Thượng tướng Lâm Văn Thê: Người anh hùng giữa lòng dân

Chủ Nhật, 01/08/2010, 19:14
Trên bước đường công tác của mình, ông Lâm Văn Thê đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng như: nguyên Thường vụ Khu ủy, Trưởng ban An ninh Khu IX, Phó trưởng Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam kiêm Trưởng tiểu ban Bảo vệ chính trị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Ghi nhận những cống hiến của ông, Chủ tịch nước vừa quyết định truy tặng ông danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Dù ông đã đi xa 20 năm (ông Lâm Văn Thê sinh năm 1922 tại xã An Trạch, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu - nay thuộc thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau - ông mất năm 1990) nhưng đối với người dân đồng bằng sông Cửu Long, cũng như những đồng đội cùng ông một thời trên trận tuyến An ninh Nam Bộ… rất nhiều người vẫn luôn nhắc về ông với bí danh "Ba Hương" với tấm lòng trân trọng.

Là người sáng lập và phụ trách "Thanh niên tiền phong xã" An Trạch năm 1944, ông trưởng thành từ cơ sở và sớm phát triển mạng lưới An ninh bí mật và các cơ sở cách mạng… Do sự tinh thông và lòng dũng cảm nên chỉ ít năm sau (1952), ông đã trở thành Trưởng ty Công an Bạc Liêu.

Ông Lâm Văn Thê cùng vợ và các con sau ngày giải phóng.

Xây dựng thế trận lòng dân giữa miền sông nước

Nhắc đến Thượng tướng Lâm Văn Thê, nhiều người vẫn còn nhớ rất rõ những tháng năm dài ông gắn bó với bưng biền sông nước miền Tây. Vì ngay từ thời trai trẻ ông đã có ý thức giác ngộ cách mạng rất sớm nên ngay sau khi xây dựng thành công tổ chức "Thanh niên tiền phong xã" chỉ không đầy 2 năm sau ông đã trực tiếp tuyển lựa, huấn luyện hàng chục thanh niên ưu tú trở thành những cán bộ có năng lực, làm nòng cốt cho phong trào cách mạng trong vùng.

Năm 1946, ông vinh dự được kết nạp Đảng. Nhận rõ trách nhiệm và vị trí công tác, ông đã cùng đồng đội lăn lộn với phong trào cơ sở xây dựng lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền khi còn trong bí mật cũng như lúc hoạt động công khai. Hầu hết những quyết sách mà ông đưa ra đều đã được thẩm định qua thực tiễn đấu tranh cách mạng tại cơ sở. Chính vì vậy đã thúc đẩy phong trào cách mạng và có sức lan tỏa rất nhanh.

Vận dụng xây dựng căn cứ địa cách mạng, ông Ba Hương đã tìm hiểu rất kỹ về phong tục tập quán, địa lý, tôn giáo của từng vùng, đặc biệt là miền sông nước miền Tây phải biết dựa vào dân, biết thuyết phục để nhân dân trở thành tai mắt của lực lượng an ninh, chỗ dựa vững chắc của cách mạng. Và cũng từ những khái niệm thực tế ấy, ông đã xây được những "căn cứ lòng dân" ở miền Tây Nam Bộ, trở thành những nội dung cơ bản, xuyên suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là nhân tố quyết định của cách mạng miền Tây góp phần đánh bại âm mưu chiến lược của Mỹ, ngụy.

Trong công tác xây dựng thế trận an ninh, ông Ba Hương đã hiểu rõ và tận dụng sức mạnh vô biên của quần chúng nhân dân, nắm rõ điểm yếu của địch nên đã chỉ đạo các "Ban địch tình" đi sâu vào hàng ngũ địch… làm cho chính kẻ địch tự gây mâu thuẫn và đi đến nghi ngờ thanh loại lẫn nhau.

Với cương vị Trưởng ban An ninh Khu IX (từ năm 1960 - 1967) và trọng trách được giao, ông Ba Hương đã chỉ đạo An ninh toàn khu xây dựng "căn cứ lòng dân" xây dựng "làng rừng - làng chiến đấu" trên cánh rừng U Minh, trong đó nổi bật là xây dựng lực lượng An ninh vũ trang vào năm 1963. Trong suốt thời gian này, lực lượng An ninh Khu IX ngày càng được tăng cường. Lực lượng An ninh vũ trang dưới sự lãnh đạo tài tình của ông đã có nhiều trận đánh đột kích, bất ngờ trên suốt cánh rừng U Minh cũng như vào từng cơ quan đầu não sào huyệt của địch.

