Theo dấu chân những người lính hình sự quả cảm

Chủ Nhật, 08/07/2012, 11:11
Họ là những cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát hình sự (CSHS) đã ngã xuống khi xông pha trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm. Giã biệt cuộc đời khi chưa được nghe tiếng gọi cha; khi những đứa con còn quá bé bỏng; khi người vợ tuổi mới đôi mươi... khiến cho cuộc ly biệt càng thêm đẫm nước mắt. 10 năm, 15 năm, 20 năm... sau cái ngày đau thương ấy, chúng tôi tìm đến gia đình họ.

Câu chuyện về những người cha đã hy sinh anh dũng, về những người con viết tiếp ước mơ dang dở của cha mình, về những người vợ trọn đời thờ chồng nuôi con sau đây phần nào khắc họa được cuộc sống, chiến đấu và tấm lòng trọng nghĩa, trọng tình, trong lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Bài 1: Trọn đời thờ chồng, nuôi hai con thành chiến sỹ CSND

18 năm sau cái ngày mà người chồng rất đỗi yêu thương - anh Đỗ Kim Thành hy sinh, chị Đỗ Thị Thụ vẫn khóc khi chúng tôi đến nhà. Trải qua ngần ấy năm vất vả, cực nhọc, chị đã nuôi dạy hai đứa con “trứng gà, trứng vịt” trở thành những chiến sỹ Cảnh sát nhân dân (CSND) thực thụ. Con cái trưởng thành, cuộc sống vật chất tạm ổn nhưng vợ Anh hùng liệt sỹ Đỗ Kim Thành vẫn không nguôi những khắc khoải...

1. Ngôi nhà 3 tầng khá khang trang nằm trên con phố yên tĩnh của TP Việt Trì hiện là mái ấm của chị Thụ và gia đình nhỏ của cậu con trai Đỗ Tuấn Dương. Khi chúng tôi đến, chị Thụ đang cho cháu nội 9 tháng tuổi ăn. Trung úy Nguyễn Thu Thảo, con dâu chị Thụ cho biết, “cả ngày hai bà cháu vật lộn với việc ăn uống”. Nghỉ hưu, chị Thụ “tiếp quản” luôn việc trông đứa cháu nội nên bận bịu suốt ngày. Hết nuôi con, lại nuôi cháu, đời người phụ nữ là thế mà. Hơn ai hết, chị Thụ hiểu được cái lẽ đời này. Chị cũng là người phụ nữ đã sống theo cái triết lý rất đỗi bình dị ở đời này - nhìn vào con mà sống.

Còn nhớ vào ngày 15/12/1994. Lúc mới nghe tin dữ, chị cùng người em họ đến Phòng CSHS, Công an tỉnh Phú Thọ - đơn vị mà chồng chị đang công tác để hỏi thì anh em lại không xác nhận. Sau này, chị mới biết, họ muốn giấu. Chỉ khi tìm được xác Đại úy Đỗ Kim Thành trên dòng sông Bứa, đơn vị mới báo tin cho gia đình. Đất như sụt dưới chân người vợ trẻ. Nhìn hai đứa con mới 4 và 6 tuổi ríu rít trong nhà, chị càng quýnh quáng... Thế mà, thoắt đã 18 năm trôi qua.

“Trước khi đi, anh ấy dặn tôi mua vật liệu, sắm đồ lễ để nghỉ phép về lợp lại mái nhà, đào cái giếng và giỗ bố. Thế mà...”, chị Thụ nói. Khi đó, ba mẹ con chị ở trong hai gian nhà tập thể của Nhà máy Dệt. Nhà dột đến mức phải lấy ni lông “trám” lại để tránh mưa. Có chồng là CSHS nên chị Thụ hiểu và thông cảm với công việc của anh dẫu thời gian anh dành cho gia đình không nhiều. Nghe chồng dặn dò, chị háo hức đợi anh nghỉ phép...

