướng dẫn thi hành; chủ động, triển khai các văn bản liên quan đến công tác vận động quần chúng giữ gìn ANTT tới mọi tầng lớp nhân dân. Phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng. Huy động được tối đa sức mạnh của quần chúng, tín đồ trong các tôn giáo tham gia vào phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Hai là: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với những nội dung thiết thực như: Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố niềm tin của đồng bào các tôn giáo với Đảng, Nhà nước; các đề án về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… làm nền tảng phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào các tôn giáo. Gắn kết chặt chẽ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các phong trào cách mạng khác để xây dựng mỗi địa phương, cơ sở thành những điểm sáng toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội và ANTT. Tập trung vận động, phát huy vai trò tích cực của các chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo tham gia công tác đảm bảo ANTT, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc.

Ba là: Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào các tôn giáo vững mạnh. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, bảo đảm các hoạt động tôn giáo tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, kết hợp hài hòa giữa việc đạo với việc đời. Phát hiện và kịp thời tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền khắc phục những sơ hở thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách tôn giáo, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các vụ khiếu kiện ngay tại cơ sở. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân với Ban Tôn giáo, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của khối đoàn kết toàn dân; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong việc vận động, thu hút quần chúng tín đồ vào sinh hoạt trong các tổ chức này.

Bốn là: Đổi mới nội dung và hình thức phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trọng tâm là ở các địa bàn chiến lược, vùng đồng bào các tôn giáo với những nội dung thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng vùng, từng địa bàn dân cư, trong từng thời điểm cụ thể. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, quyền hoạt động tôn giáo bình thường theo đúng quy định của pháp luật. Quan tâm, tạo điều kiện để hàng ngũ chức sắc, chức việc, người có uy tín đóng góp khả năng, trí tuệ cho công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở, động viên họ vận động tín đồ tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương, giữ vững an ninh nông thôn để phát triển kinh tế - xã hội.

Năm là: Chú trọng khai thác những mặt tích cực, giá trị nhân văn, đạo đức tôn giáo để góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và vận động đồng bào các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Kịp thời biểu dương, khen thưởng chức sắc, quần chúng tín đồ trong các tôn giáo có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo để công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào các tôn giáo ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả thiết thực

T.L.
.
.