Từ trong khói lửa đạn bom ấy, lực lượng An ninh ngày càng vững mạnh trưởng thành. Từ nông thôn đến thành thị, hầu hết các cơ sở bí mật đều đã phát huy được sức sáng tạo, đánh địch tài tình… Kết quả ấy đã để lại trong ông cũng như lực lượng An ninh nhiều kinh nghiệm quý, vận dụng vào công tác an ninh trên các vùng, miền sông nước miền Tây.

Đập tan kế hoạch "Phụng Hoàng"

Từ những kinh nghiệm trải qua tại Ban An ninh Khu IX; ngay sau khi ông được điều về giữ trọng trách Phó ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (ANTWC), ông đã nêu ngay ý tưởng phải thành lập lực lượng trinh sát vũ trang của an ninh miền Nam để có đủ sức tiêu diệt những mục tiêu quan trọng. Đề xuất của ông đã được Ban ANTWC đánh giá rất cao.

Vào tháng 5/1969, Ban ANTWC đã quyết định thành lập "Tiểu ban An ninh vũ trang" hoạt động trên toàn chiến trường miền Nam. Việc đầu tiên là ông đã về ngay Khu IX trực tiếp chọn lựa 100 chiến sỹ An ninh vũ trang xuất sắc nhất của Khu IX về Trung ương Cục. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt sau đó tỏa đi khắp chiến trường, cùng với lực lượng an ninh cơ sở tiêu diệt bọn ác ôn khét tiếng, bọn đầu sỏ tay sai bán nước… khơi dậy tinh thần để quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh phá ách kìm kẹp của địch. Những chiến công vang dội ấy đã tô thắm thêm trang sử vàng truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam.

Trước những đòn tấn công hết sức bất ngờ, táo bạo của lực lượng An ninh cũng như khí thế đấu tranh của nhân dân các tỉnh miền Nam, miền Đông Nam Bộ… đế quốc Mỹ và bọn tay sai càng lồng lên đàn áp phong trào cách mạng. Đặc biệt là cuối năm 1969, Mỹ - ngụy ban bố sắc lệnh thành lập "Ủy ban Phụng Hoàng". Một kế hoạch tình báo tổng hợp lớn nhất, thâm độc nhất trong lịch sử chiến tranh bí mật của Mỹ, nhằm tình báo hóa các cơ quan quân sự và dân sự của ngụy ở miền Nam. Kế hoạch "Phụng Hoàng" bước đầu đã gây cho chúng ta không ít khó khăn.

Qua nghiên cứu, phân tích âm mưu thâm độc của kế hoạch “Phụng Hoàng”, ông Ba Hương đã chỉ đạo lực lượng Bảo vệ chính trị toàn chiến trường miền Nam khẩn trương điều tra nắm tình hình địch, để từ đó có đối sách phù hợp. Ông đã trực tiếp chỉ đạo "Tiểu ban Bảo vệ chính trị" soạn thảo "kế hoạch chống kế hoạch Phụng Hoàng".

Bằng sự nhìn nhận tinh thông, hiểu rõ tim đen của địch, ngay sau khi kế hoạch được triển khai, hầu hết lực lượng bảo vệ chính trị toàn chiến trường miền Nam đã chủ động nắm chắc, đánh trúng mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của địch. Chính bọn tình báo Mỹ sau đó đã phải thừa nhận rằng "kế hoạch Phụng Hoàng" của chúng đã bị sụp đổ.

Chiến công của các lực lượng CAND nói chung và lực lượng An ninh nhân dân nói riêng đã góp phần đắc lực trong cuộc tổng tiến công của quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến công chung của lực lượng CAND, mãi mãi khắc ghi dấu ấn về tài lược chỉ huy cũng như sự tinh thông nghiệp vụ… đặc biệt là tấm lòng giản dị, sống nghĩa tình với đồng chí, đồng bào của ông Lâm Văn Thê - một vị tướng đức độ, tài ba của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam sẽ còn sáng mãi.