Tháng 12/1994, Tổng cục Cảnh sát triển khai chương trình hành động số 1560 phát động quần chúng tấn công tội phạm. UBND tỉnh Phú Thọ cũng có chỉ thị phát động phong trào này trong lực lượng Công an và quần chúng nhân dân. Khi đó, Đại úy Đỗ Kim Thành cùng đồng chí Nguyễn Tiến Dương được Phòng CSHS phân công vào địa bàn các xã Minh Đài, Văn Luông thuộc huyện Thanh Sơn bắt đối tượng truy nã.

Được sự giúp đỡ của nhân dân và lực lượng cơ sở, chỉ trong hai ngày, các đồng chí đã bắt được Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Đình Xuân là hai đối tượng truy nã về các tội: tàng trữ, buôn bán vũ khí trái phép; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau khi bắt hai đối tượng này, các anh dẫn giải đến trại tạm giam. Nhiệm vụ coi như đã hoàn thành, các anh có thể tạm nghỉ ngơi. Thế nhưng lại có thông tin về một số đối tượng có lệnh truy nã khác đang sống kiểu nửa trên bờ, nửa dưới sông. Nguồn tin nóng hôi hổi lập tức thúc các anh quay lại xã Minh Đài và xã Văn Luông.

Gần 22h, các anh đến xã Văn Luông. Đêm cuối năm, rét căm căm. Trời lại mưa lâm thâm nên cái lạnh càng tê tái. Lúc đó, các đồng chí Công an xã Minh Đài đến báo, có hai chiếc thuyền đi dọc sông Bứa. Rất có thể, đây là thuyền của những đối tượng các anh đang truy tìm.

Thế là, cùng với Công an cơ sở, các anh chia thành 2 mũi công tác. Một mũi do anh Thành chỉ huy ra thẳng sông Bứa. Trời tối đen như mực, hơi lạnh bốc lên từ mặt nước. Hai chiếc thuyền có biểu hiện nghi vấn đang ở giữa sông. Các anh yêu cầu kiểm tra nhưng những người trên thuyền cố tình bỏ chạy. Lập tức, tổ công tác đuổi theo chặn chiếc thuyền đang bơi xuôi theo dòng nước.

Khi thuyền này chạy đến thác Gạo, đồng chí Chúc, Trưởng Công an xã Văn Luông định lao xuống nước chặn đầu. Tuy nhiên, đồng chí Thành ngăn lại và lao xuống dòng nước lạnh. Anh bơi trong dòng nước xiết để chặn đầu bắt đối tượng. Khoảng cách giữa anh và những kẻ trên chiếc thuyền đang cố chạy thoát rút ngắn dần, ngắn dần...

Phát hiện anh Thành sắp đến gần, những kẻ tội phạm như con thú đang bị dồn đến đường cùng. Chúng điên cuồng tìm cách tẩu thoát... Chúng dùng ắc quy kích điện xuống nước. Nguồn điện gặp chất dẫn là nước đã nhanh chóng lan đi... Đồng chí Thành đang bơi giữa dòng nước lạnh bị điện giật...

Chị Thụ "ngồi giữa" cùng gia đình cậu con trai Đỗ Tuấn Lương.

2. Chồng hy sinh, một nách hai đứa con nhỏ... Nghĩ về những ngày tháng cũ, chị Thụ lại khóc. Chị bảo, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Công an tỉnh nên khi anh Thành mất, mẹ con chị được chuyển đến ở trong khu căng tin của đơn vị. Chị cũng được tạo điều kiện để về công tác ở Phòng Hậu cần, Công an tỉnh. Nơi ở, nơi làm việc gần nhau nên chị không phải đi lại vất vả.

Tuy nhiên, gánh nặng cơm áo vẫn luôn đè nặng lên đôi vai chị. Cũng may, hai đứa con chị đều ngoan, có ý thức học tập. Đỗ Tuấn Dương, cậu con trai sinh năm 1981 không chỉ giúp đỡ mẹ việc nhà, bảo ban em mà còn học hành giỏi giang. Em nuôi quyết tâm trở thành chiến sỹ Công an nên sau khi tốt nghiệp THPT đã thi vào Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Năm đầu tiên thi, Dương đỗ ngay vào trường. Ngày đầu nhìn con trong bộ quân phục học viên Cảnh sát, chị Thụ lại ứa nước mắt. Nó đã nối nghiệp cha. Dương học tốt, có ý thức rèn luyện nên được thầy cô, bạn bè và đồng đội của bố khen ngợi. Chị rất vui vì điều này.

Hai năm sau, cô con gái thứ hai Đỗ Diệu Linh lại thi đỗ vào Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân. Cùng một lúc, chị có hai con là sinh viên Cảnh sát, rất tự hào. Chị tâm sự rằng, việc định hướng cho con theo nghề bố cũng bởi muốn chúng nối nghiệp cha. Phần khác còn bởi, học ở trường Công an không phải đóng góp học phí, ăn ở...

Về nhà sau khi vừa đi tập luyện chuẩn bị cho kỳ thi đấu thể thao, Đỗ Tuấn Dương cho biết, sau khi tốt nghiệp, em quyết định về quê công tác. Bởi em muốn ở gần mẹ, chăm sóc mẹ. Dương về nhận công tác tại Công an TP Việt Trì. Tại đây, em đã thực hiện tốt nhiệm vụ của một chiến sỹ Cảnh sát. Lấy vợ cũng cùng nghề, sinh con, vợ chồng Dương đang mỗi ngày nhen nhóm thêm niềm vui cho mẹ.

Cô con gái Đỗ Diệu Linh sau khi tốt nghiệp cũng về Công an tỉnh Phú Thọ công tác. Em đã lập gia đình riêng. Nhắc đến con gái, chị Thụ lại khóc. Chị cho biết, cách đây 5 năm, khi Linh đang mang thai thì chồng em mất trong một vụ tai nạn giao thông. Người mẹ nào chẳng mong con mình có cuộc sống hạnh phúc. Chồng hy sinh, chị đã một mình nuôi con những mong con trưởng thành, có cuộc sống an bình. Khi các con trưởng thành, chị những tưởng chúng sẽ được hạnh phúc vây vầy. Thế nhưng số phận thật nghiệt ngã... Cầu mong, mẹ con Linh sẽ có cuộc sống ấm áp, để mẹ em - người phụ nữ trọn đời thờ chồng, nuôi con bớt đi những nỗi ưu phiền.

Thượng tá Đào Diệu Sơn, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH cho biết, năm 1990 anh là lính mới tò te về Phòng CSHS và được những đồng chí có kinh nghiệm đánh án, trong đó có đồng chí Thành kèm cặp. Trong vụ bắt tên Bùi Tiến Ba can tội tàng trữ vũ khí trái phép, anh đã cùng đồng chí Thành và nhiều đồng đội khác tham gia theo dõi suốt 8 tháng liền để bắt đối tượng. “Cậu Dương con anh Thành khá lắm”, đồng chí Sơn nhận xét. Trong mắt những người đồng đội, bạn bè, vợ con của Anh hùng liệt sĩ Đỗ Kim Thành đã sống rất đẹp.  

 - Anh hùng liệt sĩ Đỗ Kim Thành, sinh năm 1955 tại Vĩnh Phú, nay là Phú Thọ. Năm 1975, đồng chí tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phú, làm giáo viên trường cấp III Hạ Hòa. Năm 1976, đồng chí được tuyển vào ngành Công an, công tác tại Trường Phổ thông Công nông - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tháng 9/1985, đồng chí chuyển đến công tác tại Đại đội Đặc nhiệm, thuộc Phòng CSHS, Công an tỉnh Vĩnh Phú.

- Ngày 15/12/1994, đồng chí Thành hy sinh khi truy bắt tội phạm, được công nhận là liệt sỹ CAND và tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

- Ngày 3/8/1995, Nhà nước truy tặng đồng chí Đỗ Kim Thành danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Cao Hồng
.
.