Đại tá Lâm Dũng Nam (SN 1958) - Phó Cục trưởng Cục Tham mưu - Tổng cục Quản lý hành chính về TTATXH (con trai thứ 2 của Thượng tướng Lâm Văn Thê): Chúng tôi mong sao mãi mãi mình là người con tử tế của ông bà

Đại tá Lâm Dũng Nam.

Ba  má tôi sinh được 3 anh em. Anh Hai của tôi đã mất. Còn lại 2 anh em, tôi và em Lâm Dũng Tiến (SN 1964). Còn nhỏ anh em tôi đã được ba má dẫn lên chiến khu (Ban ANTW Cục miền Nam). 13 tuổi tôi đã thuộc "biên chế" Tiểu ban Bảo vệ chính trị. Vì ba má đều bận công tác (mẹ của Đại tá Lâm Dũng Nam là bà Trần Thị Phương) nên anh em tôi sống chủ yếu nhờ sự lo toan chăm sóc của các cô chú ở chiến khu, lúc ở trên rừng cũng như sau này đất nước giải phóng.

Với anh em chúng tôi, ba má mãi mãi là hình tượng cao đẹp để mình kính trọng, noi theo, chứ chưa khi nào anh em tôi ỷ lại, hoặc dựa dẫm để tiến thân. Khi còn là Phó trưởng Công an quận 2 cũng như khi về cơ quan Bộ, tôi nghe rất nhiều người nói về ba tôi, nhất là lực lượng An ninh, nhiều cô, chú và anh chị một thời cùng ba tôi ở Ban ANTW Cục…

Thú thật là chúng tôi rất ít khi lấy danh của ba mình ra "khoe" với mọi người. Những kỷ niệm ở trên rừng, khi gặp ba má trong chiến khu, tấm gương đạo đức và sự hy sinh của ông bà đã làm cho chúng tôi thêm tự hào. Có một điều từ ngày còn ở "mái nhà căn cứ…" đến khi về thành phố, anh em chúng tôi thầm bảo nhau hãy sống xứng đáng với những gì ba má đã cống hiến. Dù có khó khăn đến đâu anh em chúng tôi luôn nguyện cầu: Mãi mãi mình là những người con tử tế của ba má. Còn nhiệm vụ mà Đảng và ngành phân công, giao phó thì chắc chắn phải phấn đấu hoàn thành rồi.

Thiếu tướng Lê Tiền - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh: Anh Ba Hương mãi mãi là người anh đáng kính

Vào năm 1962, tôi và một số đồng chí khác được chi viện vào chiến trường miền Nam. Ngay lúc đặt chân đến Ban An ninh Khu IX, người đầu tiên chúng tôi được gặp là anh Ba Hương. Mặc dù anh là người Nam Bộ nhưng anh đã tiếp chúng tôi như những người thân đi xa nay trở về với đồng bào miền Nam.

Tôi nhớ mãi khi ấy anh Ba Hương đã dành những tình cảm rất đặc biệt hỏi thăm quê hương, gia đình chúng tôi. Sau đó cả tháng trời anh dành thời gian để chúng tôi tự viết ra những điều mình đã học tập, những kinh nghiệm quý trang bị cho ngành An ninh chúng tôi học tập trước lúc vào Nam (Trước lúc vào miền Nam, toàn bộ tài liệu chúng tôi chỉ được phép "ghi chép lại" trong đầu). Đọc những trang tư liệu mà chúng tôi cung cấp, anh Ba Hương rất phấn khích. Do bản thân anh là người rất tinh thông, có tầm nhìn chiến lược từ xa cho nên hầu hết những điều anh chỉ đạo đều mang tính toàn diện và thực tiễn rất cao.

Gần chục năm được sống và công tác bên cạnh anh Ba Hương - từ Ban An ninh Khu IX đến khi về Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam không riêng tôi mà rất nhiều đồng đội đều cảm thấy hãnh diện, tự hào. Chính anh Ba Hương đã là người nhân lên mối tình đoàn kết Bắc - Nam. Và cũng chính anh đã quy tụ được rất nhiều những đồng đội đức hạnh, tài ba của lực lượng An ninh nhân dân khi còn chiến tranh cũng như lúc thời bình. Anh thật xứng đáng với phần thưởng cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Xuân Xe
.
.